Báo chí cách mạng nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu, đội ngũ nhà báo ra sức tự mình rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để tự mình trong sạch, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh - Đó là cách thiết thực nhất để thực hiện “phò chính trừ tà” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Từ một bức thư cách đây 3/4 thế kỷ
Cách đây 74 năm, gần 3/4 thế kỷ, ngày 25 tháng 5 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ”. Trong số anh em văn hóa và trí thức có đông đảo các nhà báo và các văn nghệ sĩ.
Bức thư ngắn gọn, chỉ có 186 từ, lời lẽ giản dị, thân tình, nhưng biểu đạt tư tưởng phong phú, sâu sắc, phong cách khoa học và dân chủ cùng với văn hóa ứng xử rất tinh tế của Người.
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu
Những chỉ dẫn của Người còn nguyên tính thời sự, mới mẻ và hiện đại, còn mãi giá trị về tư tưởng, phong cách và phương pháp, về chính trị, đạo đức và văn hóa đối với giới văn hóa và trí thức nước ta, đặc biệt với các nhà báo, với công tác báo chí cách mạng. Thời điểm Hồ Chí Minh viết thư này là lúc chúng ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại nước ta, theo đường lối và phương châm “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, với niềm tin “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”, với quyết tâm “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” mà Hồ Chí Minh cùng với Đảng và Chính phủ đã xác định.
Nước nhà vừa mới giành được độc lập thì chỉ ba tuần sau đó, thực dân Pháp núp dưới quân đồng minh đã xâm chiếm Nam Bộ. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, đồng bào Nam Bộ đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Miền Nam - thành đồng Tổ quốc, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, đi trước về sau, nêu gương quả cảm để giữ vững nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, “thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ”. Các chiến sĩ trẻ tuổi, theo lời kêu gọi của Người, nêu cao dũng khí cảm tử quân, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lập chiến lũy giữa lòng Thủ đô đang mịt mù khói lửa, vừa giữ từng căn nhà, góc phố, giúp đồng bào tản cư chống giặc, vừa nô nức lên đường trong những đoàn quân Nam tiến. Đó là những ngày sôi động “cả nước lên đường, toàn dân đánh giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ, thà “chết tự do hơn sống nô lệ”.
Các cơ quan đầu não của Chính phủ đã di chuyển an toàn về Việt Bắc, tiếp tục điều hành mọi hoạt động nội trị và ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại “Thủ đô kháng chiến”. Các địa danh ATK (an toàn khu) Thái Nguyên, Tuyên Quang với Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ đến Sơn Dương, Chiêm Hóa... đã đi vào lịch sử, in dấu chân hoạt động của Bác Hồ và Trung ương một thời gian khổ, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa chiến đấu vừa xây dựng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, huy động tối đa sức người sức của cho các mặt trận để đánh thắng quân xâm lược được thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chính trong những năm tháng mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của dân tộc, của đại đoàn kết toàn dân tộc đã ngày đêm theo dõi mọi hoạt động của quân dân ta, không chỉ ở Việt Bắc mà còn ở mọi vùng, miền, đặc biệt với miền Nam, với Nam Bộ “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Người đã viết không biết bao nhiêu thư từ cho đồng bào và chiến sĩ, cho các giới, các ngành, vừa thăm hỏi, động viên, cổ vũ tinh thần kháng chiến, vừa chỉ đạo kịp thời những công việc cần kíp, khẩn trương trước mắt vừa trù tính những việc hệ trọng lâu dài xây dựng chính thể, củng cố chế độ, tranh thủ tối đa dư luận quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa, giành độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.
Những tác phẩm nổi tiếng của Người đã ra đời trong những ngày tháng mở đầu cuộc kháng chiến: “Đời sống mới” với bút danh Tân Sinh, tháng 3/1947, “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, tháng 10/1947, “Thi đua ái quốc” (1948), “Dân vận” (1949)... Đó là những văn kiện chỉ đạo chiến lược có tầm đường lối, chủ trương, chính sách.
