Ảnh internet
1. Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, có hiệu lực từ ngày 01/12/2021
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với:
- Công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và người học ra nước ngoài học tập theo các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ 03 tháng liên tục trở lên (sau đây gọi chung là du học sinh);
- Công dân Việt Nam là giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật;
- Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
- Cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật;
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan ở trong nước và nước ngoài chịu trách nhiệm quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Nghị định này không áp dụng đối với công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Nghị định này và phù hợp với yêu cầu của lực lượng quân đội, công an.
Công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
- Không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng;
- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác);
- Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên).
2. Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022
(1). Từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/6/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ: Các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
(2). Từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/6/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ: Các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
3. Thông tư số 28/2021/TT-BGDĐT ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành, có hiệu lực từ ngày 05/12/2021
Theo đó, Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được biên soạn dành cho các đối tượng học tập tại các cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên. Người học của Chương trình này đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích, thói quen và điều kiện học tập.
Mục tiêu của Chương trình là người học có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu; giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân trong cuộc sống và công việc; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hóa và ngôn ngữ của các quốc gia nói tiếng Anh; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa;..
Người học cần đạt yêu cầu về năng lực đặc thù theo 06 bậc và theo bốn kĩ năng giao tiếp Nghe, Nói, Đọc , Viết trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nội dung dạy học trong Chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần theo các phương pháp: dạy học cá nhân hóa; dạy học tích hợp; phát triển năng lực tự học; ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Bên cạnh đó, Chương trình kết hợp các hoạt động đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá định kỳ theo chuẩn đầu ra kỳ vọng với định hướng phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp của người học thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.
4. Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia, có hiệu lực từ ngày 09/12/2021
Theo đó, các thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm có:
- Thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan.
- Thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
- Thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác.
- Thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ.
- Thông tin về nghĩa vụ tài chính và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Các thông tin khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 10/12/2021
Trong đó, Nghị định sửa đổi hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, có 4 hình thức bồi dưỡng gồm: (1) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. (2) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý. (3) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã. (4) Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Nghị định cũng sửa đổi chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Cụ thể:
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị, gồm: a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, gồm: a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, gồm: a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 04 tuần; b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần; c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 08 tuần.
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm: a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, thời gian thực hiện tối đa là 02 tuần, gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương. b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ (nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hức danh nghề nghiệp chuyên ngành; chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung), thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 01 tuần. c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chứ cấp xã, thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 01 tuần.
Ngoài ra, Nghị định sửa đổi yêu cầu tham gia các chương trình bồi dưỡng. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch.
Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 04 tuần (160 tiết)/năm.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi một số nôi dung về: Quản lý chương trình bồi dưỡng; Thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu bồi dưỡng; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; Phân công tổ chức bồi dưỡng;…
6. Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021
Theo đó, Thông tư áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Người nộp phí là những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét tuyển công chức, viên chức tham gia tuyển dụng; công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải nộp phí theo quy định. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo thông báo triệu tập của Hội đồng tuyển dụng hoặc Hội đồng thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Tổ chức thu phí bao gồm: Cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức là tổ chức thu phí tuyển dụng; Cơ quan, đơn vị tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là tổ chức thu phí dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Theo đó, mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức như sau:
(1). Đối với tuyển dụng (bao gồm thi tuyển, xét tuyển):
- Dưới 100 thí sinh: mức thu 500.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 100 đến dưới 500 thí sinh: mức thu 400.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 500 thí sinh trở lên: mức thu 300.000 đồng/thí sinh/lần.
(2). Đối với dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức:
Nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I:
- Dưới 50 thí sinh: mức thu 1.400.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 50 đến dưới 100 thí sinh: mức thu 1.300.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 100 thí sinh trở lên: mức thu 1.200.000 đồng/thí sinh/lần.
Nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, hạng IV:
- Dưới 100 thí sinh: mức thu 700.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 100 đến dưới 500 thí sinh: mức thu 600.000 đồng/thí sinh/lần;
- Từ 500 thí sinh trở lên: mức thu 500.000 đồng/thí sinh/lần.
(3). Đối với trường hợp phúc khảo thi tuyển dụng; thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức: mức thu 150.000 đồng/bài thi.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Thông tư số 30/2021/TT-BGDĐT ngày 05/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non, có hiệu lực từ ngày 21/12/2021
Theo đó, việc lựa chọn tài liệu sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
(1) Tài liệu được lựa chọn trên cơ sở thực tiễn việc thực hiện chương trình GDMN, chương trình giáo dục nhà trường, kế hoạch năm học chung của toàn ngành, nguồn lực của địa phương, nhà trường và cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. (2) Bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, thiết thực trong nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. (3) Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. (4) Tài liệu được biên soạn theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 30/2021. (5) Đối với tài liệu dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; (5) Đối với học liệu là xuất bản phẩm dành cho trẻ em lựa chọn thực hiện theo quy định hiện hành về việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, cá nhân tham gia biên soạn tài liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên; Có chuyên môn phù hợp với tài liệu được biên soạn; Có thời gian công tác tối thiểu là 05 năm trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nội dung tài liệu; Có am hiểu về giáo dục mầm non; Có phẩm chất đạo đức tốt.
Việc biên soạn tài liệu được thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tổ chức, cá nhân biên soạn tài liệu phải đảm bảo phù hợp về mặt nội dung và hình thức như: văn hóa, lịch sử, địa lý, đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, đảm bảo Quyền trẻ em, hình ảnh bảo đảm tính chính xác...
8. Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT ngày 10/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực từ ngày 26/12/2021
Theo đó, Thông tư quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngoài ra, Thông tư quy định nội dung, hình thức xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đối với nội dung, hình thức thi thăng hạng viên chức đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Điểm đáng chú ý là Thông tư đã bổ sung quy định cụ thể về thời gian thông báo kết quả xét thăng hạng.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 9, kết quả xét thăng hạng sẽ được thông báo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc xét, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức về kết quả xét; đồng thời công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử viên chức dự xét về điểm xét thăng hạng để thông báo cho viên chức được biết.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm xét thăng hạng, viên chức dự xét có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả điểm xét thăng hạng. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có trách nhiệm thành lập Ban phúc khảo và tổ chức xét phúc khảo, công bố kết quả xét phúc khảo chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo theo quy định tại khoản này.
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả xét phúc khảo, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển.
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có trách nhiệm thông báo kết quả xét và danh sách viên chức trúng tuyển bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử viên chức tham dự kỳ xét.
9. Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 23/12/2021
Nghị định này gồm 03 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 06 điều (khoản 1 Điều 2, điểm b khoản 1 Điều 7, khoản 3 Điều 10, khoản 1 Điều 15), bổ sung 02 khoản (điểm c khoản 1 Điều 7, khoản 4 Điều 12), bổ sung thêm 02 điều (Điều 7a, Điều 15b), bãi bỏ 01 phụ lục, thay thế 03 phụ lục của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ.
Nghị định số 97/2021/NĐ-CP đã quy định danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB) (Phụ lục I) và quy định cụ thể tỷ lệ phí bảo hiểm đối với từng loại hình cơ sở như: Các loại hình cơ sở sản xuất công nghiệp (mục 16 của Phụ lục I) và các loại kho hàng hoá (mục 18 của Phụ lục I).
So với quy định của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, Nghị định số 97/2021/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải thiết kế mẫu Giấy chứng nhận BHCNBB theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 1 và phải cấp Giấy chứng nhận BHCNBB cho bên mua bảo hiểm bằng bản giấy hoặc bằng bản điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ phải xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ đối với cơ sở của mình quản lý và trách nhiệm của cơ quan Công an có thẩm quyền trong việc ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ trong biên bản kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc biên bản kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ.
Để phù hợp với quy định về chế độ báo cáo, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 97/2021/NĐ-CP đã quy định về thời gian chốt số liệu, gửi bảo cáo của DNBH đến cơ quan quản lý, giám sát, trong đó có Bộ Công an; đồng thời tại khoản 5 Điều 1 cũng đã quy định về nội dung sửa đổi việc sử dụng nguồn thu từ BHCNBB cho hoạt động PCCC như: Tăng tỷ lệ chi cho việc hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; giảm tỷ lệ chi cho việc hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC, BHCNBB, hoạt động điều tra nguyên nhân vụ cháy, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về PCCC và khen thưởng.
Huyền Trang (tổng hợp)