Cho đến nay tôi còn nhớ như in lần đầu được gặp Bác Hồ. Cách mạng Tháng Tám thành công tôi mới là một cô bé 12 tuổi và đang học Trường nữ Trung học Trưng Vương.
Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956).
Một buổi sáng mùa thu, trời hơi lạnh, tôi đến trường sớm hơn mọi ngày. Chúng tôi đang đứng chơi tha thẩn bên một gốc cây, bỗng thấy một chiếc xe zip rẽ quặt vào sân trường. Chiếc xe từ từ đến gần chỗ tôi đứng. Xe chưa đỗ hẳn tôi đã nhận ra người ngồi trong xe. Thế là tôi nhảy lên, reo to:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
Tôi lao tới sát cửa xe. Bác Hồ nhanh nhẹn bước xuống giơ hai tay đón tôi. Tôi sà vào lòng Bác. Ðược ở cạnh Bác, tôi mừng quá không còn biết nói gì nữa, chỉ níu lấy tay Bác, gọi ríu rít:
- Bác ơi, Bác ơi!
Lúc đó các bạn tôi từ bốn phía sân trường cũng đã chạy ùa tới, vây quanh Bác như đàn chim non gặp mẹ. Còn tôi vẫn là người được ở gần Bác hơn cả. Tôi nghe rõ tiếng chú bảo vệ đi cạnh Bác khe khẽ nhắc:
- Các em tản bớt ra để Bác Hồ đi nào!
Nhưng chúng tôi chẳng ai chịu rời Bác. Bác Hồ vẫn tươi cười, nói với chú bảo vệ :
- Cứ để cho các cháu vui.
Cô Hiệu trưởng và tất cả các thầy, các cô trong trường cũng chạy ra đón Bác. Trống báo vào giờ học. Chúng tôi đành phải về chỗ xếp hàng theo lớp để chuẩn bị chào cờ. Hôm ấy, toàn trường chấn chỉnh đội ngũ rất nhanh. Lớp nào cũng thẳng tắp từ hàng đầu đến hàng cuối. Không có tiếng xì xào nói chuyện riêng như mọi ngày. Phía trước chúng tôi, Bác Hồ đang đứng trên bục gỗ cùng với các thầy, các cô. Hàng nghìn con mắt hướng cả về Bác. Sau tiếng hô nghi...iêm dài và trang trọng, toàn trường hát Quốc ca. Tôi đứng thật thẳng nhìn lên lá cờ đỏ thắm bay tung trên cột cờ như đang vẫy gọi tất cả chúng tôi. Tôi lại nhìn Bác Hồ cũng đang đứng nghiêm cùng các thầy, các cô giáo chào lá cờ Tổ quốc. Tôi cảm thấy chưa hôm nào chúng tôi hát Quốc ca to và hay như hôm ấy. Tiếng hát như còn ngân vang mãi trong lòng tôi.
Chào cờ xong, chúng tôi được nghe Bác Hồ nói chuyện. Bác dặn dò các cháu học sinh phải học chăm, học giỏi để sau này phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác còn dặn chúng tôi tùy theo sức lực cố gắng tham gia các công tác xã hội, góp phần giữ gìn đất nước. Bác nói xong, cô Hiệu trưởng đã nhắc các lớp về học, nhưng chúng tôi không ai muốn bước đi. Tôi đi về lớp, mà mắt còn cố nhìn theo Bác Hồ vào lớp nào. Lòng tôi náo nức bao nhiêu cảm xúc và bao nhiêu điều muốn nói. Giờ ra chơi tôi sẽ kể cho các bạn tôi nghe từ lúc đầu tiên chiếc ôtô chở Bác đi vào trường, tôi đã nhìn thấy Bác như thế nào, rồi tôi còn mở được cửa xe đón Bác xuống... Tự nhiên tôi mong chóng hết buổi học để chạy thật nhanh về nhà, khoe với bố mẹ và em tôi rằng tôi đang sung sướng, tôi được đón Bác Hồ.
Giờ học đầu tiên của chúng tôi là giờ tiếng Anh. Cô giáo gọi tôi đọc bài. Ðúng lúc ấy, Bác Hồ đi vào lớp tôi. Ôi! Thế là niềm mong mỏi của tôi suốt từ lúc phải trở về lớp đến giờ phút này đã trở thành sự thực. Bác Hồ hiện lên trong lớp tôi rực rỡ hơn cả những ông tiên trong truyện cổ tích. Theo sau Bác là cô Hiệu trưởng. Tất cả các bạn đứng bật dậy vỗ tay vang dậy chào Bác. Bác khoát tay cho cả lớp ngồi xuống, còn tôi được tiếp tục đọc bài. Ðây là một bài tập ghép vần. Mọi khi tôi vẫn đọc trôi chảy, thế mà hôm ấy giọng khác hẳn mọi ngày. Không phải có điều gì lo sợ mà chính vì những niềm vui lớn đã đến với tôi dồn dập và bất ngờ quá. Có lẽ vì thế, tôi trở nên lúng túng, phát âm sai nhiều chỗ. Biết mình có lỗi, tôi lại càng lúng túng. Quyển vở trên tay cũng nặng trĩu xuống. Ngay lúc ấy, Bác Hồ đã đến gần chỗ tôi đứng. Bác ôn tồn đọc lại cho tôi những câu trong bài. Tôi cảm động nhìn Bác và chăm chú đọc lại theo Bác. Tôi đọc vẫn chưa đúng. Bác chữa lại từng câu như mọi ngày cô giáo vẫn dạy. Giờ phút ấy, tôi tưởng như Bác Hồ là người thầy thân thuộc nhất. Tôi nhớ mãi cử chỉ Bác Hồ lúc ấy hơi cúi người về phía tôi, bàn tay đưa lên trước khích lệ, Bác nói:
- Cháu đọc thế này mới đúng.
