Cán bộ lớp Trung cấp Công an rất phấn khởi, vinh dự được
Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm (1950). (Ảnh sưu tầm)
Suốt quá trình đấu tranh cách mạng, từ khi còn trứng nước đến lúc trưởng thành, các thế hệ “Công an cách mệnh” luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, lãnh đạo sát sao. Sự quan tâm của vị lãnh tụ kính yêu đối với lực lượng Công an thể hiện từ những văn bản pháp lý do Người ký đánh dấu từng mốc son trưởng thành của lực lượng Công an đến các bài nói, bài viết nhắc nhở, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ về nhiều mặt.
Hồ Chí Minh khẳng định bản chất nhân dân của Công an cách mạng Việt Nam. Người xem việc “làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ” là nhiệm vụ thường xuyên. Từ đó, Người nêu lên phương thức tốt nhất để lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ là phải “dựa vào nhân dân mà làm việc” vì “nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong” . Nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn. Trong bài nói tại lớp Chỉnh huấn Khóa 2 ( tháng 5 năm 1959) Bác huấn thị: "Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Nếu trong công tác các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì nhất định các cô, các chú thành công..." . Tuy nhiên, dựa vào dân theo Hồ Chí Minh không phải là ỷ lại, trông chờ ở nhân dân mà cần phải chủ động khai thác sức mạnh của nhân dân. Người yêu cầu “mỗi Công an viên đóng chỗ nào phải dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian,…” và “dạy cho dân nơi đó giữ bí mật” . Cán bộ, chiến sỹ Công an phải nhận phần khó về mình, tạo thuận lợi cho nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân - đó là yếu tố quan trọng để Công an ngày càng được dân tin yêu, giúp đỡ. Đây là những quan điểm sâu sắc về xây dựng nền an ninh nhân dân Việt Nam.
Muốn khai thác được sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi Công an viên phải giữ tư cách, đạo đức. Người rút ra “những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng” thông qua sáu mối quan hệ của lực lượng công an nhân dân. Hiếm thấy Người nói về đạo đức, tư cách của cán bộ, chiến sỹ một tổ chức hết sức rành rọt, rõ ràng, chi tiết như vậy. Không những thế, Hồ Chí Minh còn nêu lên phương thức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện những yêu cầu trên: “Những điều đó, chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người Công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ,…”. Điều này cho thấy đạo đức của người Công an cách mệnh không phải là cái gì cao siêu, xa vời mà là những điều dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ thực hiện. Hồ Chí Minh cũng là người duy nhất khai thác, sử dụng, phát huy sức mạnh của các giá trị văn hóa dân gian, cụ thể là “ca dao” trong giáo dục, rèn luyện tư cách cho một lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Công an phải phát huy lối làm việc dân chủ. Người dặn: “Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và kháng chiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mạng”. Người nhắc nhở “phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói”. Song, trong bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương, Người nhắc nhở “dân chủ và chuyên chính phải đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự”. “Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh”.
“Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Công an rất lớn, rất nặng nề. Cho nên phải xây dựng một bộ máy Công an rất tốt, rất chắc chắn”. Theo Người, “cách tổ chức Công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ hình thức, giấy má”; chú trọng “củng cố thật tốt Công an khu phố, huyện và xã”. Hồ Chí Minh cho rằng “mỗi cán bộ Công an đều có trách nhiệm vào đấy. Ai cũng tiến bộ, cũng khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, thì toàn bộ bộ máy Công an sẽ tốt”. Do vậy, Người yêu cầu “Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình” để “kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững chắc của nền chuyên chính vô sản”.
Bác luôn nhắc nhở việc xây dựng khối đoàn kết, xem “đoàn kết là rất cần thiết” vì “có thế thì công tác mới làm được”. Đoàn kết theo Hồ Chí Minh gồm có ba cấp bậc: “đoàn kết nội bộ ngành Công an, đoàn kết với các ngành khác, đoàn kết với nhân dân”. Trong nội bộ ngành, “từ cấp cao cho đến nhân viên phải đoàn kết nhất trí” trên tình thân ái giúp đỡ. “Cấp trên phải chú ý đến đời sống vật chất và tinh thần của chiến sỹ… đoàn kết và học tập lẫn nhau, luôn luôn giúp đỡ nhau tiến bộ”. Tuyệt đối đấu tranh chống tình trạng “chén chú chén anh,... anh A giấu lỗi cho anh B”. Đối với các ngành khác, Hồ Chí Minh chú trọng nhắc nhở đoàn kết chặt chẽ giữa Công an với Quân đội. Trong quan hệ với nhân dân, “Công an với dân phải đoàn kết - nghĩa là phải khuyến khích cho dân phê bình Công an”, phải khéo - “nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”.
Về công tác giáo dục - đào tạo lực lượng Công an nhân dân, Hồ Chí Minh có nhiều bài nói, bài viết, thư gửi cán bộ, giáo viên, học viên Trường Công an Trung ương, Ban Huấn luyện Công an, Trường Công an Trung cấp Khóa 2. Người khẳng định “Đảng, Chính phủ rất chú ý… đến việc giáo dục cán bộ Công an”. Nói chuyện tại Trường Công an Trung ương (28/1/1958), Người cho rằng: “Ở trường này một người giúp đỡ hướng dẫn 4 học viên. Một người phục vụ bốn người như thế là thiếu hay là thừa? Bác thấy là nhiều đấy”. Qua tổng kết số liệu đảng viên Trường Công an Trung ương, Bác nhắc nhở “không có cơ quan nào lại nhiều cán bộ như thế này” nên “các cô, các chú phải xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Chính phủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm về công tác báo chí của lực lượng Công an nhân dân thông qua nhận xét tờ Báo của Công an Khu XII do đồng chí Hoàng Mai gửi biếu. Theo đó, báo chí của lực lượng công an cách mạng “cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được”. Có như vậy, công tác báo chí “mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua”, hướng tới “thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ” bản chất nhân dân và “nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”.
Tóm lại, Người căn dặn: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.
Trên cơ sở lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta mà trực tiếp là Bộ Công an đã xây dựng tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo các tiêu chí: lập trường chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; kiến thức và năng lực tham gia các hoạt động tập thể và khả năng tổ chức thực hiện; hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên mỗi vị trí công tác; ý thức tổ chức kỷ luật, gắn bó với quần chúng và được quần chúng tín nhiệm. Đó là sự trung thành, vận dụng, bổ sung những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lực lượng Công an cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, những biến thể đa dạng, phức tạp của các loại hình tội phạm thời hội nhập đặt lên vai lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trọng trách rất lớn. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. Để làm được điều đó, lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng tự đổi mới, rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt. Người cán bộ, chiến sỹ Công an phải luôn luôn biết mình từ đâu mà ra, do ai mà chiến đấu, chiến đấu như thế nào, rèn luyện bản thân và tổ chức ra sao. Tất cả đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra và dạy bảo trong suốt quá trình Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện tổ chức Công an cách mạng Việt Nam. Những quan điểm của Người về Công an nhân dân cho đến ngày nay vẫn mang giá trị thời sự sâu sắc, là nền tảng tư tưởng cho đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng Công an Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh. Mọi thế hệ Công an nhân dân Việt Nam luôn hướng về Người để noi theo, nghe lời Người mà hành động, nguyện phấn đấu thực hiện thắng lợi lý tưởng của Người vì một đất nước “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Nguyễn Phương An
(Trường Chính trị Tôn Đức Thắng – An Giang)
Theo hvcsnd.edu.vn
Kim Yến(st)