Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, là nhân vật chính mà chúng tôi ghé thăm. Bác sĩ Hà là đại diện duy nhất của Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Pháp vinh dự được tổ chức sắp xếp cho về nước gặp mặt và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 42 năm, giữa bối cảnh chiến sự diễn ra ác liệt tại hai miền đất nước.

Kieu bao VN o Thai Lan tham Bac
Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
    (Ảnh tư liệu)

Niềm xúc động hơn 40 năm chưa phai dấu

Bước qua tuổi 80, dù sức khỏe đã yếu, đi lại phải nhờ hỗ trợ của xe đẩy nhưng giọng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà vẫn hào sảng, say sưa kể lại những kỷ niệm xúc động khi vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Đó là một buổi chiều đầu năm 1969, trong lúc tổ chức Đoàn Văn nghệ phục vụ Hội nghị Paris 4 bên, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam, bác sĩ Hà gặp ông Lê Đức Thọ (lúc đó là cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị). Ông Thọ bày tỏ cảm kích về những hoạt động yêu nước của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp do bác sĩ Hà tổ chức. “Đặc biệt, sau nhiều lần gặp mặt ngắn ngủi, ông Thọ hỏi tôi có nguyện vọng gì không. Lúc đó tôi còn trẻ và mơ ước được một lần gặp mặt lãnh tụ tại quê nhà từ rất lâu nên trả lời ngay: “Thưa đồng chí, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là được gặp Bác Hồ. Nghe xong, ông Thọ gật đầu”.

Theo sắp xếp của tổ chức, đầu năm 1969, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà từ Paris về Hà Nội. Cuộc gặp gỡ đặc biệt, là một sự kiện không thể nào quên đối với bác sĩ Hà. Đó là ngày 20-1-1969. “Đúng 7 giờ sáng, đồng chí Vụ phó Bộ Văn hóa - Thông tin đến bảo tôi thu xếp vào Phủ Chủ tịch. Ngay lúc tới nơi, tôi đã thấy Bác trong bộ trang phục giản dị, cùng đi bên cạnh có ông Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác) và ông Phạm Văn Đồng”. Nói tới đây, bác sĩ Hà không kìm nén được cảm xúc: “Lúc đó tôi chỉ biết nhìn Bác rồi khóc. Không hiểu vì sao nữa, nhưng lần đầu gặp Bác, tôi thấy Bác ốm quá, da xanh xao, nhưng giọng nói rất ấm và khỏe”.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, Bác Hồ hỏi thăm tình hình phong trào học sinh, sinh viên tại Pháp. Bác nhắc đến tên một số đồng chí khi còn học tập và làm việc tại Pháp. Đặc biệt, Bác gửi lời thăm hỏi tới bà Gerervie’ne, chủ nhiệm tờ báo “Nước Pháp buổi chiều”. Dặn dò về công tác vận động sinh viên Việt Nam tham gia vào phong trào đấu tranh tại Pháp, Người lấy trong túi áo ra một bài báo của Thông tấn xã Việt Nam với tựa đề về sự kiện treo cờ mặt trận trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris, gần nơi diễn ra Hội nghị Paris. Đại ý Bác nói, đây phải là những người bạn Pháp thực sự ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam, mới có nghĩa cử đẹp như vậy. Do đó, phải hết sức trân trọng tới những tình cảm của họ. “Ấn tượng nhất là trước lúc chia tay, Bác đã gọi ông Vũ Kỳ lại và bảo lấy một tấm hình của Người, rồi tự tay viết dòng chữ “Thân mến tặng kiều bào tại Pháp” và phía dưới ký tên “Bác Hồ”. Sự chu đáo, cẩn thận của Bác khiến tôi hết sức xúc động”.

Cuộc gặp mặt tuy ngắn ngủi, nhưng đó lại là một kỷ niệm để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà.

            Kiều bào nhớ ơn Người

Chia tay bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, chúng tôi có chuyến viếng thăm “không hẹn trước” với ông Bùi Mạnh Hải, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Dù rất bận rộn với công việc tiếp xúc cử tri khi được Ủy ban Bầu cử Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên ông Hải vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi.

Kể về những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hải bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước khi Bác mất, hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào lúc giao thừa, Bác lại đều đặn xuất hiện trên Đài phát thanh đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Cả gia đình tôi ngồi quây quần để nghe lời chúc tết của Bác qua đài phát thanh. Cảm giác rất hồi hộp, xốn xang”. 

Khi đang tham gia sửa chữa tàu thủy phục vụ cho chiến trường miền Nam tại Mạo Khê – Đá Vách (Quảng Ninh), tôi hay tin Bác mất. Thế là cả đơn vị đều ngưng làm việc. Riêng tôi một mình đi xe đạp từ Quảng Ninh về Hà Nội, vừa đi vừa nghe đài phát thanh thông báo về lễ tang của Bác, nước mắt cứ ứa ra, giống như người thân yêu nhất trong gia đình vừa ra đi vậy.

Trong quá trình công tác, gắn bó với bà con kiều bào ở các nước, ông Hải bày tỏ ấn tượng nhiều nhất với kiều bào tại Pháp và Thái Lan. “Ở Pháp, nhiều nơi sinh hoạt của bà con kiều bào luôn có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; còn ở Thái Lan thì cùng với bàn thờ Bác, còn có cả bàn thờ các vua Hùng. Hầu như ở đâu cũng vậy”. Lý giải về tình cảm đặc biệt mà bà con kiều bào tại Pháp và Thái Lan dành cho Bác, ông Hải khẳng định: “Nước Pháp là nơi Bác Hồ có thời gian hoạt động lâu nhất, dễ hiểu kiều bào ở đây có tình cảm đặc biệt đối với Bác. Còn đối với kiều bào tại Thái Lan, tôi còn nhớ vào năm 1960, khi chuyến tàu đầu tiên chở hơn 900 kiều bào từ Thái Lan di tản về nước cập cảng Hải Phòng, Bác Hồ đã ra tận cảng để đón, thăm hỏi sức khỏe, động viên bà con kiều bào. Cử chỉ của người rất ân cần, sâu sát và tâm lý. Hành động thể hiện Người là một lãnh tụ vĩ đại trong lòng kiều bào”.

Ngày hôm nay, khi nước nhà hưởng thái bình hơn 36 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng hình ảnh của Người, sự vĩ đại của Người vẫn trường tồn trong trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, cũng như hàng triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Theo Đại Đoàn Kết

Thúy Hằng (st)

 

Bài viết khác: