Nhiều người biết đến ông với 9 năm “tay hòm chìa khóa” trực tiếp ở bên cạnh phục vụ chăm sóc chuyện sinh hoạt cho Bác Hồ.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy,” ông từ chối vinh hoa phú quý, sống cuộc đời thanh tao, những đức tính ông đã thấm nhuần trong thời gian được ở bên cạnh Người. Ông chính là Hoàng Tấn Quang ở thôn Tân Hồng, thị trấn Nông Trường, Yên Thế (Bắc Giang).
Cần - Kiệm – Liêm – Chính - Chí công vô tư là những điều ông Quang khắc sâu từ lời dạy của Bác
Cơ duyên được ở bên Bác Hồ
Tới căn nhà nhỏ đơn sơ tại thôn Tân Hồng, chúng tôi gặp một ông cụ tóc bạc trắng đang mải mê trồng rau, chăm gà ngoài vườn. Trong cái làng nhỏ này, lớp trẻ thường tìm đến để được nghe ông kể lại những câu chuyện về Bác Hồ.
Bước vào căn nhà của người cán bộ hưu trí “tuềnh toàng”, ngoài chiếc giường ra chỉ có một cái bàn đã cụt chân để tiếp khách, một chiếc tủ được khoá cẩn thận để cất giữ những kỷ vật về Bác Hồ.
Trên bàn thờ ngoài ảnh gia tiên, vị trí cao nhất ông treo ảnh của Bác. Ông Quang mời khách bằng thứ chè hoa nhài thơm mát, cái điềm nhiên chậm chãi của ông càng tăng thêm sự háo hức tò mò trong mỗi vị khách về những câu chuyện ông sắp kể.
Bắt đầu câu chuyện ông nhấn mạnh “tôi là một trong những người ít ỏi ở đất Bắc may mắn được ở bên Bác Hồ”, đó là niềm tự hào và hạnh phúc của cả cuộc đời tôi. Dù chỉ được ở gần Bác trong vòng 9 năm của thời trai trẻ nhưng tôi đã học được rất nhiều bài học đặc biệt là đức tính cần kiệm, và lối sống giản dị của Người”. Và cái duyên được ở bên Bác cũng đến với ông Quang thật tình cờ.
Ông Hoàng Tấn Quang sinh năm 1934 ở Thôn Hoạ xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn. Vào năm 1956, khi đang làm công tác văn phòng tại Uỷ ban xã Cấm Sơn, ông được cử đi công tác tại cụm phát động quần chúng ở Khu tự trị Việt Bắc (thuộc địa phận Hữu Lũng - Lạng Sơn.)
Đầu năm 1960, văn phòng Phủ Chủ tịch lấy người về chăm sóc vườn cam cho Bác Hồ, Tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) đã may mắn có hai người: Ông Ngô Văn Các ở Đào Mỹ (Lạng Giang) và ông Hoàng Tấn Quang.
Kỷ niệm khó quên về Bác
Sau gần 40 năm rời xa Bác, đọng lại trong ký ức của ông Quang là hình ảnh Bác – vị lãnh tụ tôn kính truyền cho ông nhiều bài học sâu sắc.
Nhiều đêm, ông Quang trằn trọc không yên giấc mỗi khi thấy Bác hiện về trong giấc mơ ông lại tỉnh dạy ngồi châm thuốc, nhớ tới Bác ông lại nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra.
Vào một buổi chiều năm 1964, khi Bác vừa xong việc liền gọi những người cần vụ lên dặn: “Các chú chuẩn bị 2, 3 cái đèn pin. Tối nay Bác cháu mình đi xem hoa quỳnh”.
Đó cũng là lần đầu tiên trong đời ông Quang được chiêm ngưỡng những bông hoa quỳnh nở, hương thơm ngào ngạt trong ánh đèn pin, những cánh hoa mầu trắng tinh khôi hiện lên lung linh, tạo cho ông có cảm giác nâng nâng khó tả.
Nhưng ông còn hạnh phúc hơn bởi được trực tiếp cùng Bác đi xem hoa quỳnh trong không khí chan hoà, đầm ấm cùng với các anh em như những người thân trong gia đình.
