Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác thi đua, khen thưởng. Người đã chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua thì phải có khen thưởng - việc quan trọng của công tác thi đua. Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng là hình thức xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên khuyến khích mọi cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, tạo được nhiều thành tích cho cách mạng, trực tiếp làm cho phong trào thi đua phát triển. Người coi thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khí phách và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân.
Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Bác đã hun đúc ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân bằng phong trào “Thi đua yêu nước”. Thi đua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của lòng yêu nước và là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Khi gắn thi đua với yêu nước, gắn yêu nước với thi đua, Bác Hồ đã khẳng định nét bản sắc của dân tộc Việt Nam trong phong trào thi đua. Ai cũng có thể tìm thấy mình trong phong trào thi đua yêu nước, vì người Việt Nam nào cũng mang trong mình tình cảm yêu nước như một mạch chảy tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Thi đua yêu nước cũng là một nhân tố, là chất gắn kết, quy tụ đông đảo các giai tầng xã hội trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi giai đoạn của cách mạng.
Có thể thấy, nếu thi đua là động lực để thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng, thì khen thưởng cũng động lực để thúc đẩy thi đua phát triển. Thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Người yêu cầu: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[1].
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua - khen thưởng, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thể hiện qua chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và áp dụng vào thực tiễn, hiệu quả, thiết thực. Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện công tác thi đua khen thưởng, pháp luật về thi đua, khen thưởng với nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh đã dần được bổ sung và hoàn thiện. Các chính sách về công tác thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước được ghi nhận và thể hiện rõ nét trong các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng. Qua đó, tạo lập được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các quan hệ pháp luật phát sinh trong công tác thi đua, khen thưởng, mặt khác cho thấy được phong trào thi đua, công tác khen thưởng hiện nay ngày càng thực chất hơn và hướng tới người lao động nhiều hơn. Từ đó, tạo thành động lực to lớn, góp phần quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng các chế độ, chính sách thi đua khen thưởng cũng được quan tâm để phù hợp hơn với thực tế. Các cơ quan chức năng đã chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.
Công tác thi đua - khen thưởng đã góp phần to lớn, phát huy cao độ truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh… Nhiều phong trào thi đua được phát động, khơi dậy và nhân rộng. Phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ qua các thời kỳ, sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang… với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, các phong trào thi đua yêu nước đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Từ những phong trào đó, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của con người Việt Nam; tạo động lực mạnh mẽ và góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong những năm qua.
Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Công tác thi đua khen thưởng ngày càng giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống lao động xã hội, thực sự trở thành động lực thúc đẩy mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, sáng tạo; góp phần quan trọng trong xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới ngày càng phát triển hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua khen thưởng còn những hạn chế: Hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức thi đua chậm được đổi mới, chỉ tiêu thi đua chung chung, chưa cụ thể hóa và bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Vai trò của các tổ chức trong công tác thi đua ở cơ sở chưa được phát huy mạnh mẽ, vẫn còn tình trạng ưu tiên khen thưởng dành cho lãnh đạo, quản lý, chưa quan tâm khen thưởng, động viên kịp thời đối tượng là người lao động sản xuất trực tiếp và nhân viên cấp dưới…Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chạy theo thành tích, chưa tạo được động lực và sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị.
Công tác khen thưởng cũng bộc lộ những bất cập cả về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục. Việc biểu dương khen thưởng chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, làm mất động lực phấn đấu vươn lên và tạo tâm lý mọi người không thực sự mặn mà với các phong trào thi đua. Một số biểu hiện thi đua thành ganh đua, bất chấp mọi mánh khóe để chạy theo thành tích, đạt được thành tích bằng mọi giá.
Một số quy phạm trong pháp luật thi đua, khen thưởng còn có quy phạm tùy nghi. Hiệu quả thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng gắn chặt với thực tiễn ở cơ quan, đơn vị… do đó mà phong trào thi đua và công tác khen thưởng cũng khác nhau và vô cùng đa dạng về cách thức thể hiện.
Để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực của sự phát triển cần:
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, tư tưởng Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác này. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của từng cơ quan, tổ chức; hằng năm cần chủ động phát động các phong trào thi đua ngay từ đầu năm với tinh thần hành động sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn năm trước.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, đều khắp. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác và tận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt dân chủ cơ sở, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước.
Tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông; tăng cường việc đề xuất, xây dựng, lựa chọn, nhân rộng điển hình tiên tiến và mô hình, cách làm hay, có thể xây dựng kế hoạch bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để nêu gương học tập.
Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời việc khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về thi đua, khen thưởng. Bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời trong việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng.
Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua để công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực chất.
Sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hôm nay, rất cần phải đẩy mạnh và phát triển phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực với chiều sâu, chiều rộng và những sắc thái mới. Những nội dung của thi đua khen thưởng cần được chú trọng, quan tâm, không ngừng hoàn thiện, để thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức./.
Kim Anh
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.189