Một số Huy hiệu Bác Hồ tặng các đồng chí của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu
Huy hiệu Bác Hồ là phần thưởng cao quý dành cho những người lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu cũng như trong phong trào “người tốt việc tốt”. Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời, được Người tặng Huy hiệu. Những tấm Huy hiệu đó có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên giáo dục các thế hệ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để người người nhà nhà không ngừng thi đua phấn đấu lập nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và lao động sản xuất.
Ý nghĩa những tấm Huy hiệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn”1; “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”2. Bởi vậy, Người nghĩ đến việc cần có những phần thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích các gương tốt ấy.
Vì thế, cuối năm 1959, Người xin phép Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho Người được đặt ra và trực tiếp tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Từ đó trở đi, mỗi khi đọc trên báo thấy có tấm gương “người tốt, việc tốt”, Bác liền cử cán bộ đi xác minh. Nhận thấy có thành tích xứng đáng, Bác trực tiếp trao tặng Huy hiệu Bác Hồ hoặc cử cán bộ thay mặt Bác đi tặng Huy hiệu của Bác kèm theo những lời chúc mừng, nhắn gửi sâu sắc nhất nhằm động viên tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực. Qua đây, nhân rộng ra trong toàn xã hội về những điển hình gương người tốt, việc tốt để mọi người học tập, làm theo, cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước.
Từ năm 1959-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho khoảng 5.000 người thông qua phong trào “Người tốt, việc tốt”. Đối tượng bao gồm đủ các thành phần, trong mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng: Sản xuất, chiến đấu, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, trên khắp mọi miền đất nước. Đó là các cháu thiếu nhi nêu gương thật thà, dũng cảm, học giỏi, giúp bạn vượt khó để học tốt; các cụ già vẫn hăng hái góp một phần sức lực còn lại của mình cho xã hội; các chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu; các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó còn là những phụ nữ dũng cảm, đảm đang; những đoàn viên, thanh niên xung kích trong công việc; những trí thức gương mẫu... và cả những kiều bào trở về Tổ quốc chung sức xây dựng nước nhà. Phần thưởng cao quý này của Bác là nguồn cổ vũ, động viên cho những tấm gương sáng trên các lĩnh vực tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho nhân dân.
“Huy hiệu Bác Hồ” được làm bằng kim loại, hình tròn, có viền màu vàng. Nổi bật ở giữa nền đỏ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía dưới có dòng chữ “HUY HIỆU BÁC HỒ”. Huy hiệu Bác Hồ có tất cả sáu kiểu, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước từ năm 1945 đến năm 1969. Qua từng thời kỳ, có những thay đổi về kiểu dáng, chất liệu và thiết kế với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chính giữa Huy hiệu. |
Theo Người, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Khi trao đổi ý kiến về việc thưởng Huy hiệu của mình, Bác nói: "Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng Huy hiệu"3.
Mặc dù trong hoàn cảnh ác liệt chống chiến tranh xâm lược, song việc sưu tập các bài báo người tốt, việc tốt và thưởng Huy hiệu của Người trong một thời gian dài đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Người thường xuyên động viên nhân dân lấy những gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau, thi đua với nhau; coi đó là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Đến khoảng giữa năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tập hợp lại những bài báo, xác minh thêm và biên tập rồi cho xuất bản thành sách để mọi người cùng học tập, noi theo.
Phần thưởng cho những cá nhân xuất sắc
Đối với mỗi người dân Việt Nam, sự kiện được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự lớn lao đặc biệt, tác động rất tích cực, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, khích lệ họ tu dưỡng đạo đức, bồi thụ năng lực làm việc, thi đua hành động cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập thể nữ “Vững tay cày, hay tay súng”
Đó là tiểu đội du kích gồm 10 cô gái ở thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh, Quảng Trị), được Bác Hồ tặng Huy hiệu năm 1966. Đó là một tập thể nữ “Vững tay cày, hay tay súng”, vừa hăng say sản xuất, vừa dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương. 10 cô gái Nam Phú ấy đã sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay địch. Ngày đêm bất chấp đạn bom ác liệt, các cô xông pha tải đạn, cứu thương, gùi lương thực, súng đạn, vũ khí tiếp tế cho bộ đội ở trận địa, rồi lại cõng, cáng bộ đội bị thương từ trận địa về các trạm xá, bệnh viện dã chiến để cứu chữa. Giặc tan rồi, các cô lại tay cày tay cấy, dệt thảm xanh trên tuyến lửa anh hùng.
Người đã bắt sống tướng Đờ Cát tại Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đó là chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, sinh ra và lớn lên ở xã Tiên Tiến, Phù Cừ, Hưng Yên. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay trong trận đánh đầu tiên bảo vệ công sự trận địa trước đồi Him Lam, ông đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, đẩy lùi được cuộc tiến công của địch. Sau khi đồi A1 bị đánh sập, đơn vị của Hoàng Đăng Vinh đảm nhận nhiệm vụ đánh điểm cao 507. Đại đội 360 đã xung phong chiếm lĩnh hoàn toàn điểm cao 507, sau đó đánh sang điểm cao 508, 509 dọc theo chiến hào tiến vào trung tâm.
Ông kể: “Khi chúng tôi vào hầm thì nhìn thấy hơn 20 tên sĩ quan Pháp nhốn nháo hết cả lên, co rúm lại, có tên chui vào gầm bàn. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh bằng tiếng Pháp, tất cả bọn chúng đều bỏ vũ khí và giơ tay đầu hàng, riêng tướng Đờ Cát vẫn ngồi im. Thấy thế, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh cho tôi vào bắt tướng Đờ Cát phải đầu hàng. Toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau đó bị dẫn giải về đồi E, nơi Trung đoàn 209 đặt sở chỉ huy và giao cho cấp trên”.
Với những chiến công xuất sắc trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/5/1954, Hoàng Đăng Vinh là một trong những đại biểu vinh dự được chúc mừng sinh nhật Bác, được Bác tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trực tiếp gắn Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên. Sau đó được về Thủ đô báo cáo thành tích và được chính Người tặng Huy hiệu khi mới 19 tuổi.
Người xích lô thật thà
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm nêu gương người tốt, việc tốt vì theo Người “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Chiếc Huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho người đạp xích lô Nguyễn Văn Thảo vào năm 1958 là minh chứng sinh động nhất cho suy nghĩ của Người.
Ông là Nguyễn Văn Thảo sinh năm 1908 làm nghề chở xích lô. Năm 1958, trong một lần chở khách, ông nhặt được một bọc lớn của khách để quên trên xe mình. Ông đã tìm vị khách đó để trả lại nhưng không thấy nên đã mang vào đồn công an nhờ trả lại cho người mất. Trong lúc ông đang bàn giao thì vị khách đó cũng tìm đến đồn công an để trình báo. Nhìn thấy ông Thảo, vị khách mừng rỡ ôm chầm lấy ông để cảm ơn. Ít ngày sau ông Thảo nhận được giấy mời của Ủy ban Hành chính khu Đống Đa lên dự lễ trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Nhận được Huy hiệu mang hình ảnh Bác, ông Thảo vô cùng cảm động và đã nâng niu, gìn giữ suốt 32 năm. Ngày 19/5/1990, ông Nguyễn Văn Thảo đã tặng lại kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để nhiều người được chiêm ngưỡng, biết đến.
Chuyện ông Nguyễn Văn Thảo quyết định tặng lại chiếc Huy hiệu cho Bảo tàng cũng rất cảm động. Khi cha được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, con trai ông Nguyễn Văn Thảo là Nguyễn Văn Thao nhìn chiếc Huy hiệu in hình Bác trên tay cha, đã cảm nhận được rằng đó không chỉ là niềm vinh dự của cha mình mà còn là niềm vui chung của toàn thể gia đình. Sau này, ông cũng hăng hái đi thanh niên xung phong ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, rồi lại trở về Hà Nội tích cực tham gia công tác đường phố (dân phòng, bảo vệ, tuyên truyền viên...). Năm 1990, gia đình ông Thao đã tặng lại chiếc Huy hiệu Bác Hồ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để được gìn giữ, bảo quản và trưng bày cho nhân dân Việt Nam và thế giới biết được câu chuyện về nguồn gốc của chiếc Huy hiệu Bác Hồ.
Đến người lính anh hùng
Huy hiệu Bác Hồ được Người trao cho từ anh hùng, đến em nhỏ, người lao động, mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai tầng xã hội. Anh hùng Phạm Tuân nhớ lại, lần đầu tiên được nhận huy hiệu mang tên Bác khi ông bắn rơi máy bay B52 vào năm 1972. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay vào vũ trụ, Anh hùng Phạm Tuân một lần nữa được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Chiếc huy hiệu sau hơn 40 năm vẫn luôn được treo trang trọng trên ngực áo của người anh hùng. Ông bộc bạch: Mỗi phi công được đeo huy hiệu của Bác, thấy tự hào lắm, mình là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, người phi công chiến đấu, từng bắn rơi máy bay Mỹ và được đeo Huy hiệu Bác Hồ. Vinh dự càng cao quý bao nhiêu thì mình càng phải giữ gìn, phấn đấu, cố gắng học tập theo lời dạy của Bác, thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình với Tổ quốc, với đất nước.
Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, quê ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình là người vinh dự được 3 lần gặp Bác và được Người tặng Huy hiệu Bác Hồ năm 1967. Dù đã đi qua nửa thế kỷ chiếc huy hiệu vẫn được bà cất giữ cẩn thận như một báu vật trong cuộc đời mình để mỗi khi nhớ lại tuổi thanh xuân và đặc biệt là nhớ lại hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu bà lại mở ra ngắm nhìn một cách trân trọng.
Anh hùng phi công - Đại tá Nguyễn Văn Bảy vinh dự được tặng 7 chiếc Huy hiệu Bác Hồ trong những lần lập chiến công trên bầu trời xanh với không lực Hoa Kỳ. Cũng như nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, nhắc đến Bác Hồ, Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể trong niềm xúc động: “Đó là buổi chiều cuối năm 1966, sau Đại hội anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc tôi cùng 37 chiến sĩ phi công có thành tích xuất sắc được vinh dự vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Sau một hồi hỏi thăm tình hình từng người, Bác tươi cười hỏi: “Chú nào bắn rơi 4 máy bay Mỹ trở lên?”. Nghe xong đồng chí Đặng Tính là Chính ủy quân chủng Phòng không Không quân báo cáo, đột nhiên Bác đề nghị: “Chú Mẫn, chú Bảy, chú Trung đâu, đứng lên cho Bác biết?”. Nghe vậy, tôi cùng đồng đội sung sướng đứng dậy còn Bác thì tỏ ra rất hài lòng”. Đối với ông Bảy và các phi công sau đại hội này nhiều anh em như được tiếp thêm động lực, tinh thần chiến đấu, lập thêm nhiều thành tích xuất sắc.
Không thể kể hết những anh hùng dũng sĩ được Bác trao tặng huy hiệu như Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, Phạm Duy Chúc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh, Ngô Thị Tuyển, La Thị Tám. Được gặp Hồ Chủ tịch và được Người tặng Huy hiệu Bác Hồ có thêm nguồn động viên tinh thần lớn lao vượt qua mọi khó khăn để làm nên những chiến tích phi thường mà cả thế giới ngưỡng mộ. Cho đến nay dù hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn ra đi, những bài học về giáo dục con người đặc biệt là bài học về tinh thần động viên và khích lệ mỗi công dân hãy phát huy năng lực của mình để có nhiều cống hiến có ích cho xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhất là khi cả nước đang dấy lên cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Có thể nói, Huy hiệu Bác Hồ là nguồn cảm xúc thấm đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi lĩnh vực đời sống ở thời kỳ chống Mỹ và âm vang tới tận hôm nay. Nó có ý nghĩa động viên to lớn. Thời nào, địa phương nào, ngành nào, giới nào hoặc lứa tuổi nào cũng đều có tấm gương tốt. Việc tạo dựng được tinh thần hy sinh quên mình vì những công việc chung như vậy có tác dụng rất lớn xây dựng ý thức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm vươn lên, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Và những tấm Huy hiệu Bác Hồ lại tiếp tục sứ mệnh tiếp lửa yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.548)
2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.558.