Trong mưa bom, bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi không hiểu sao cuộc đời mình lại có những phút giây diệu kỳ như thế: 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu... Dù khác nhau về thời gian, địa điểm, xúc cảm và tuổi tác, nhưng mỗi lần bên Bác, tôi lại thấy rõ hơn về sự giản dị, gần gũi, ân cần, bao dung của người. Đại tá Trần Đăng Khoa, nguyên Chính trị viên đảo Cồn Cỏ, chia sẻ.

tran dang khoa a1
Đại tá Trần Đăng Khoa, nguyên Chính trị viên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Bùi Oanh

Đại tá Trần Đăng Khoa quả cảm băng mình dưới mưa bom, bão đạn cùng đồng đội quyết tử bảo vệ đảo Cồn Cỏ hơn bốn mươi năm về trước nay đã bước sang tuổi 79, nhưng vẫn hoạt bát. Trong căn nhà giản dị tại phường Phú Hiệp, Thành phố Huế, Đại tá Trần Đăng Khoa nhớ về những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám: “Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình bị tước đoạt hết ruộng đất, phải đi ở đợ cho địa chủ... Kiếp trâu ngựa luôn nung nấu khát vọng tự do. Cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kỳ, tôi trốn nhà đi vào bộ đội” - Ông tâm sự.

Mười bốn tuổi, cậu bé Khoa quê Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cùng cha sau này là liệt sỹ Trần Khôi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Cách mạng thành công, Khoa được giao nhiệm vụ chuyển tài liệu, thư từ bí mật cho cán bộ chiến sỹ hoạt động tại Quảng Trị rồi nhập ngũ, trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ông cùng đồng đội vinh dự gặp Bác Hồ tại Quảng Bình (năm 1957) và hai lần tiếp theo vào các năm 1960, 1963 tại Trường Lục quân.

Đại tá Trần Đăng Khoa, nhớ lại, đã ba lần cùng đồng đội vinh dự quây quần bên Bác. Được Bác ân cần giảng giải về con đường cách mạng, dặn dò về nhiệm vụ thiêng liêng người chiến sỹ cách mạng, mối quan hệ quân dân... Nhưng phút giây diệu kỳ trong lần gặp Bác giữa thủ đô Hà Nội, tôi vẫn hồi hộp, thao thức...

tran dang khoa a2
Bác Hồ thăm hỏi đồng chí Trần Đăng Khoa tại Đại hội thi đua
 Quyết thắng toàn quân năm 1965. Ảnh: Bùi Oanh

Ngày ấy, quân đội Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964 và thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng các hành động chống phá và khiêu khích như nã pháo vào các đảo và một số vùng bờ biển miền Bắc, bắt ngư dân… Đảo Cồn Cỏ nơi vĩ tuyến 17, địch muốn chiếm để làm điểm tựa tấn công ra miền Bắc nên đã huy động 6 hạm đội tinh nhuệ bao vây, bắn pháo, ném bom ngày đêm.

Đồng thời, dùng chính sách cắt đường chi viện ra đảo Cồn Cỏ bằng việc canh chừng tất cả tàu bè lại gần đảo. Vậy mà, quân dân Vĩnh Linh - Quảng Trị có ngày hy sinh đến 30 người giữa biển khơi vẫn anh dũng mở đường máu chi viện ra đảo Cồn Cỏ... Vượt lên gian khổ hy sinh, cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ vững vàng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, viết lên những câu chuyện đẹp như huyền thoại về tinh thần quyết tử giữ đảo…

Đại tá Trần Đăng Khoa nhớ lại những ngày đánh máy bay Mỹ. Đảo Cồn Cỏ như rung lên mỗi lần bom nổ, đạn pháo cao xạ của ta tung lên trời như hoa lửa đốt cháy máy bay Mĩ. Tinh thần chiến đấu quân dân đảo Cồn Cỏ hai lần được Bác Hồ gửi thư khen... Sau giờ chiến đấu, chiến sỹ đi câu cá, bắt cua, hái rau rừng, chuẩn bị sức khoẻ cho trận chiến đấu mới. Đảo phó Ngọc Cừ sáng tác bài “Con cua đá” đã được Đoàn Văn công Quân khu 4 dàn dựng và biểu diễn. Đêm đêm cán bộ, chiến sỹ trên đảo Cồn Cỏ vẫn nghe bài hát của mình qua Đài Tiếng nói Việt Nam…

tran dang khoa a3
Bác Hồ gặp các anh hùng chiến sỹ  miền Nam ngày 19-10-1965 (Đồng chí Trần Đăng Khoa, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đứng thứ 6 từ trái sang phải). Ảnh: Bùi Oanh

