Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng thiên tài, danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bài này chỉ đề cập một lĩnh vực nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của Người.

Thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam, gần một thế kỷ được thừa hưởng những bài học, nghệ thuật sáng tạo tác phẩm báo chí xuất sắc, tiêu biểu, độc đáo của Nhà báo số một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ ở cách hòa nhập hiện thực đời sống, chắt lọc sự kiện, thể hiện nội dung thông tin sinh động, hấp dẫn, có sức thuyết phục mà còn tiếp nhận từ Người phương pháp trình bày mặt báo sao cho lôi cuốn bạn đọc.

Các tờ báo như: Người cùng khổ, Tạp chí Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Việt Nam hồn, Thân ái, Lính cách mệnh, Việt Nam độc lập, Cứu quốc… do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và tổ chức quy trình xuất bản in đậm dấu ấn phong cách trình bày độc đáo, sát hợp yêu cầu người đọc và hoàn cảnh cụ thể.

Tờ Người cùng khổ xuất bản tại Pa-ri in chữ Pháp dành cho bạn đọc có trình độ nhất định, đặc biệt là các nhà hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, tầng lớp trí thức tiến bộ Pháp những năm 1922, 1923 nên bố cục mặt báo từ trang một đến trang bốn theo phong cách phương Tây. Những thông tin chính luận, cập nhật, có ảnh hưởng rộng đều được sắp xếp ở vị trí quan trọng, nhiều cột báo với tít in đậm hơn.

Để tạo ấn tượng mạnh, buộc người đọc quan tâm ngay khi cầm tờ báo, ngoài tên bài được in chữ to, chạy suốt trang còn có tít phụ, giúp người đọc nắm bắt nhanh "cái thần", "cái hồn" của bài báo. Ngay trong một bài, cần thu hút bạn đọc, nhà báo Nguyễn Ái Quốc cho sắp một kiểu chữ in nghiêng. Báo Người cùng khổ in kỹ thuật ty-pô, sắp chữ chì, in khuôn đúc trên máy lăn ngang, chưa phải hiện đại nên bố trí nhiều kiểu chữ rất phức tạp, nhưng với năng lực làm báo thành thạo, nhà báo Nguyễn Ái Quốc còn bố trí in cả tranh châm biến, tranh đả kích. Từ năm 1922 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã cho in trên tờ Người cùng khổ gần 30 bức tranh đả kích, châm biếm, điển hình là các bức "Mau lên! Đi”, "Tố cáo những kẻ gây ra vụ đàn áp ở Tu-lan-ca-mon", "Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều. Bằng chứng ư?", "Văn minh bề trên", "Chủ nghĩa tư bản". Trang một Báo Người cùng khổ được bố trí đậm đặc các bài, tin quan trọng, nhiều bài chỉ trình bày tít rồi cho tiếp sang trang sau.

Cách trình bày khái quát các chủ đề tập trung của số báo nổi bật lên trang một của nhà báo Nguyễn Ái Quốc từ năm 1922 đã có ảnh hưởng quyết định tới việc chỉ đạo tổ chức xuất bản các tờ báo: Tranh đấu (1930), Cờ vô sản (1930.), Tiền phong (1937), Dân chúng (1937), Tiếng nói của chúng ta (1938), Cờ giải phóng (1942) Cứu quốc (1942), Sự thật (1945), Nhân Dân (l951). Đặc biệt là hệ thống báo Đảng sau này đều căn cứ tôn chỉ, mục đích, đối tượng bạn đọc mà có hình thức trình bày hợp lý.

Khi xuất bản Báo Thanh niên, in chữ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), nhà báo Nguyễn Ái Quốc không rập khuôn cách trình bày như báo Người cùng khổ. Người xác định đối tượng Báo Thanh niên là các tầng lớp yêu nước, học sinh, sinh viên, trí thức, người lao động không biết chữ nên việc sắp xếp tin, bài ngắn gọn, từng cột báo có phi-lê dọc phi-lê ngang cho người đọc dễ dàng tiếp nhận.

Điều kiện hoạt động bí mật, tài chính nghèo nàn nên Báo "Thanh niên” không thể in ty-pô (in máy). Nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn bằng cách dùng bút sắt viết từng cột báo, kể cả măng-sét (tên Báo Thanh niên) trên giấy sáp để tạo khuôn rồi quay rô-nê-ô, mỗi khuôn in độ 200 bản. Để tạo cảm xúc vui cho bạn đọc, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp vẽ tranh biếm họa, đả kích, tranh cổ động lên mặt khuôn, điển hình là bức "Lênin với vấn đề giải phóng dân tộc" in số 68 ngày 7-11- 1926 kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ ngày 21-6-1925 đến đầu tháng 5-1927, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngòi bút sắt trình bày ma-két 88 số Báo Thanh niên để có gần 170.000 bản báo gửi về Việt Nam, sang Thái Lan, góp phần thức tỉnh, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí giành độc lập dân tộc và là tài liệu hướng dẫn, huấn luyện cán bộ, chỉ rõ đường lối đấu tranh, phương pháp tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng trước lúc Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930./.

Theo Văn Khải/ Tạp chí Xây dựng Đảng

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: