Ông là Nguyễn Đình Sơn, nguyên cán bộ Công an Thanh Hóa đã về hưu, là người duy nhất tại Thanh Hóa lập Bảo tàng Bác Hồ ngay tại nhà. Ông cũng là người chủ nhiệm đề tài lịch sử 2253 - NVTH “Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa”. Hiện ông trú tại số nhà 14/42 phố Lam Sơn 1, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Đình Sơn có 10 năm được sống và làm việc gần Bác khi phục vụ trong đội cận vệ bảo vệ Bác Hồ, tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an). Vì hoàn cảnh gia đình nên ông đã chuyển công tác về tỉnh Thanh Hóa. Với tình cảm kính yêu đặc biệt dành cho Bác, sau khi nghỉ hưu, gần 30 năm qua, ông đã sưu tầm hàng nghìn bức tranh, ảnh, di vật, bút tích và bài viết về Bác Hồ rồi lưu giữ cẩn thận và coi đó như những tài sản quý giá của mình.
Ông Sơn kể: “Năm 1952, tôi lên ATK làm chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đây cũng là thời gian tôi vinh dự được nhiều lần trò chuyện với Bác. Tôi còn nhớ có lần đang tập võ thuật cùng ông Vũ Kỳ, thì Bác xuất hiện, cùng tập võ, khiến anh em rất cảm động. Những năm tháng làm chiến sĩ cận vệ cho Bác và Trung ương Đảng, tôi đã 4 lần vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ”.
Nơi cất giữ những tài liệu quan trọng liên quan tới Bác Hồ tại gia đình ông Sơn.
Năm 1963, khi ông Sơn vừa tốt nghiệp lớp đại học thí điểm đầu tiên của ngành Công an, thì người vợ ở quê qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ông đã xin chuyển về Ty Công an Thanh Hóa làm việc để tiện chăm sóc các con, đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Nhớ lại những hình ảnh cao đẹp của Bác, ông Sơn nung nấu trong lòng ý định lập một "Bảo tàng Bác Hồ" ngay tại nhà mình. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp cũ, ông cần mẫn đi tìm các kỷ vật, bút tích, tranh ảnh về Bác Hồ... Nhiều khi ông phải lặn lội ra tận Hà Nội để gặp các nhân chứng lịch sử như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ, các đồng chí lãnh đạo ngành công an, lãnh đạo tỉnh đã về hưu. Nghe tin nơi nào có tư liệu, hay bút tích của Bác, là ông Sơn tìm tới ngay để xin lại, những thông tin còn mập mờ, ông đi tìm nhân chứng để xác minh rõ nguồn gốc.
Gần 30 năm đi tìm kỷ vật về Bác Hồ, ông Sơn đã có hàng nghìn bức tranh, ảnh, di vật, bút tích và bài viết về Bác Hồ, tất cả đều được ông lưu giữ cẩn thận và coi đó như những tài sản quý giá của mình. Mỗi lần các báo, tạp chí đăng thông tin về Bác Hồ, ông đều cắt, ép plastic để bảo quản được lâu. Tường nhà tầng một của ông Sơn không còn chỗ treo và trưng bày những kỷ vật về Bác. Ông đã di chuyển một phần bảo tàng của mình lên căn phòng tầng hai. Tại đây, ông Sơn phân ra nhiều mảng trưng bày. Bên phải từ cửa vào là những hình ảnh Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam; bên trái là Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân; chính diện cửa vào là Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa... cùng hai tủ sách nói về Bác Hồ và Lê-nin, Các Mác.
Giờ đây, ngôi nhà của ông Sơn đã trở thành bảo tàng về Bác Hồ lưu giữ nhiều tư liệu thông tin quý giá về Bác. Cũng chẳng biết tự lúc nào, các nhà nghiên cứu, người dân và đặc biệt là đông đảo các cháu học sinh đã đến nhà ông Sơn tìm hiểu và tham quan Bảo tàng về Bác Hồ của ông Sơn. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức lực để ông Sơn tiếp tục tìm kiếm, gìn giữ các hiện vật, tư liệu quý về Bác Hồ.
TheoHoàng Đình Văn/www. qdnd.vn
Kim Yến(st)