Người nêu cao động lực tinh thần, đó là đoàn kết và yêu nước trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, quyết tâm diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Người nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm và củng cố ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi chiến sĩ, mỗi đảng viên và cán bộ trước vận mệnh của Tổ quốc và Dân tộc, hết lòng chăm lo đời sống nhân dân. “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, ai thi đua là người yêu nước nhất”. Người gây dựng công phu, tỉ mỉ, thiết thực từ hoạt động đến tổ chức và con người để thi đua yêu nước trở thành phong trào lực lượng của toàn dân, làm cho “người người thi đua”, “ngành ngành thi đua”, “nhà nhà thi đua” để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Người gieo niềm tin tất thắng trong lòng dân “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Có thể nói, trên tư cách nhà tư tưởng, nhà tổ chức thiên tài, lãnh tụ của nhân dân, hình ảnh của dân tộc đồng thời là một nhà báo lỗi lạc, một cây bút chính luận đặc sắc, nhà cổ động, nhà tuyên truyền hàng đầu của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh thực sự là người truyền cảm hứng vĩ đại tới toàn thể dân tộc Việt Nam. Mỗi trang viết, mỗi lời văn, câu nói của Người như có ánh lửa soi đường. Ngọn lửa thần kỳ Hồ Chí Minh đã thắp sáng niềm tin và hy vọng thúc giục cả dân tộc, từ buổi đầu đứng lên, tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, cứu lấy giống nòi ra khỏi cảnh nước nhà lầm than nô lệ, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đến thắng lợi của cách mạng Tháng Tám với Tuyên ngôn độc lập bất hủ và lời thề thiêng liêng “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền độc lập”... cho đến những ngày sục sôi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, bởi “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, toàn bộ nỗ lực và tinh lực, Hồ Chí Minh dành tất cả cho dân cho nước. Người từng nói, độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu. Đó là câu trả lời của Người về phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài muốn biết điều gì là quan trọng nhất của Người. Cho đến cuối đời, năm 1969, trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Grama (Cu Ba) - Mácta Rôhát, Người nói một lời cảm động “Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi”. Chữ Dân, chữ Nước nổi bật trong bảng từ vựng của Hồ Chí Minh. Yêu nước là tình cảm mãnh liệt của Người nên thương dân, vì dân, suốt đời gắn bó máu thịt với dân là lẽ sống của Người. Khi viết Di chúc để lại mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời nhắn gửi, Người “chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hồ Chí Minh thực sự là một tâm hồn cao thượng. Riêng với miền Nam, Người nói “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Người biết rõ, với đồng bào miền Nam, Người không phải là vị chủ tịch mà là Bác Hồ... Phải đặt bức thư Người viết cho anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ 74 năm về trước trong hoàn cảnh kháng chiến và trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và di sản của Người để thấy triết lý nhân sinh “phò chính trừ tà” rất đỗi sâu xa mà Người căn dặn chúng ta thực hành.
Báo chí cách mạng Việt Nam cần nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu
2. Phò chính trừ tà - nhiệm vụ vẻ vang của báo chí cách mạng, thiên chức cao quý của nhà báo chiến sĩ
Mở đầu bức thư “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ”, Người nhấn mạnh nhiệm vụ và mục tiêu lớn mà Chính phủ cùng toàn thể đồng bào đồng tâm nhất trí, nêu cao quyết tâm và tín tâm để thực hiện. Đó là... “Kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà”1. Người nói rõ, “thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”2.
Ở đây, định hướng chính trị là trực tiếp và rõ ràng, đất nước phải thống nhất, Tổ quốc phải độc lập, dân tộc phải tự do là quan điểm, là mục đích không bao giờ thay đổi, là nhiệm vụ thiêng liêng đặt ra trước tất cả mọi người Việt Nam. Đó cũng là lợi ích tối cao “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển, để văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng và đạo đức được phát triển tự do. Cũng ở đây, Người đặc biệt nhấn mạnh tới văn hóa như Người từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”.
Người liên tưởng trong mạch tư duy biện chứng rằng, chính trị nghĩ rộng ra cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị. Muốn đưa chính trị vào sâu trong đời sống dân gian thì phải nâng cao học vấn toàn dân, phải nhanh chóng xóa bỏ di sản mục nát mà chế độ thực dân phong kiến để lại - một nền giáo dục thực dân, nhồi sọ cho dân ta đầu óc nô lệ, giáo dục ngu dân để dân tăm tối và để dễ bề cai trị. 95% dân số nước ta mù chữ, “cho nên một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Giáo dục nằm ở trung tâm, cốt lõi của văn hóa và đạo đức là sinh khí, sinh lực, là thần thái của văn hóa. Một trong những sắc lệnh đầu tiên, được ban hành sớm nhất dưới chính thể Cộng hòa dân chủ là sắc lệnh thành lập “Nha bình dân học vụ”, chăm lo việc học cho dân, thi hành cưỡng bức giáo dục phổ thông, ai ai cũng phải đi học, phải biết đọc biết viết để hiểu quyền và nghĩa vụ công dân trong một nước độc lập.
