Các đảng viên Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (TP Hà Nội) tham dự buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: TRẦN HẢI
Mười năm trước, tháng 11/2011, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Sau hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng, mới đây, tại Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XIII), Trung ương đã quyết định thay đổi, bổ sung thêm một số nội dung, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Quy định 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên 19 điều, nhưng có những điểm mới, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi của nhân dân. Có người nêu ý kiến: Vậy Quy định 47 trước đây đã phát huy hiệu quả, tác động ra sao đến việc ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên? Đến nay Quy định này có vấn đề gì khó thực hiện hoặc không còn phù hợp chăng? Chúng tôi cũng nêu câu hỏi này với một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu. Câu trả lời gặp nhau ở ba điểm sau đây: một, mười năm trước, sau Đại hội lần thứ XI, chúng ta đã nhận rõ trong những nguy cơ dẫn đến sự suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, có nguyên nhân bắt đầu từ chỗ không ít đảng viên thiếu gương mẫu, không chấp hành Điều lệ Đảng, vi phạm nguyên tắc trong sinh hoạt đảng; hai, để hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm đó, cần phải đưa ra những quy định cụ thể, coi đó là một cách "luật hóa" những chủ trương, nghị quyết của Đảng; ba, khó có thể định lượng nhờ quy định này mà giảm đi bao nhiêu vụ tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên đã có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn những việc làm có ý thức và vô ý thức, làm phương hại đến uy tín, thanh danh của Đảng.
Còn đối với câu hỏi, 19 điều trong Quy định 47 có điểm nào trước đây đúng nhưng nay không còn phù hợp, các đồng chí được hỏi ý kiến đều cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn, không có điểm nào "lạc hậu" cả. Trong một xã hội văn minh, hầu như ngành nào cũng có quy ước, quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, những người giữ chức vụ càng cao thì càng phải nghiêm khắc với chính mình. Những quy định xuất phát từ thực tế cuộc sống chính là điều nhắc nhở hằng ngày, là lời dặn mỗi khi bắt tay làm bất cứ việc gì, nhất là khi việc đó liên quan đến lợi ích bản thân, gia đình. Tuy nhiên, trước những diễn biến muôn hình vạn trạng trong thực tế, trước những sai phạm có thể do vô tình hay cố ý của không ít cán bộ, đảng viên, thấy rằng cần bổ sung thêm những quy định mới cho sát tình hình, chặt chẽ hơn, dễ kiểm tra, giám sát hơn.
Những điểm mới ấy liên quan đến tư cách đạo đức, đến thẩm quyền, trách nhiệm được giao, và có khi chỉ nhấn mạnh thêm một từ thôi nhưng nội hàm khái niệm đã thay đổi hẳn.
Điểm mới thứ nhất, chuyển một số nội dung của hai điều trong Quy định 47-QĐ/TW vào nội dung của các điều khác và từ đó thêm hai điều mới (Điều 3 và Điều 13). Điều 3 quy định rõ, đảng viên không được: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng. Điều 13, đảng viên không được: Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác.
Điểm mới thứ hai, Quy định số 37-QĐ/TW bổ sung một số điều so với Quy định trước. Chúng tôi chỉ xin nêu một điểm bổ sung vào Điều 9, đảng viên không được: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.
Hai điểm mới trong Quy định này hướng tới mục tiêu khắc phục cho được những sai phạm, khuyết điểm không hiếm gặp trong những năm qua. Những hành vi thiếu gương mẫu trong phát ngôn, cơ hội, vụ lợi, độc đoán; những khuyết điểm xài bằng giả, rồi một "ông nghị" có hai, ba quốc tịch, giấu diếm, chuyển tiền ra nước ngoài... đều đã được báo chí nêu rất rõ, nhiều trường hợp đã bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Khi nhắc tới yêu cầu "gương mẫu trong phát ngôn" chúng tôi thấy rất cần kíp trong lúc này, khi dư luận, khi mạng xã hội nhiều khi sôi sùng sục như một quán bar khổng lồ. Người xưa cũng từng dặn "nơi đông giữ miệng, nơi loạn giữ tâm".