Ông “khắc cốt ghi tâm” lời Bác khuyên trong lúc chiêm ngưỡng hoa, “Các chú trồng cây phải biết tên cây, Bác không chỉ yêu thiên nhiên, gần gũi hoà đồng với anh em mà qua việc nhật xét về người trồng cây, ngẫm lại câu nói của Người thấy chứa đựng biết bao bài học sâu sắc,” Ông Quang kể.
Một lần khác cũng là lúc hết giờ làm việc, khi ông Quang vừa dọn xong giường ngủ cho Bác, đang bước xuống cầu thang của nhà sàn thì đúng lúc Bác về.
Bác đưa một cái đĩa con nhờ ông Quang ra vườn lấy ít hoa ngọc lan và hoa ngâu vào trong phòng cho thơm. Trước khi ông Quang đi Bác còn dặn kỹ: “Chú nhớ lấy ít thôi! Để còn dành hoa cho người khác nữa.”
Từ đó, ông Quang và mọi người biết được Bác rất yêu thích các loại hoa đặc biệt là hoa huệ. Tới thăm nhà sàn của Bác ngày nay, những người trông coi vẫn nhớ, hàng ngày đặt một bình hoa huệ trong phòng làm việc của Bác.
Sự giản dị, tiết kiệm của Bác còn thể hiện ở từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt ngày thường của Người. Thỉnh thoảng Bác lại ăn cơm cùng tất cả mọi anh em trong văn phòng. Ông Quang còn nhớ bữa cơm đầu tiên ăn cùng Bác là vào một buổi trưa.
Ngay từ sáng sớm, Bác đã gọi những người nấu bếp lên nói: “Trưa nay chú nấu cơm cho Bác và tất cả anh em cùng ăn. Nhưng nhớ là nấu ít thôi, ăn không hết phí lắm!”. Và trước bữa ăn, Bác lại động viên anh em: “Chú Cần đã có công nấu ra đây, Bác cháu ta phải ăn cho hết”.
Chuyện về đôi dép cao su của Bác cũng có nhiều điều thú vị. Mọi người thấy đôi dép của bác đã mòn đến 5cm nên đề nghị thay đôi mới. Bác nói: “Vẫn còn tốt chán” nên chẳng ai dám thay.
Mãi tới khi ông Quang để ý thấy những đôi tất của Bác bị rách một lỗ tròn ở gót mới phát hiện đôi dép cao su đã thủng một lỗ là “thủ phạm” làm rách tất. Tới khi không thể sử dụng được nữa Bác mới đồng ý thay đôi dép mới. Ông Quang cho biết, “Bác luôn thực hiện nguyên tắc “lời nói đi đôi với việc làm”.
Ngày Bác về cõi vĩnh hằng, ông Quang là người trẻ nhất trong số hơn 10 anh em ở văn phòng được túc trực bên linh cữu. Vì thương nhớ Bác, trong 3 ngày ông Quang đã sút 6 cân. Văn phòng đề nghị thuyên chuyển mọi người sang các cơ quan khác nhưng ông Quang từ chối lời đề nghị, ông xin về quê vui thú điền viên.
Đến thăm ông trong những ngày này, chúng tôi được nghe ông kể nhiều câu chuyện đầy xúc động về Bác, xem những đồ vật kỷ niệm về Bác như con dao gọt hoa quả, cù rìa cà phê, đèn cồn... nay đã trở thành những vật dụng vô giá được ông tặng lại để trưng bày trong Bảo tàng Bắc Giang.
Ông chỉ giữ lại những bức ảnh và những tấm thiệp chúc mừng năm mới có bút tích của Người. Trong căn vườn nhỏ xinh, ông Quang trồng những cây bưởi lấy giống từ vườn Bác, cây hoa quỳnh, hoa ngọc lan và hoa huệ là những loài hoa trước đây Bác yêu thích.
Mỗi khi nhớ Bác ông Quang lại ra vườn chăm sóc cây cối. Trên một góc tường chúng tôi nhìn thấy tấm bằng khen của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng ông với dòng chữ in đậm: “Đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người còn sống”.
Ở tuổi già, ông Quang tìm thấy niềm vui mỗi khi có người tới cùng ông ôn lại những kỷ niệm về Bác đặc biệt là các em nhỏ, vừa kể chuyện về Bác, ông vừa nhắc các con cháu “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Đức Duy
Theo http://www.vietnamplus.vn
Thu Hiền (st)