Bác Hồ là niềm tự hào của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác đã nhiều lần về thăm, về ở và làm việc tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Hà Tây cũ, trong đó có 19 ngày đêm Bác ở và làm việc tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một xã có truyền thống yêu nước và sớm có phong trào cách mạng. Tháng 3-1945, nơi đây đã hình thành tổ chức Việt Minh và hoạt động mạnh mẽ. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cần Kiệm đã giành được chính quyền vào ngày 18-8 (trước Thủ đô Hà Nội 1 ngày). Là xã có nhiều phong trào hoạt động cách mạng, tinh thần cách mạng đã ăn sâu, bám rễ trong quần chúng từ lâu. Địa hình của xã được cấu thành bởi 36 quả đồi, âm u và có khả năng giữ được bí mật, đặc biệt xóm Lài Cài có đặc điểm là những quả đồi gắn liền nhau, rất lý tưởng cho những hoạt động cách mạng. Nhà lưu niệm Bác Hồ - nơi Bác ở khi đó, đường đi chỉ như đường bờ ruộng và đặc biệt là không có đường vào, nếu địch có phát hiện thì cũng khó bị tấn công.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất từ ngày 13-1 đến ngày 2-2-1947 trong một lần rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Bác ở và làm việc trong ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê (hay còn gọi là cụ Qụy Khuể) ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm. Toàn bộ căn nhà được làm bằng tường tre, lợp mái cọ. Ngôi nhà khi đó đang được làm dở, nền đất cũng chưa được đập kỹ và chưa có người ở. Đây là ngôi nhà được cụ Khuê dựng để cho các con của mình và cũng không có đồ dùng gì đặc biệt.
Khách tham quan nghe giới thiệu về Nhà lưu niệm Bác Hồ
Trong 19 ngày đêm Bác ở lại đây, Bác đã sửa, viết lại một số bản thảo tài liệu như “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”, “Chiến thuật du kích”, bốn chữ đại từ bằng chữ Hán: “Cung chúc Tân Xuân”… do Bác viết tặng cụ chủ nhà nhân Tết Nguyên đán Đinh Hợi, Thư Bác gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 26-1-2947. Ban ngày Bác làm vườn, ban đêm Bác ngồi viết bài, viết lại các cuốn sách cho dễ hiểu nên gia đình cụ Khuê và người dân nơi đây không hề biết đó là Bác Hồ vĩ đại. Dù địa điểm thay đổi nhưng thói quen làm việc đúng giờ của Bác vẫn không hề thay đổi. Ở đâu Bác cũng kê bàn làm việc sát giường và để dùng làm ghế ngồi luôn. Khi Bác ở Cần Kiệm là vào dịp Tết Đinh Hợi, nhưng bữa ăn của Bác vẫn chỉ có cơm độn sắn là chủ yếu. Tối 30 Tết, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai và chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Sau đó Bác rời Quốc Oai đến chùa Trầm (Chương Mỹ) để chúc Tết đồng bào cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ chúc Tết của Bác trong đêm 30 Tết:
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.
Chiến tranh đã lùi xa, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng so với trước kia, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan có thể thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật lúc Bác đã từng ở, những bức ảnh chụp… Ngày 13-5-1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là di tích lịch sử cách mạng. Hiện Nhà lưu niệm Bác Hồ vẫn được bảo tồn để phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi Tết đến hoặc kỷ niệm Ngày sinh của Bác.
Theo Nguyễn Minh – Văn Hinh/Báo Đại Đoàn kết
Huyền Trang (st)