Với việc ban hành Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, sau 35 năm đổi mới, chúng ta chính thức có một văn bản mang tầm chiến lược về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ trương này được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vấn đề cần kíp hiện nay là phải làm sao để chủ trương quan trọng này của Đảng sớm đi vào thực tiễn; làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng coi Kết luận 14 là mệnh lệnh của cuộc sống, là động lực quan trọng hàng đầu để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới.
Bài 1: Nhìn nhận, đánh giá đúng cán bộ “bốn dám”
Lịch sử phản ánh và ghi lại những tấm gương cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, “xé rào” và được ngợi ca là những người tạo nên các bước ngoặt cho sự nghiệp cách mạng. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại, không biết liệu có còn những cán bộ “bốn dám” (dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm)? Họ là ai, đang ở đâu, làm gì?
Cán bộ “bốn dám” đang ở đâu?
Câu trả lời là có không ít cán bộ "bốn dám"! Thế nhưng công việc của họ thường là những việc mới, việc khó, có tính chất “xé rào” sẽ vượt quá tầm nhận thức của số đông, nên nếu không thực sự tâm huyết và đồng cảm, sẻ chia thì khó nhận ra. Đó là những việc “đi trước, đón đầu” mà số đông chưa thể hình dung, nhận thức đầy đủ. Hơn thế, khi đã là cán bộ “bốn dám” thì họ thường chấp nhận hy sinh, không hề khoe mẽ, không thích phô trương thành tích và luôn hành động vì lợi ích chung. Cũng bởi vậy mà tên tuổi, công việc của họ ít người “biết tường, hiểu tận”.
Thế nhưng, xét theo logic nhận thức, chúng ta phải luôn vững tin rằng: Phải có sự “xé rào”, năng động, sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ (hoặc một bộ phận cán bộ) thì mới có sự bứt phá, phát triển đi lên của đất nước như thời gian qua. Điều đó là chân lý, bởi lẽ “cán bộ là cái gốc của công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Cách đây 15 năm, xuất hiện rào cản về mặt tư duy của đa số đội ngũ cán bộ và tâm lý cộng đồng xã hội khi cho rằng đảng viên làm kinh tế sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sa vào mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản, sẽ đánh mất phẩm chất của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do đó, chấp nhận việc đảng viên làm kinh tế tư nhân là thành quả từ ý tưởng “xé rào” của những con người cụ thể nào đó; sau đó được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chấp thuận, rồi ban hành Quy định số 15/QĐ-TW ngày 28-8-2006. Thực tiễn cho thấy, từ quy định này đã dần mở thông “chốt khóa” về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng; huy động được nguồn lực lớn hơn cho phát triển kinh tế của đất nước.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, trong 15 năm gần đây, chúng ta được chứng kiến một cuộc “đại chỉnh đốn” chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 15 năm trước, sự lo ngại về tình trạng suy thoái, biến chất, tham nhũng, lãng phí của cán bộ trong cộng đồng là rất lớn, là tâm điểm dư luận xã hội. Thực trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành khiến nhân dân suy giảm niềm tin với Đảng và đội ngũ cán bộ.
Thế nhưng, đến nay thì niềm tin của nhân dân vào Đảng đã được củng cố. Có được điều đó là nhờ Đảng ta đã quyết tâm, quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá vào từng khâu, từng mặt của công tác xây dựng Đảng; từng bước nâng cao yêu cầu và nội hàm của các thành tố xây dựng Đảng, phát triển từ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức; sau đó phát triển và thêm thành tố “đạo đức” (Đại hội XII) và từ sau Đại hội XIII là xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức và cán bộ.
Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội. Ảnh: cand.com.vn.
Đã có hàng chục nghị quyết, chỉ thị, quy định mới về việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ được ban hành với những tư duy mới, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng với tính chiến lược bao trùm của Trung ương Đảng trong thời gian qua. Đó cũng là minh chứng cho sự đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu các ban Đảng nói riêng, đội ngũ cán bộ Trung ương nói chung.
Đặc biệt, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với những tư duy mới, cũng là một minh chứng cho quyết tâm chính trị dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm.
Mới đây là Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ vừa được ban hành, cũng sẽ mở ra tiền lệ mới đối với công tác cán bộ. Như vậy, nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng gần đây đều chứa đựng những thành tố của sự đổi mới; thể hiện tính quyết đoán, quyết liệt mạnh mẽ của Trung ương. Điều đó chắc chắn phải bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo ban đầu của một vài cán bộ, đảng viên cụ thể.
Phải “điều tra” cho ra người hiền tài
Xưa nay chúng ta vẫn mặc nhiên nghĩ rằng “thành tích là thành tích chung”, “thành tích của tập thể” mà bỏ qua việc lượng hóa những đóng góp cụ thể của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Tư duy cho rằng cá nhân có được thành tích, đóng góp nào đó là bởi sự dìu đắt, nâng đỡ của tập thể nên mỗi người phải khiêm tốn, cầu tiến. Nhưng khi có sai lầm, khuyết điểm trong công tác thì con người cụ thể bị “điểm mặt, xướng tên”. Chưa hết, khi cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá tốt một ý tưởng nào đó thì nhiều khi xem đó là sản phẩm sáng tạo của tập thể và của người đứng đầu.
