Bà Đặng Quỳnh Anh, năm 1911, bấy giờ chưa đầy 20 tuổi, đã theo các anh “Hội kín” vượt Trường Sơn, sang Xiêm, nuôi chí nguyện theo cha chú, những Đặng Thúc Hứa, Đặng Nguyên Cẩn… làm cách mạng. Tại Xiêm, với tên gọi là mụ Nho, bà Nho, Đặng Quỳnh Anh chăm lo cày cấy, lao động. Lập gia đình với Võ Tùng - sau này là đại biểu dự Đại hội thống nhất Đảng - bà vẫn vượt mọi khó khăn nuôi chồng, nuôi con, lấy làm nơi đi lại, ăn ở cho các chiến sĩ về nước, từ trong nước ra.
Năm 1928 - 1929, ông Thầu Chín (Bác Hồ) đã ở nhà bà Anh một thời gian. Khi cùng ông Võ Tùng đi công tác, lúc bà đang có mang, Bác rất suy nghĩ. Bà biết tấm lòng của Thầu Chín, nên đã động viên chồng, nói để Thầu Chín yên tâm đi công tác cách mạng.
Năm 1936, với tên mà cảnh sát Xiêm lập hồ sơ là Đặng Thị Nho quê Nghệ Tĩnh, chồng là Võ Tùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, đã bị bắt giam đưa về Đông Dương, bà Quỳnh Anh bị giam giữ tại nhà lao Khôn Kèn cùng với hai con nhỏ.
Ra tù, sau khi nước Việt Nam được độc lập, xa chồng, bà trở lại Xiêm hăng hái hoạt động trong phong trào Việt kiều rồi lại bị tù đày, đánh đập. Năm 1949, bà Quỳnh Anh được về nước. Năm 1954, được gặp lại hai đứa con mà năm 1939, đã được ông Nguyễn Văn Luyện quê Anh Sơn, Nghệ An đưa từ Xiêm về nuôi dạy. Bây giờ cô gái lớn là Dung mới 13 tuổi, cậu con trai là Đông mới 11 tuổi. Bác Hồ lại giao cho bà việc chăm sóc các cháu nhi đồng miền Nam…
Vào một ngày cuối năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng Quân đội đến thăm bà tại nhà riêng ở khu tập thể Tương Mai.
Bà vừa qua một cơn đau nặng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cử bác sĩ đến chăm sóc - mặc dù chị Dung, con gái bà là bác sĩ - tặng bà thuốc bổ, sâm, nhung nhưng bà không dùng.
Bà kể cho cán bộ nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ mà bà biết được khi Bác ở Xiêm, nhưng không chịu kể về mình.
Khi người nhà bưng bát cháo lên để bà dùng, bà tự tay đón lấy. Tay phải bà run run, cầm cái thìa con đã buộc chặt vào hai ngón tay cái và trỏ. Khi bàn tay trái đưa bát cháo gần miệng, có lúc bát cháo lại “đi” qua sang phải, sang trái, bà cố ghìm lại để “xúc” cháo.
Chị Dung vẫn ngồi yên, cầm cái quạt giấy quạt cho mẹ, anh em gắt lên:
- Sao chị không bón cho bà?
Chị Dung cười và bà cũng cười. Chị nói:
- Mẹ tôi không cho. Mẹ bảo để mẹ tự làm lấy. Còn tại sao, các anh hỏi mẹ ấy!
Bà đặt bát cháo xuống, kể:
- Các cháu ạ, hồi ở Xiêm, Bác Hồ sống như mọi người dân, lao động bắt cá, kiếm củi, làm công, ăn đói mặc rét. Bác có lần nói với bà rằng: “O ơi! Sung sướng không ai dạy mà vẫn biết, còn muốn chịu đựng được gian khổ để làm cách mạng thì phải luyện rèn. Không ai nắm được tay từ sáng đến tối. Phòng khi khó khăn, còn vượt được, còn tham gia cách mạng được”. Bà nhờ câu nói ấy của Bác mà sống đến ngày nay… Bà còn cử động được tay, bà tự làm lấy theo lời Bác Hồ dạy mà thôi!
Rồi bà lại tươi cười run run bưng bát cháo lên.
Bốn cán bộ Bảo tàng ngồi mắt đỏ hoe, có anh trào nước mắt.
Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Theo baclieu.gov.vn
Phương Thúy (st).