Những quy định mới được bổ sung, sửa đổi, cũng như những quy định trước đây đều bám sát Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII và XIII), bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là những văn bản cao nhất của Đảng ta tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đó không phải là những quy định "duy lý", "máy móc", hoặc mang nặng tính hình thức, khó có thể thực hiện, như những ý kiến trái chiều đâu đó. Thật ra, vẫn có thể có những vướng mắc, băn khoăn. Nhưng đã là Quy định thì đảng viên phải nghiêm túc chấp hành, giống như việc chấp hành Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng. Nhưng có lẽ, điều băn khoăn lớn nhất là, liệu rồi Quy định này của Đảng có được thực hiện nghiêm không, hay lại sa vào tình trạng "ném đá dò đường", "đầu voi đuôi chuột"? Băn khoăn này sẽ được giải tỏa nếu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, người có chức vụ công tác cao thật sự gương mẫu - như quy định về nêu gương đã được Bộ Chính trị ban hành. Băn khoăn này sẽ được giải tỏa nếu công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, nói thật, làm thật, xử lý thật, không trừ một ai. Một cán bộ nào đó "can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát..." bị vạch mặt, chỉ tên, bị xử lý kỷ luật, sẽ là sự răn đe nghiêm khắc nhất. Băn khoăn này sẽ được giải tỏa khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thực chất, kiên trì, quyết liệt. Bởi không có cán bộ nào phải hầu tòa mà dám nói rằng: tôi đã làm đúng các quy chế, các quy định những điều đảng viên không được làm (!).
Vào dịp này, Bộ Chính trị khóa XIII cũng ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đi đôi với việc khuyến khích, là bảo vệ cán bộ. Đây là hai mặt của một vấn đề, cùng với những quy định phù hợp, chặt chẽ như một hành lang pháp lý thì lại có những lối mở cho tư duy sáng tạo, thôi thúc tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm. Dám nói, dám phê bình thẳng thắn, nhất là phê bình cấp trên mà không sợ bị "lườm nguýt", bị "chọc sườn" bằng những đường bóng hiểm hóc. Dám làm mà không sợ bị giăng bẫy, vì động cơ trong sáng, vì tin ở năng lực của tập thể, của chính mình. Sau khi có Kết luận 14, Trung ương quy định rõ, nghiêm cấm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước (Điều 11).
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Một bài học thấm thía là, phần lớn các trường hợp cán bộ, đảng viên - trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý- đều nhận rõ sai lầm. Họ không đứng lên được sau vết trượt dài vì không thoát khỏi "tham, sân, si", vì đã không giữ được bốn đức "cần, kiệm, liêm, chính". Có người sám hối, giá như công tác kiểm tra, giám sát được làm chặt chẽ hơn, để họ vượt thoát khoảnh khắc mê muội như đám âm binh theo sau câu thần chú; giá như việc kiểm điểm, phê bình được làm thực chất hơn, đừng có ve vuốt nhau, "phê" mà toàn thoảng qua tai những lời xiểm nịnh; giá như bản thân chấp hành nghiêm những điều quy định của Trung ương... thì có lẽ đã không gặp họa! Đấy là mối họa do chính mình gây nên, mình đã không thắng được mình, chứ không phải gió độc từ "bên ngoài", do "thế lực thù địch" nào cả.
Vậy là người vấp ngã đã phải trả cái giá quá đắt. Còn những người đang đi đứng đàng hoàng trong đội ngũ, những điều Quy định rành mạch, phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc, của đất nước, phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chắc chắn sẽ không có gì vướng bận. Cái lớn, cái bao trùm là đạo đức cách mạng, cái nhỏ là phong cách, lối sống, là nét đẹp văn hóa trong ứng xử hằng ngày, từ dáng đi, cái bắt tay, giọng nói, mắt nhìn, không cái gì là "nhỏ" cả. Cái lớn đủ lớn sẽ đủ sức bao dung cái nhỏ. Quy định của Đảng là những điều cấm, chứ không phải "nên" hay "không nên". Tuy thế, những quy định chặt chẽ, minh triết đâu có là cái "vòng kim cô", mà như người bạn đồng hành, luôn cùng ta mỗi bước, chia sẻ, nhắc nhở ta mỗi khi gợn lên những tính toán thiệt hơn, những cân đo đong đếm. Nó giúp mỗi người sống thật, sống tốt hơn mỗi ngày, mà lòng tốt thường quên mình như bóng mát vậy.
Trần Quang
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)