Hiện nay, qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng ta đã nhận thấy “Hồ Chí Minh là hiện thân cho tinh hoa của dân tộc lại mang những nét riêng của môi trường quê hương và gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc tới Người từ thuở ấu thơ” (GS Phan Ngọc Liên, Hồ Chí Minh từ nhận thức lịch sử đến hành động cách mạng - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999, trang 37).
Hơn nữa, ngoài gia đình, quê hương và đất nước cũng là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành nên con người Hồ Chí Minh. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh và cũng là người thầy chủ yếu dạy chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Tất Thành là người có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành tình thương yêu của Bác đối với dân tộc và con người Việt Nam.
Cụ Sắc tin tưởng vào người con hiếu thảo, thông minh, chăm học, lại sớm có ý chí vươn lên làm người qua việc đổi tên con từ Nguyễn Sinh Cung ra Nguyễn Tất Thành (1901). Cuộc sống của người mẹ - bà Hoàng Thị Loan - cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Sinh Cung về đức tính nhân hậu, đảm đang, sống chan hòa với mọi người.
Từ đó, mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa ba chị em: Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Thị Bạch Liên), Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, tình thương yêu của anh chị em, lòng yêu nước, thương nòi…đã hòa quyện vào nhau.
Tình thương yêu cha mẹ và anh chị của Bác Hồ sau 30 - 40 năm xa cách quê nhà vẫn luôn là mối tình gia đình, lòng hiếu thảo tràn đầy và bền vững của Bác. Điều đó được thể hiện qua vài mẩu chuyện sau đây:
Buổi trưa ngày 27/10/1946, giữa lúc tình hình Thủ đô và đất nước trong cơn dầu sôi lửa bỏng trước họa ngoại xâm của thực dân Pháp lần nữa, Bác Hồ chỉ có ít phút nghỉ trưa sau cả buổi sáng làm việc căng thẳng, sức khỏe còn kém nhưng vẫn tiếp chị ruột Nguyễn Thị Thanh từ quê ra Hà Nội thăm.
Bà Thanh vừa gọi vừa ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu có khỏe không?” Bác khóc. Bà Thanh hỏi tiếp: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài ru non nước không?” Bà Thanh khóc, Bác nói: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu, ở nước ngoài, đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nhớ lời ru con của người mình, lòng dạ em thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”.
Một tuần sau, cũng vào giờ nghỉ trưa (ngày 3/11/1946), tại Bắc Bộ Phủ, anh cả Khiêm ôm lấy Bác Hồ: “Chú Cung, chú Cung, chú có khỏe không?”. Chòm râu Bác Hồ rung rung chạm vào má bác cả Khiêm. Bác hỏi thăm sức khỏe anh, chị Thanh. Bác Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm.”…
Khi anh Nguyễn Sinh Khiêm tạ thế (1888-1950) tại làng Kim Liên ngày 15/10/1950, thọ 62 tuổi, Bác Hồ được tin anh mất, từ Chiến khu Việt Bắc không về được, Người gửi điện cho Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên: “Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà để lo việc nước - Ngày 9/11/1950 - Hồ Chí Minh” (Bác Hồ ở ATK, NXB Hội Nhà văn, 2009, trang 122-123).
Một hôm, theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm về nhà thờ họ ngoại, lên động Tranh thắp hương phần mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan, nhà báo Sơn Tùng kể được cụ Khiêm thổ lộ: “Ba chị em Bác đều cắt rốn, chôn nhau sau căn nhà ở góc vườn kia, có bờ râm bụt bao quanh, ngăn cách mảnh sân với mảnh vườn đằng trước, lúc em Bác còn ẵm ngửa, mẹ sai chị Thanh hái hoa râm bụt dùng chỉ treo lơ lửng, đong đưa dỗ em…, anh em Bác thơ thẩn bên bờ râm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên nhà ông bà ngoại.
Em tôi (Bác Hồ) tách cánh hoa râm bụt dán lên má khoe: Em có má hồng. Ngày vào kinh đô Huế, nhà có vườn rộng, bờ rào râm bụt…anh em Bác dựng tuồng, dùng nhựa cây ruối dán cánh hoa râm bụt vào má, vào trán, vào cằm để hóa trang…Diễn xong, anh em bị ngứa, mẹ Bác bắt hai anh em vào gường nằm để ăn roi mẹ phạt thì Bác thưa: “Mẹ ơi, con được mẹ cho cầm hoa râm bụt chơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán hoa lên mặt…” Mẹ Bác phì cười: “Hoa râm bụt hiền nhưng nhựa cây ruối nó dữ”.
Ông Vũ Kỳ nhớ lại ngày kháng chiến ở ATK Định Hóa, giờ nghỉ việc Bác cùng chăm sóc vườn rau, bờ râm bụt. Bác tâm sự: “Các cụ ta hay dùng điển tích bên Tàu để tưởng nhớ cha mẹ. Nhưng của ta thiếu gì những cái hay, cái đẹp, giản dị mà sâu sắc, như: Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm.”(Sđd trang 120)
Hoa râm bụt, bờ râm bụt đã đi vào lòng Bác như một thứ tình thương anh chị em, gia đình, quê hương và sự hiếu thảo với cha mẹ. Mẹ của Bác chẳng may qua đời lúc Bác còn bé nhưng đã gieo vào lòng cậu Sinh Cung một nỗi buồn sâu sắc. Còn cha lại qua đời ở trong Nam năm 1929 (nay có Lăng mộ ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) giữa lúc Bác đang hoạt động ở nước ngoài.
Chỉ vài năm sau ở Pháp (1915) ký tên Paul Thành, Bác viết thư cho Toàn quyền Đông Dương nhờ tìm địa chỉ của cha mình, dù biết đó là việc làm cực kỳ nguy hiểm. Câu nói tha thiết chân tình của Bác với đồng bào miền Nam “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” chắc chắn trong đó còn ẩn chứa tâm sự: “Miền Nam còn có hài cốt của cha tôi nữa” và có lần Bác còn nhờ Bộ Chính trị sắp xếp cho vào Nam giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi gay go.
Trước đó, vào thời kháng chiến chống Pháp, khi ở lán trên đồi Tỉn Keo (ATK Định Hóa), Bác đã trồng cây hoa râm bụt mà nay đã cao lớn cành lá xum xuê và luôn trổ hoa màu đỏ rực khiến cho khách tham quan đều bồi hồi xúc động nhớ đến Bác, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam với một tình yêu bao la về gia đình và đất nước.
Theo Vương Liêm/ubmttq.hochiminhcity.gov.vn
Huyền Trang (st)