Nói tới “anh em văn hóa” cũng là nói tới trí thức, nhà báo là nhà văn hóa, nhà trí thức, đem ánh sáng học thức và sự hiểu biết tới cho dân. Nói chung, những người cầm bút, những người hoạt động tinh thần phải góp sức vào việc khai tâm, khai sáng, khai minh cho đồng bào mình, góp sức vào công cuộc chấn hưng dân tộc bằng cách chấn hưng đạo đức và văn hóa. Độc lập phải thực sự và độc lập phải đi tới văn minh.
Hiểu được trách nhiệm ấy, giới văn hóa trong đó có báo giới, những người trí thức có lương tri, giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc phải tự giác nhập cuộc vào hoạt động tham chính của nhân dân mình, gắn bó mật thiết với đồng bào mình. Chính trị vì dân, phục vụ dân là chính trị đạo đức nhất, lương thiện nhất. Bởi thế, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao chính trị đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn. Đó không chỉ là chính trị lấy sức mạnh đảm bảo từ đạo đức mà còn dựa trên nền tảng sâu xa là văn hóa. Với tất cả sự thân tình và chân thành, Người không chỉ nói “Anh em văn hóa và trí thức” mà còn nói “Đồng bào văn hóa và trí thức”3. Đây là sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh, là sự truyền dẫn sâu xa thông điệp đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc mà Người ký thác đầy tin tưởng và tin cậy vào những người trí thức của dân tộc, các văn nghệ sĩ, các nhà báo, những người cầm bút và cây bút, trang giấy cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng.
Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ, thiên chức cao quý của họ, của hoạt động báo chí cách mạng: “Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”4.
Chính và tà là sự đối lập tương phản giữa thiện và ác, giữa ngay thẳng, chân chính, cương trực để bảo vệ chân lý và đạo lý với giả dối, gian ác, xảo quyệt, tà tâm, ác ý hại dân, hại nước. Đó là đối lập giữa đạo đức với phản đạo đức, giữa chính trị “chính tâm” và “thân dân” với chính trị phản động mưu toan phá nước hại dân. Hiểu rộng ra, cái gì đúng đắn, tốt đẹp, lành mạnh, ngay thẳng, trong sáng, công tâm cái đó là chính. Ngược lại, cái gì sai lầm, xuyên tạc, kích động, lừa mị dân chúng, lừa gạt dân, làm hại dân, xa lạ với những thiện tâm, thiện ý của dân đều là tà. Phò chính trừ tà không chỉ là thái độ mà còn là hành động. Đó là xây đi liền với chống, xây dựng, bảo vệ cái tốt, cái đúng và tiêu diệt, tẩy trừ những cái sai, cái xấu, cái ác, nó đối lập nhau như nước với lửa.
Hiểu rộng ra theo nghĩa “phò chính trừ tà” là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống, lợi quyền của dân, vạch trần, phê phán và tẩy trừ những gì sai trái, làm tổn hại tới sự nghiệp cách mạng, tới lợi ích chung của xã hội, của nhân dân.
Đó là chính trị chính nghĩa vì dân, là đạo đức trong sáng, công tâm vì dân, là “dĩ công vi thượng”, là “quang minh chính đại”, muốn vậy phải ra sức tu dưỡng và thực hành cần kiệm liêm chính - bốn đức để làm người để thành người cách mạng. Đó còn là văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức để luôn luôn có “chính tâm”, có đức “thân dân”, biết trọng dân, đó là dân chủ, biết tự nguyện tự giác làm việc tốt, có lợi cho dân, tránh xa những dục vọng danh lợi, chức quyền, làm hại dân, tự mình phải tránh cho bằng được, hơn nữa phải có lòng ngay thẳng, chính trực, phê phán và đấu tranh với những cái xấu, cái ác, những kẻ bất minh, bất chính, làm hại dân hại nước. Không chỉ phục vụ dân mà còn phải bảo vệ dân, đề cao lương tâm và trách nhiệm trước cuộc sống và số phận của dân. Đó không chỉ là văn hóa đạo đức mà còn là văn hóa chính trị, bản lĩnh chính trị.
Xuất phát từ đó, Hồ Chí Minh căn dặn “anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc kháng chiến, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho tổ quốc”5. Người giải thích rõ ràng thái độ và đường lối chính nghĩa, hợp đạo lý và nhân tâm của Chính phủ và nhân dân ta “sẵn lòng thân thiện với nhân dân Pháp, nhưng quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp phản động”6. Phân rõ chính nghĩa và phi nghĩa, phải và trái, bạn và thù đó là sự sáng suốt, tường minh chính trị nhân văn và nhân đạo của Hồ Chí Minh.