Chính vì vậy, điều mà chúng ta cần làm là phải trả lại sự công bằng trong công tác đánh giá cán bộ, ghi nhận thành tích của cán bộ. Nói cụ thể là đối với từng ý tưởng, từng phần việc mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích chung thì cần xem xét vấn đề toàn diện, đi đến tận cùng, xem đó là ý tưởng của cán bộ, đảng viên nào. Phải làm cho bằng được như vậy thì mới đánh giá đúng cán bộ, tìm ra được người tài mà khen thưởng, động viên, trọng dụng.
Lâu nay chúng ta chỉ quen khen thưởng, đánh giá cao đối với tập thể-nơi hiện thực hóa những ý tưởng mới, sáng tạo của cán bộ, mà quên đi trách nhiệm phải tiến hành khảo sát, tìm ra ai là chủ nhân sáng tạo. Đến khi tìm ra thì chỉ khen ngợi chung chung chứ chưa có kế hoạch để tiếp tục bồi dưỡng, đồng hành, phát huy tài năng, trọng dụng người tài; cũng chưa có những định hướng lớn trong việc tôn vinh, vinh danh những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm và giúp họ có những đóng góp nhiều hơn; mà chủ yếu là để cho cán bộ “tự bơi”... Thành thử, cán bộ “bốn dám” vẫn hiện hữu đâu đó trong đời sống xã hội và sự nghiệp cách mạng, thế nhưng tên tuổi của họ lại chưa được công khai rõ ràng, cấp trên không biết, quần chúng không hay.
Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất thiết phải làm được phần việc mà Bác Hồ răn dạy, phải “lập tức điều tra nơi nào có người tài đức” để nhìn lại, đánh giá đúng đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ, nhất là trong điều kiện hiện nay để có lộ trình, bước đi phù hợp trong công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ thực tài của đất nước.
Trong điều kiện hiện nay, cần có sự nhìn nhận, xem xét với phương pháp biện chứng trước những sai sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, không nên cứng nhắc với những thang “điểm trừ” khi đánh giá cán bộ. Với một tập thể lại càng cần nhìn nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tập thể đó, không nên bới lông tìm vết đến mức sát phạt nhau vì những lỗi nhỏ, rồi phủ nhận cả những thành tích ấn tượng, rồi tất cả đều co rúm sợ sệt, chủ nghĩa "an toàn" lên ngôi.
Những cán bộ sáng tạo và tích cực công tác, làm việc thì có thể dễ sai sót, vì họ không đi theo lối mòn. Thậm chí, có thể họ phải đi từ sai sót này đến vấp váp khác rồi mới đi đến thành công. Bởi thế, không thể lấy những sai sót để mặc cảm, định kiến, rồi đi áp đặt, quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách xơ cứng, máy móc.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ cho thật sát với điều kiện tình hình mới. Trong đó, phải xem sự sáng tạo, đột phá của cán bộ là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong hệ thống tiêu chí đánh giá. Cán bộ tốt hay kém đến đâu thì ghi nhận và đánh giá đến đó; cương quyết không “dĩ hòa vi quý”, cào bằng trong đánh giá cán bộ.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng Đảng, trước thực tế về chất lượng đội ngũ cán bộ, ở từng cấp hiện nay nên đánh giá, phân rõ thành 3 nhóm loại cụ thể. Thứ nhất, cán bộ xông xáo, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thử thách để công tác, cống hiến vì tập thể, vì lợi ích chung. Thứ hai, cán bộ có tư tưởng trông chờ, thụ động, né tránh công việc được giao, khi gặp việc khó, hóc búa thì dồn lên cấp trên; tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên chứ không có đổi mới, giữ tâm lý vo tròn, giữ ghế. Thứ ba, những cán bộ rơi vào tha hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Một khi đã phân loại được các nhóm cán bộ như nêu trên thì rất dễ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực cán bộ cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây cũng là căn cứ để theo dõi, rà soát, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; thanh lọc những cán bộ kém ở nhiều cơ quan công quyền hiện nay. Và hơn hết, đây là cách hữu hiệu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng chọn đúng cán bộ “bốn dám” để có cơ chế khuyến khích, bảo vệ phù hợp, hiệu quả. Đó cũng là một cách “khích tướng” đội ngũ cán bộ để ngày càng xuất hiện nhiều tư duy mới, cách làm mới, đột phá mới nhằm mang lại những bước ngoặt phát triển mới cho đất nước nói chung, cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng.
“Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (Trích bài viết “Nhân tài và kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Cứu quốc, ngày 14-11-1945).
(còn nữa)
Nhóm Phóng viên
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)