Sau đó, Bác lại dặn dò cả lớp phải vâng lời cô giáo, vâng lời cha mẹ và yêu thương các em nhỏ. Tất cả chúng tôi đồng thanh hứa:
- Chúng cháu xin vâng lời Bác!
Từ sau hôm được đón Bác, tôi luôn cảm giác mình vừa có một sự thay đổi rất lớn và muốn khoe để mọi người cùng biết. Mỗi buổi đi học, trên đường từ nhà đến trường tôi cố tình đi qua trạm gác của chú vệ quốc quân. Ðến trước mặt chú, tôi đứng nghiêm, tay phải nắm lại đưa ngang trán chào chú. Tôi muốn cả chú vệ quốc quân cũng biết tôi đã được gặp Bác Hồ. Cũng từ đấy, giờ học tiếng Anh đối với tôi là một giờ thích thú. Tôi còn chăm chú học tất cả các môn khác, vì tôi biết làm như vậy Bác Hồ rất vui lòng.
Ít lâu sau, tôi lại được cô giáo kể chuyện Bác Hồ mỗi tuần lễ nhịn ăn một bữa để dành gạo giúp đồng bào bị nạn đói. Nghe lời kêu gọi của Bác, mỗi nhà lập một hũ gạo tiết kiệm. Mỗi bữa lấy gạo nấu cơm thì bớt lại một nắm to cho vào hũ. Học tập Bác, ngày nào tôi cũng làm đều đặn để được chính tay mình bớt lại gạo tiết kiệm.
Những năm học ở bên Pháp, lòng chúng tôi luôn luôn hướng về Tổ quốc. Một đêm giao thừa, tất cả anh chị em người Việt Nam tụ tập nhau tại trụ sở đón Tết của quê hương trên đất Pháp. Một anh bạn lớn hơn tôi nhiều tuổi kể lại câu chuyện quả táo Bác Hồ cho mọi người nghe: Năm 1946, Bác Hồ với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm nước Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước. Chính phủ Pháp mở tiệc long trọng mời Bác. Lúc ra về Bác cầm theo một quả táo trên bàn tiệc trước những cặp mắt hết sức ngạc nhiên của mọi người. Lúc ấy ngoài đường phố, đông đảo nhân dân Pháp và Việt kiều đã đứng chờ Bác ra để hoan nghênh. Trong biển người ấy, một bà mẹ Pháp bồng con cố tiến lên gần Bác. Bác tươi cười đón em bé trên tay bà mẹ và đặt quả táo vào lòng bàn tay em bé.
Việc làm bình thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến mọi người từ ngạc nhiên đến sung sướng và cảm phục. Tối hôm đó, Bác gặp Việt kiều ở Pa-ri. Anh chị em Việt kiều quây quần chung quanh Bác như những người con tụ lại bên cha già. Trong tình cảm thương yêu rộng lớn, Bác dặn dò tất cả mọi người: “Các cô, các chú phải cố gắng mỗi người học giỏi một nghề, sau này trở về giúp nước nhà, góp phần làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh”. Lời dạy của Bác đã trở thành ánh sáng soi đường cho chúng tôi suốt những năm học tập ở xa quê hương.
Giữa năm 1959, tôi thi đỗ bằng Thạc sĩ toán học. Nhớ lời Bác, tôi xin về nước phục vụ. Trong những năm công tác ở Hà Nội, tôi được gặp Bác ba lần, một lần Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm của chúng tôi. Lần thứ hai, vào dịp Tết, tôi được gặp Bác. Trong buổi liên hoan đón năm mới hôm ấy Bác rất vui. Tôi lại được ngồi gần Bác. Bác cười chỉ vào tôi và nói với các đồng chí lãnh đạo ngồi bên cạnh:
- Sao ít phụ nữ thế! Bác muốn phong trào phụ nữ tiến bộ mạnh hơn nữa.
Mùa xuân năm 1964, tôi được đi dự Hội nghị chính trị đặc biệt do Bác chủ trì. Họp xong, các đại biểu được mời cơm. Tôi ngồi ăn nhỏ nhẹ, Bác đến chỗ tôi, ân cần bảo tôi:
- Cháu ăn đi!
Từ lúc được Bác bảo, tôi ngồi ăn tự nhiên thoải mái như ở nhà. Tôi nghĩ trong đời tôi lúc bé đã được một lần Bác dạy cho cách học, những năm sống xa quê hương, hình ảnh Bác là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn để học tập. Khi trưởng thành lại được Bác săn sóc từ bữa ăn. Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã được Ðảng, Bác Hồ, cách mạng giải phóng và trở thành người có ích được đem sức lực của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Ðối với tôi, không có gì sung sướng hơn là gìn giữ những kỷ niệm về Bác - cái vốn quý báu mà Bác đã trao cho tôi từ khi còn bé. Cái vốn đó mỗi ngày càng được nhân lên gấp bội, như cuộc đời tôi, được Ðảng, Bác Hồ dìu dắt mãi mãi đi trên con đường sáng./.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Sính kể Bích San ghi/ nhandan.com.vn