Người tin cậy và đòi hỏi “anh em văn hóa và trí thức là lớp người “tiên tri tiên giác” (hiểu biết trước) cũng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ”7. Đây là sự khêu gợi, thức tỉnh và giáo dục lập trường, quan điểm chính trị, trách nhiệm xã hội trước dân tộc và nhân dân, đồng thời là đạo đức, lương tâm của người cầm bút chiến đấu cho độc lập tự do, cho phẩm giá con người.
Với báo chí cách mạng và đội ngũ các nhà báo, đồng hành cùng dân tộc và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, phấn đấu cho Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - những giá trị cốt lõi của phát triển, đó chính là biểu hiện trực tiếp và cao quý của hành động “phò chính trừ tà”. Đây là sự cô đọng và chỗ kết tinh của bức thông điệp mà Hồ Chí Minh gửi tới “anh em văn hóa và trí thức”, tới “đồng bào văn hóa và trí thức Nam Bộ”, cũng là gửi chung cho giới văn hóa, đội ngũ các nhà báo trí thức, đội ngũ các nhà báo - chiến sĩ của cả nước trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc ngày ấy, còn tỏa sáng ý nghĩa tới ngày nay, và mãi mãi sau này.
Dấn thân vào “Đường cách mệnh”, con đường hoạt động cách mạng đã đưa Người tới nghề làm báo, viết báo, coi báo chí là một hoạt động, một công cụ sắc bén, một phương tiện hữu hiệu để truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng phong trào và lực lượng cách mạng để suốt đời đấu tranh cho độc lập tự do. Người là một nhà báo tài năng và bản lĩnh gắn chặt với sự nghiệp mà Người tự nhận mình là “một nhà cách mạng chuyên nghiệp”8. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 06 tháng 4 năm 1959, Hồ Chí Minh nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”9. Lời giản dị của Bác là tổng kết đặc sắc, thể hiện tư tưởng lớn về mục đích, vai trò của báo chí cách mạng. Người còn để lại cho nền báo chí cách mạng và đội ngũ các nhà báo chúng ta nhiều tổng kết lớn khác, kể cả nghiệp vụ viết báo, làm báo, những chuyện bếp núc trong nghề báo. Có lần chúng ta hỏi Người, “Bác có kinh nghiệm gì Bác mách cho chúng cháu, vì sao Bác viết ngắn, nói ít mà hay như vậy?”. Bác khiêm tốn trả lời, Bác chẳng có kinh nghiệm gì đâu, các chú cứ chịu khó làm rồi sẽ tự rút ra kinh nghiệm. Bác chỉ “mách nhỏ” các chú điều này. Trước khi nói hay viết phải suy nghĩ kỹ, tự đặt câu hỏi và tự trả lời cho rõ rồi hãy làm.
- Viết và nói về cái gì? (ta thường gọi là đề tài).
- Viết và nói để làm gì? (mục đích).
- Viết và nói cho ai? (đối tượng).
- Và do đó, phải viết và nói như thế nào? (phương pháp).
Điều “mách nhỏ” của Người thực sự là một tổng kết từ những trải nghiệm trực tiếp trong nghề báo, chặt chẽ, lôgic và đậm chất thực tiễn, cô đúc những kinh nghiệm quý báu mà Người truyền dẫn cho nhà báo chúng ta.
Hồ Chí Minh nói về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng: tính Đảng, tính chiến đấu, tính khoa học và cách mạng, tính nhân dân, tính quần chúng rất thấm thía. Tư tưởng báo chí của Người nổi bật ở các luận điểm:
+ Báo chí là một mặt trận.
+ Cán bộ báo chí (nhà báo) cũng là chiến sĩ cách mạng.
+ Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo.
+ Bài báo là tờ hịch cách mạng.
Với văn nghệ sĩ, Người xác định “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Với các nhà báo, tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8 tháng 9 năm 1962, Người chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, ngày 24 tháng 4 năm 1965, Người nhấn mạnh “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”10.
Là tác giả thường xuyên có bài trên báo Đảng, từ số đầu tiên, năm 1951, cho đến trước khi Người qua đời (1969) hàng ngàn bài báo của Người thể hiện kịp thời những quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo công tác báo chí, đạo đức nhà báo và mối liên hệ mật thiết giữa báo với quần chúng.
Trong bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 24 tháng 6 năm 1954 Người chỉ rõ: “Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết, làm về tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”11.
Người đặc biệt quan tâm tới vai trò của báo chí và nhà báo trong việc định hướng giáo dục: Hướng dẫn dư luận, cổ vũ cái tốt, phê phán cái xấu, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, củng cố niềm tin và thúc đẩy quần chúng trong mọi hoạt động sáng tạo để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị trong tiến trình đấu tranh cách mạng.
Vào cuối đời, Người suy nghĩ nhiều về chủ trương mở cuộc vận động người tốt việc tốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người, lấy cái hay, cái tốt, cái tích cực và tiến bộ để thúc đẩy phong trào cách mạng sâu rộng trong hai miền Nam Bắc. Người nhấn mạnh, “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc là một vườn hoa đẹp”. “Phải làm cho cái hay, cái tốt này nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi”.
Để báo chí cách mạng làm tròn sứ mệnh cao cả đó, một trong những điều quyết định là tài năng và đạo đức của nhà báo. Tấm gương đạo đức của Người là bài học mẫu mực, quý giá cho việc rèn luyện đạo đức, nhân cách nhà báo trên tư cách người công dân và người chiến sĩ.
Nói một cách khái quát đó là bản lĩnh chính trị, phẩm chất trung thực và cương trực, khiêm tốn và tận tụy, trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Một trong những điều sâu xa là chống chủ nghĩa cá nhân, suốt đời trau dồi đạo đức cách mạng. Phò chính trừ tà trong điều kiện lịch sử mới, không chỉ chống giặc ngoại xâm mà còn chống giặc nội xâm - cái xấu, cái ác ở ngay trong lòng mình, không để tính tham, lòng tham, những cám dỗ vật chất tầm thường bủa vây, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay mà đánh mất phẩm giá, nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của một nhà báo chân chính. Không vượt qua được những điều đó, không vượt qua được chính bản thân mình, “dễ bẻ cong ngòi bút”, chẳng những không thực hiện được nhiệm vụ “phò chính trừ tà” mà trái lại sẽ bạc nhược, nhụt chí, bỏ “chính”, theo “tà”, để cho “tà” dụ dỗ, lôi kéo, không chế, trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, cái ác, cái giả trá, làm hoen ố thanh danh nhà báo và báo chí cách mạng, không còn là tiếng nói trung thực, dũng cảm bảo vệ sự thật và nhân dân mà tự mình tha hóa, chống lại nhân dân với những động cơ và hành vi tội lỗi.
Chống kẻ thù ngoại xâm đã khó, chống giặc nội xâm còn khó khăn phức tạp hơn. Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo, cuộc chiến chống chủ nghĩa cá nhân là phải chống suốt đời, “sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng” bởi chống lại chính bản thân mình, chống những thói hư tật xấu, những hư hỏng và thoái hóa của bản thân mình. Đủ thấy lời dạy của Bác về nhiệm vụ của anh em văn hóa và trí thức là “phò chính trừ tà”, là không chịu làm nô lệ cho bọn thực dân phản động trước đây, vào lúc này thấm thía, sâu sắc biết chừng nào.
Nhớ lại, khi hoàn cảnh thay đổi, từ kháng chiến gian nan nơi núi rừng hiểm trở, hòa bình lập lại, về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ căn dặn bộ đội chiến sĩ và cán bộ hãy cảnh giác trước “những viên đạn bọc đường”. Ở đời, giữ trọn đời trong sạch là việc khó, có khi không gục ngã trước hiểm nguy, bom đạn mà lại tự mình gục ngã trước tiền bạc và những hưởng lạc, vui thú đời thường. Từ năm 1948, trong thư gửi Công an, Bác căn dặn một điều: “Với địch phải cương quyết, khôn khéo”12. Địch ở đây không chỉ là địch ngoại xâm mà còn là giặc ở trong lòng. Trừ “tà” trực diện đã không dễ, trừ “tà” ẩn nấp tinh vi, thâm hiểm và độc ác ở bên trong mình càng không dễ chút nào.
Bài học về đạo đức nhà báo hơn lúc nào hết, vào lúc này, khi Đảng ta nêu cao quyết tâm phòng ngừa và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ càng trở nên cấp bách. Báo chí cách mạng nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu, đội ngũ nhà báo ra sức tự mình rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để tự mình trong sạch, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh - Đó là cách thiết thực nhất để thực hiện “phò chính trừ tà” theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Tâm Trang (st)
---------------------------
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 5, tr.157.
8. RufBernatxki, Liên Xô, “Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Văn nghệ, 1980. (Xem: Hội Nhà báo Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, CTQG, H.2004, tr.13).
9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H.2011, Tập 12, tr.171.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H.2011, Tập 14, tr.540.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H.2011, Tập 8, tr.514.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H.2011, Tập 5, tr.499.