Bài 2: Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030

ly luan van hoa 3
Ảnh minh hoạ.

Kế thừa dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc, kết hợp tầm nhìn khoa học cách mạng của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn quan tâm đặc biệt đến các “chiến lược văn hóa”.

Đề cương văn hóa (năm 1943) với phương châm “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” đã được đề ra ngay từ khi Đảng đang lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân. Tiếp theo đó, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như công cuộc xây dựng đất nước sau này, chiến lược văn hóa luôn được Đảng quan tâm. Vấn đề văn hoá đã được đưa vào các nghị quyết của Đảng, thường xuyên đề cập đến trong hầu hết văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng như các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương nhiều nhiệm kỳ. Trong công cuộc cách mạng công nghệ mới, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, nhiệm vụ văn hóa được thiết kế như một chiến lược ngang tầm nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, đúng như lời Bác Hồ nói: Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội.

Nhìn xuyên suốt lịch sử và bao quát đời sống xã hội hiện tại có thể thấy, việc triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thông qua chiến lược văn hóa chính là sự chủ động, tích cực vừa mang tính thường trực vừa mang tính lâu dài của con người đối với việc chủ động khai thác, phát huy những thành quả sáng tạo văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc và nhân loại, nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả cho cuộc sống. Theo cách như vậy, chiến lược văn hóa là kết quả và sự thể hiện cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng trong một giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử nhất định. Chiến lược văn hóa phải được cụ thể hóa bằng chương trình hành động bài bản, với những định hướng hành động bằng mục tiêu, chỉ tiêu và những giải pháp căn cơ, thể hiện tầm nhìn nhất quán trên cơ sở luôn xem văn hóa có vai trò, vị trí quyết định lâu dài đối với cuộc sống con người và xã hội. Đó là về nhận thức, còn về thực tế mục đích cuối cùng của chiến lược văn hóa phải được hiện thực hóa tốt nhất nhằm đem lại chất lượng, hiệu quả thiết thân - đó là hạnh phúc thực cho con người ngay trong đời sống thật!

Chúng ta xây dựng chiến lược văn hóa với quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược văn hóa luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế- xã hội của Đảng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, làm động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để Đảng giữ vững chức năng cầm quyền, là hiện thân của trí tuệ, danh dự, đạo đức và văn minh của dân tộc. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá và con người Việt Nam phụ thuộc vào việc nâng tầm lãnh đạo của Đảng về trí tuệ, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng. Trí tuệ và đạo đức của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, đạo đức của dân tộc và tinh hoa văn hoá, đạo đức của nhân loại, mà cốt lõi là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng, phát triển sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Đó là hệ quả của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện từ gia đình đến cộng đồng dân cư. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

ly luan van hoa 5
Cuốn Đề cương văn hóa là một tài liệu quan trọng trên con đường Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Ảnh: TL

Chiến lược phát triển văn hóa hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với những nội dung cụ thể: Một là, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Hai là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ba là, hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Chiến lược đưa ra 10 chỉ tiêu phát triển văn hóa cho các đối tượng cán bộ, Nhân dân và các địa phương như: việc xây dựng và quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng; quy định về các thiết chế văn hóa của Trung ương và địa phương, việc bảo tồn các di sản văn hóa. Năng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời phát triển khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật, nghiên cứu phát triển và bảo vệ văn hóa truyền thống.

Vì một nền văn hóa nhân bản, nhân văn

Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 yêu cầu từng ngành, từng cấp, từng địa phương phải xác định những chỉ tiêu cụ thể như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật như: Điện ảnh; Di sản văn hóa; Sở hữu trí tuệ; Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mới các Luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Triển lãm…và hệ thống các văn bản dưới luật.

Phát triển một số lĩnh vực văn hóa: Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Thư viện; Phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa, nghệ thuật; giải pháp tài chính…

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá đồng đều trên các lĩnh vực. Tăng cường công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hoá; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực văn hoá; ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hoá độc hại tác động xấu đến đời sống xã hội. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng. Xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện quy hoạch về cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các nội dung cụ thể của phong trào góp phần phát triển văn hóa nói chung, gắn với công cuộc xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Đó là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để các thế hệ người Việt Nam sáng tạo những giá trị mới cho đất nước và giao lưu văn hóa với quốc tế, tỏa sáng cùng chân dung vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc”, “Danh nhân văn hóa ” thế giới.

Trần Công Huyền

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: