Bài viết phân tích những nội dung cơ bản, ý nghĩa và giá trị to lớn của quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; qua đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và mãi mãi là nền tảng tư tưởng, phương châm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
VÌ CON NGƯỜI, TÔN TRỌNG VÀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI - BẢN CHẤT CỐT LÕI CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Vì con người, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là đặc điểm có tính bản chất, cốt lõi xuyên suốt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm kách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”1. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Người đã kế thừa và phát triển những giá trị về quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789 lên một tầm cao mới: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “dân là gốc” của các bậc vua sáng, tôi hiền trong lịch sử Việt Nam và những tư tưởng chính trị, pháp lý hiện đại về quyền con người, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ”. “Nhân dân” và “dân” được Người xác định là nội hàm rất rõ ràng, cụ thể: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác”2. Từ đó, Người xác định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”3.
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trong phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “…Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”4. Dù trong hoàn cảnh muôn ngàn khó khăn, Người vẫn cùng Đảng và Nhà nước ta quyết tâm tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, lập ra Quốc hội khóa I để thực hiện mục tiêu cao cả đó. Điều thứ 1 của Hiến pháp năm 1946 đã long trọng ghi nhận: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Ngay trong lúc phải tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người vẫn không quên nhắc nhở: “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, v.v... Có như thế dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết đánh giặc”5. Vì vậy, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải luôn nỗ lực, cố gắng để “…làm cho pháp luật dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.
Ý nghĩa cao cả và sâu sắc của quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là ở chỗ: quyền lực nhà nước phải thực sự thuộc về nhân dân; nhân dân vừa là đối tượng và mục đích mà nhà nước hướng tới để phục vụ, vừa là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70” (Điều thứ 21, Hiến pháp năm 1946). Khi đó, quyền con người không chỉ là quyền và tự do của cá nhân, mà có ý nghĩa rộng lớn hơn - đó là quyền lực Nhân dân, và quyền lực Nhân dân là cội nguồn, gốc rễ của quyền lực nhà nước. Nói Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là vì vậy, bởi chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì Nhân dân mới đích thực là cơ sở xã hội của Nhà nước.
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Một là, quyền con người gắn với quyền dân tộc tự quyết. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết, nâng tầm những tư tưởng tiến bộ về quyền con người trước đó lên thành một chân lý có ý nghĩa thời đại sâu sắc - đó là quyền con người phải gắn với quyền dân tộc tự quyết: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 21 năm sau (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mới ghi nhận: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết” (Điều 1). Như vậy, quan điểm quyền con người gắn với quyền dân tộc tự quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt trước rất nhiều so với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế khi đó.
Hai là, để bảo đảm trên thực tế các quyền và tự do cho Nhân dân thì Nhà nước phải là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người viết: một cuộc cách mạng thành công thì quyền phải “giao cho dân chúng số nhiều” và dân chúng phải “được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”. Trong tác phẩm “Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh”, Người đưa ra những dự kiến chính sách về quyền và tự do của con người, như: “Ban bố những quyền của dân: a) nhân quyền; b) tài quyền (quyền sở hữu); c) dân quyền (quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại, quyền bình đẳng dân tộc, nam nữ”...
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi giành được độc lập năm 1945, Chính phủ với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần xã hội được thành lập; bầu cử tự do trong toàn quốc được tiến hành, Hiến pháp năm 1946 được công bố, tất cả những nguyên tắc cơ bản, thiết chế của một nhà nước pháp quyền, một chế độ xã hội dân chủ được xác lập chỉ trong vòng một năm. Cho đến nay, những quy định của Hiến pháp năm 1946 về ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người vẫn còn nguyên giá trị.
Đối với việc quy định và tổ chức thực hiện pháp luật về quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, Người trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959; ký và công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản pháp luật khác. Người nhắc nhở cán bộ, công chức: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”; “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải làm quan cách mạng”.
Ba là, quyền con người đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhà nước phải giải quyết hài hòa mối quan hệ này, trước hết là mối quan hệ giữa quyền, lợi ích của cá nhân với lợi ích của Nhà nước và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định không có chế độ nào tôn trọng con người, ghi nhận và bảo đảm, bảo vệ lợi ích cá nhân bằng chế độ xã hội chủ nghĩa; lợi ích của cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể và phải phục tùng lợi ích của tập thể. Người yêu cầu Nhà nước phải bảo đảm cho nhân dân thực sự được hưởng hạnh phúc, tự do, bởi: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Ngay cả một vấn đề tưởng chừng rất phức tạp, nhạy cảm như quyền tự do tư tưởng cũng được Người giải thích rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện: chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý… (khi) đã tìm thấy chân lý lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Đây là một cách tiếp cận mới, tích cực và tiến bộ về quyền con người.
Bốn là, bảo đảm, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khi quan niệm phổ biến của cộng đồng quốc tế cho rằng bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là của hệ thống tòa án thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà của cả hệ thống chính trị. Do đó, Người đã sớm quan tâm tới việc xây dựng hệ thống các tổ chức của nhân dân (Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên…) để sao cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân đều có tổ chức của nhân dân cùng Đảng và Nhà nước chăm lo, bảo vệ.
Năm là, tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người của các dân tộc khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn duy trì và phát triển các quan hệ quốc tế bình đẳng với các dân tộc, kể cả với các nước đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuyên bố về chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời, Người nêu rõ: “Về chính sách đối ngoại: thân thiện với kiều dân ngoại quốc, nhất là Hoa kiều. Đối với Pháp, chỉ đánh bọn thực dân, còn đối với những kiều dân Pháp không làm hại gì cho nền độc lập của ta, ta sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của họ”. Ngay từ năm 1957 (hai thập niên trước khi Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hợp quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Nhà nước ký văn bản đề nghị gia nhập bốn công ước Giơnevơ về Luật Nhân đạo, đó là: Công ước về bảo vệ dân thường trong chiến tranh; Công ước về đối xử với tù binh trong chiến tranh; Công ước về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh hoặc bị đắm tàu thuộc các lực lượng vũ trang trên biển; Công ước về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên bộ.
Quan điểm về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là những cống hiến, đóng góp mang tầm vóc vượt thời đại và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn rất to lớn, sâu sắc. Từ quyền tự do, bình đẳng chỉ dành cho đàn ông da trắng trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Người đã phát triển thành quyền cho tất cả mọi người “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” và hơn nữa, trở thành quyền tự quyết của mọi quốc gia dân tộc “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Với sự kế thừa và phát triển ở tầm vượt gộp đó, thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp một điểm son ngời sáng trong lịch sử văn minh nhân loại và điều đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau. Điều quan trọng là giá trị này được chính cộng đồng quốc tế ghi nhận và khẳng định “Các dân tộc chối từ con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể nghiên cứu để tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình”6.
Với ý nghĩa và giá trị to lớn đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật nói chung; về quyền con người nói riêng, đã, đang và mãi là nền tảng tư tưởng, phương châm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam7. Đó là quan điểm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; là quan điểm về Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước với nhiệm vụ cao cả “Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”; là quan điểm về Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất với bộ máy trong sạch, liêm khiết để sao cho “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng... Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết” để “Sao cho được lòng dân”. Đó là quan điểm về hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì tốt hơn”.
Đó là quan điểm Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, có quyền kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”. Đó là quan điểm cán bộ, công chức nhà nước phải là tập hợp: “Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng…; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn…; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”...
Với ý nghĩa đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung, về quyền con người nói riêng vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: “…chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”8./.
TS. Trần Nghị
Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước
Hà An (st)
---------------------------
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, H. 2000, tr.270.
2. Sđd, tập 7, tr.219.
3, 4, 5. Sđd, tập 5, tr.698, tr.60, tr.227.
6. UNESCO - Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb KHXH, H. 1990, tr.43-44.
7. Lê Vĩnh Tân, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật - nền tảng tư tưởng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 5/2020.
8. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng (điện tử), ngày 16/5/2021.