Quy định về chế độ, quyền lợi của người lao động ngày càng hoàn thiện, trong đó chế độ nghỉ không hưởng lương của người lao động đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn tại Bộ luật Lao động năm 2019. Một số nội dung cụ thể như sau:
1. Các trường hợp nghỉ không hưởng lương
Chế độ nghỉ không hưởng lương của công chức, viên chức được quy định như sau: Trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng nhưng không được hưởng lương và phải thông báo với người sử dụng lao động bao gồm:
- Nghỉ việc 01 ngày không hưởng lương khi trong nhà có người thân là ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội, anh, chị, em, ruột qua đời; hoặc khi bố hoặc mẹ kết hôn, anh, chị, em ruột kết hôn. Trước khi nghỉ người lao động phải thực hiện thông báo đến người sử dụng lao động được biết.
- Trong trường hợp vì những lý do khác thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, người lao động có thể xin nghỉ không hưởng lương trong 02 trường hợp:
Một là, liên quan đến công việc của người thân trong nhà đã được pháp luật quy định cụ thể;
Hai là, do thỏa thuận với người sử dụng lao động.
2. Thời hạn nghỉ không lương theo quy định của pháp luật
Thời hạn nghỉ không hưởng trong trường hợp bận công việc gia đình của người lao động khi có người thân qua đời hoặc kết hôn là 01 ngày và phải thông báo cho người sử dụng lao động được biết.
Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian nghỉ không hưởng lương của mình. Pháp luật không giới hạn và cũng không quy định về thời gian xin nghỉ không hưởng lương đối đa của người lao động. Như vậy có nghĩa là người lao động nếu muốn nghỉ việc không hưởng lương thì chỉ cần thương lượng, thỏa thuận rõ với người sử dụng lao động và đạt được sự thống nhất giữa hai bên về thời gian nghỉ.
Trong Bộ luật lao động cũng quy định về việc người lao động nghỉ không phép, không báo trước, không được sự chấp thuận của người sử dụng lao động 05 ngày cộng dồn trong vòng 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày thì có thể phải chịu xử lý kỷ luật.
3. Quyền lợi liên quan của người lao động trong thời gian nghỉ không lương
- Về quyền lợi khi nghỉ không lương trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.
Trong trường hợp người lao động xin nghỉ không hưởng lương mà thời gian này lại trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì quyền lợi của người lao động vẫn sẽ được giải quyết. Do ngày nghỉ lễ, nghỉ tết ngay từ đầu đã được coi là ngày nghỉ làm và được hưởng nguyên lương của người lao động.
Trong trường hợp lao động là người nước ngoài đang lao động ở Việt Nam thì ngoài những ngày lễ trên người lao động này còn được nghỉ thêm 01 ngày vào ngày Tết cổ truyền và 01 ngày vào ngày Quốc khánh của quốc gia họ.
Như vậy, người lao động xin nghỉ không hưởng lương thì trong những ngày lễ, tết kể trên người lao động vẫn được hưởng nguyên lương, vì đây đương nhiên là ngày được nghỉ làm mà vẫn có lương của họ. Mức tiền lương sẽ là tiền lương của người lao động trong hợp đồng, chia cho số ngày làm việc trong tháng, nhân với số ngày người lao động được nghỉ lễ, tết.
- Quyền lợi bảo hiểm xã hội
Tuy pháp luật không giới hạn về số ngày nghỉ không hưởng lương tối đa của người lao động tuy nhiên nếu trong trường hợp nghỉ không lương dài ngày thì người lao động cũng phải chú ý đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định thời gian tính là tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là: người lao động không làm việc và không hưởng lương thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không được đóng bảo hiểm xã hội tháng đó và đồng thời thời gian nghỉ việc này cũng không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản).
Như vậy người lao động nếu nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn 14 ngày trong tháng thì tháng đó cơ quan, tổ chức sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, và tháng nghỉ việc này sẽ được coi là tháng không tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
4. Từ chối khi người lao động xin nghỉ
Trong trường hợp người thân trong gia đình chết hoặc kết hôn mà người lao động đã thông báo thì người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho người lao động nghỉ việc theo quy định. Nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Riêng trường hợp người lao động muốn nghỉ không hưởng lương theo thỏa thuận, người sử dụng lao động được quyền đồng ý hoặc từ chối đề nghị xin nghỉ của người lao động mà không bị coi là vi phạm pháp luật.
Từ những quy định trên, có thể thấy, chế độ nghi không lương đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng có lợi hơn dành cho người lao động. Mỗi cá nhân, tổ chức là người lao động và người sử dụng lao động cần nghiên cứu, nắm bắt, am hiểu các quy định có liên quan đến chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng quy định pháp luật./.
Bùi Hảo (tổng hợp)