Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Người về nước tại cảng Hải Phòng tháng 10 năm 1946. Thiếu tá Cao Phong - người nhận nhiệm vụ đón Bác Hồ - không bao giờ quên giây phút lịch sử ấy.
Bài viết dưới đây được ghi lại theo tư liệu của ông Nguyễn Thế Vinh, con trai của cố Thiếu tá Cao Phong, nguyên Trưởng ty Liên kiểm Việt - Pháp miền Duyên hải Bắc bộ năm 1946.
“Trong những năm hoạt động cách mạng, có biết bao nhiêu sự kiện đến với tôi. Song được đón Bác Hồ từ Fontainebleau trở về là một kỷ niệm mà cho đến nay tôi vẫn không sao quên được.
Sau khi tham gia trận đánh lớn tiễu phỉ ngày 08 tháng 12 năm 1945 giải phóng thành Hà Giang, tôi được Bộ Quốc phòng điều về Trường Cán bộ Việt Nam Trần Quốc Tuấn do đồng chí Trần Tử Bình làm Giám đốc.
Từ trái sang: Hoàng Hữu Nam - Trưởng ban Liên kiểm Trung ương; Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tá Cao Phong; Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên - Chủ tịch uỷ ban hành chính Hải Phòng (Ảnh do ông Nguyễn Thế Vinh, con trai Thiếu tá Cao Phong cung cấp)
Đến ngày 15 tháng 3 năm 1946, tôi lại được Bộ giao nhiệm vụ Trưởng ty Liên kiểm Việt - Pháp Hải Phòng với quân hàm Thiếu tá. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thái có gọi tôi lên căn dặn nhiêm vụ quan trọng của Liên kiểm trong tình hình đang có Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Pháp ở Hải Phòng. Trước khi trao cho tôi quyết định nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thái mở ngăn kéo lấy ra năm mét vải kaki đưa cho tôi và bảo: “Liên kiểm hàng ngày phải giáp mặt với quân Pháp, nên phải ăn mặc cho đàng hoàng. Anh cầm vải đi may ngay một bộ quân phục và phải có mặt ở Hải Phòng đúng ngày 15 tháng 3 năm 1946 để nhận nhiệm vụ”.
Ở Hải Phòng đến ngày 12 tháng 8 năm 1946 tôi lại nhận được quyết định của cấp trên giao cho chức vụ Trưởng ty Liên kiểm Việt - Pháp miền Duyên hải Bắc Bộ, quản lý một vùng đất từ Hải Phòng đến Móng Cái.
Bác Hồ trở về nước là một sự kiện quan trọng. Với tư cách là chỉ huy Liên kiểm miền duyên hải Bắc Bộ, tôi cũng được cấp trên cho biết trước. Phía Pháp, Đại tá Đép, Tổng chỉ huy Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến ở Hải Phòng, gặp tôi, đề nghị cho binh sỹ Pháp được tham gia lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi báo cáo ngay với đồng chí Hoàng Văn Thái về yêu cầu của phía Pháp và nhận được sự đồng ý với điều kiện phía Pháp phải đón Bác Hồ theo nghi lễ trọng thể nhất của nước Pháp.
Tôi trở lại làm việc với Đại tá Đép. Lần này tôi nói rõ từng chi tiết phía Pháp phải làm trong nghi lễ đón rước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi yêu cầu của ta phía Pháp đều đồng ý. Riêng phần Quân kỳ danh dự của nước Pháp chào Hồ Chủ tịch như thế nào thì cứ bàn đi bàn lại mãi. Cuối cùng phía Pháp phải đồng ý cử hành nghi lễ như đón chào Tổng thống của chính nước họ. Nghĩa là khi Hồ Chủ tịch đi qua Quân kỳ của nước Pháp thì Quân kỳ danh dự của nước Pháp phải hạ xuống chấm đất để chào Người. Đó là nghi lễ trọng thể nhất của nước Pháp.
Chân dung Thiếu tá Cao Phong
Ngày 21 tháng 10 năm 1946, thông báo tàu Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ của hải quân Pháp đưa Bác cập bến Ngự, Hải Phòng. Hàng quân danh dự đứng đón Bác, một bên là Vệ quốc đoàn của ta, còn một bên là hàng quân danh dự của Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Pháp, có quân kỳ Trung đoàn, có cả quân nhạc.
Nhân dân Hải Phòng đứng đón Bác chật ních cả hai bên đường. Vì có quân đội Pháp tham gia nghi lễ đón Bác và phải chịu sự chỉ huy chung của tôi nên khẩu lệnh tôi sẽ phải hô bằng tiếng Pháp. Hôm ấy, đứng ngay dưới cầu tàu đón Bác, tôi thấy có đông đảo quan khách trong đó có cụ Nguyễn Văn Tố; đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam; ông Nghiêm Kế Tố; ông Trần Huy Liệu; ông Phạm Văn Bạch. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gọi tôi lại gần, chỉ thị: “Anh là chỉ huy cuộc duyệt binh, anh phải lên tàu rước mời Bác xuống duyệt đội danh dự”.
Nhận lệnh của Bộ trưởng, tôi bước lên tàu Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ trong bộ quân phục chỉnh tề, bên mình đeo kiếm chỉ huy danh dự. Khi tới nơi, tôi thấy Bác Hồ chỉ có một mình, hai tay chắp ra phía sau, đi đi lại lại trên sàn tàu như Người đang suy nghĩ điều gì. Tôi mừng quá sững người lại trong tư thế đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ kính cẩn chào Bác và thưa: “Kính thưa Bác, Quân uỷ Trung ương uỷ nhiệm cháu lên đón Bác, kính mời Bác xuống duyệt đội danh dự ạ”.
Là chỉ huy cuộc duyệt binh, tôi hiểu trọng trách và vinh dự lớn của mình. Tôi đi chếch về phía bên phải Bác, theo đúng nghi thức một sỹ quan cận vệ bên cạnh một Nguyên thủ quốc gia. Khi còn cách hàng quân danh dự chừng mười thước, tôi hô to khẩu lệnh để nghi lễ đón Bác được bắt đầu.
Sau lời hô của tôi, hai bên hàng quân danh dự nghiêm lệnh bồng súng chào. Quân nhạc phía Pháp long trọng cử Quốc ca. Khi Bác qua hàng quân danh dự, Quân kỳ danh dự của nước Pháp đã hạ xuống chấm đất để chào Người theo đúng nghi thức trọng thể nhất. Lúc ấy, tôi thấy một nhà quay phim nước ngoài đã quỳ xuống sát đất rất lâu để quay cảnh ấy. Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui sướng.
Đi qua hàng quân, Bác tiếp cận đông đảo nhân dân Hải Phòng đứng chật hai bên đường. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào rồi lên xe về nhà khách của Ủy ban thành phố. Còn tôi, cả cuộc đời đi theo cách mạng, đã có biết bao nhiêu kỷ niệm. Song lần được đón Bác là kỷ niệm sâu sắc nhất của một người lính đã đi suốt hai cuộc trường chinh.
Theo Quốc Cường (trích ghi) /http://dantri.com.vn
Thu Hiền (st)