Kể đến đây, Đại tá Trần Đăng Khoa mở tủ ra, lấy một tập tài liệu, đưa tôi xem tấm hình ông chụp chung với các đại biểu tham dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân năm 1965... "Ghi nhận những chiến công hiển hách, tôi vinh dự thay mặt cán bộ, chiến sỹ Cồn Cỏ anh hùng ra Hà Nội dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân năm 1965. Đại hội đánh giá rất cao tinh thần chiến đấu quân - dân đảo Cồn Cỏ. Nhưng niềm vui sướng nhất đời tôi trong chuyến đi ấy là được gặp Bác Hồ, Bác hỏi: Cháu ở đơn vị nào? Dạ thưa Bác, cháu ở đảo Cồn Cỏ ạ! Bác đặt tay lên tôi vỗ nhẹ và nói: "Chiến sỹ đảo Cồn Cỏ béo khoẻ thế là tốt… Bác yên tâm là chiến sỹ Cồn Cỏ đang vững vàng ở tuyến đầu” - Đại tá Trần Đăng Khoa tự hào.

Sau Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân năm 1965, Chính trị viên Trần Đăng Khoa được Đảng và Nhà nước cho đi tham quan Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 19-10-1965 ông trở về Hà Nội và được gặp Bác Hồ cùng Đoàn Anh hùng chiến sỹ miền Nam ra thăm Bác. "... Xe chở chúng tôi đến sân sau Phủ Chủ tịch, kế bên vườn cây xanh rợp bóng mát, mọi người mừng vui hồ hởi, mắt chăm chú nhìn lên khung cửa lớn, mặt phía sau tòa Dinh thự Phủ Chủ tịch. “Bác Hồ muôn năm!” - Mọi người đồng loạt reo lên khi nhìn thấy Bác từ trên cao thoăn thoắt bước xuống các bậc thềm đá hoa đến đón và ôm hôn mọi người trong Đoàn". Đại tá Trần Đăng Khoa kể tiếp: Trên đường cùng Đoàn Anh hùng chiến sỹ miền Nam tiến về Phủ Chủ tịch, Bác hỏi: Cháu Khoa ăn được mấy bát? Tôi trả lời: Mỗi bữa cháu ăn năm bát B52 ạ. Bác cười gật đầu: Chiến sỹ Cồn Cỏ ăn nhiều đánh giỏi. Bác ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ. Nhưng sau đó Bác băn khoăn lần lượt hỏi những điều thiết thực về chiến sỹ trên đảo: Chiến sỹ Cồn Cỏ có đủ gạo, thực phẩm, rau xanh và nước ngọt không? Có hầm hào, khí tài chiến đấu? Bộ đội có ngủ được không? Nằm hầm nhiều da có xanh và ghẻ lở không? Thương binh có đủ thuốc men không?... Tôi xúc động thưa với Bác: Có ạ…! Bác xúc động ôm tôi và hỏi nhỏ: Khoa có nguyện vọng chi không? Tôi đáp: Dạ cháu muốn xin Bác hai điều: Một là, xin một tấm ảnh Bác làm kỷ niệm cho cán bộ chiến sỹ đảo Cồn Cỏ, hai là, cho cháu được ôm hôn má Bác. Bác cười và đồng ý nguyện vọng của tôi.

Bác đã đi xa nhưng cứ thật gần. Đại tá Trần Đăng Khoa cũng đã bước qua tuổi xưa nay hiếm nhưng lời dặn dò của Bác vẫn là những kỷ niệm sâu sắc nhất đời ông. Là nguồn sức mạnh diệu kỳ giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt hơn nửa thế kỷ phấn đấu, để luôn xứng đáng là người cán bộ của Đảng, của dân và xứng đáng là Bộ đội cụ Hồ.

Đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền 15 hải lý được xem là vị trí trọng yếu, là vọng gác tiền tiêu, con mắt của đất liền, án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, trạm gác của “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Do vậy, Mỹ - Ngụy huy động tối đa lực lượng cùng phương tiện chiến tranh hiện đại điên cuồng bắn phá. Theo thống kê, 1.440 ngày đêm từ 1964 đến 1968, máy bay Mỹ đã ném xuống đảo Cồn Cỏ gần 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két, 172 lần tàu chiến pháo kích gần 4 nghìn quả pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ hứng chịu 39,3 tấn bom đạn, mỗi héc-ta đất trên đảo hứng chịu 22,6 tấn bom đạn.

Theo Bùi Oanh/ dantri.com.vn
Thu Hiền (st)

 

 

Bài viết khác: