Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công huyền thoại, mà còn thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sáng tạo phương thức chi viện mới

Những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức, biên chế. Điển hình là, tháng 02/1961, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam thống nhất thành “Quân giải phóng miền Nam”. Quy mô, hình thức đấu tranh cũng có sự phát triển vượt bậc, từ đấu tranh chính trị chuyển sang vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang, phát triển cuộc khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn Miền, nhằm sớm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Yêu cầu đặt ra đối với cách mạng miền Nam lúc này là sức người, sức của, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, chuyên gia quân sự; vũ khí, trang bị, vật tư thiết bị y tế, v.v.

Để kịp thời chi viện đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các mặt trận trên chiến trường miền Nam, hướng đột phá là Nam Bộ và các địa bàn ven biển miền Nam, nơi tuyến đường vận tải chiến lược xuyên dãy Trường Sơn chưa đủ khả năng vươn tới; trên cơ sở rút kinh nghiệm chuyến vận chuyển đầu tiên không thành công của Tiểu đoàn 603 - “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” và kết quả những đội thuyền từ Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa vượt biển thành công ra Bắc; thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược theo đường biển chi viện cách mạng miền Nam. Cuối năm 1961, Đề án công tác Đoàn được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua. Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Đêm 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vượt biển vào Cà Mau. Ngày 19/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng, 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc được chiến trường miền Nam tiếp nhận an toàn.

Sự ra đời của Đoàn 759 là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới về hoạt động vận tải quân sự Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Cũng như tuyến vận tải trên bộ, tuyến vận tải trên biển trở thành huyết mạch vận tải bằng đường thủy - một phương thức chi viện mới, hiệu quả, thể hiện tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng. Từ đây cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 - Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân1 cùng những con tàu không số đã lập nên kỳ tích anh hùng - Đường Hồ Chí Minh trên Biển.

Nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn

Hậu phương và tiền tuyến trong cuộc chiến tranh luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tiền tuyến không thể giành thắng lợi, nếu không có hậu phương vững mạnh. Nhận rõ vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khoá II) nhấn mạnh: “Hậu phương vững chắc là nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định thắng lợi của kháng chiến”. Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng đã khẳng định “Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam”. Thực hiện chủ trương đó, miền Bắc tập trung đẩy mạnh thực hiện đường lối chiến lược tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược đều dấy lên các phong trào thi đua với khí thế sôi nổi, hăng say lao động, sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng ngày càng mạnh mẽ, thực sự trở thành hậu phương lớn vững chắc chi viện hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh giặc.

duong hcm net dac sac
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu không số tại Cảng Bính Đông
(Hải Phòng). Ảnh: Tư liệu

Thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, Đoàn 759 với các con tàu không số đẩy mạnh công tác vận tải trên biển. Từ năm 1961 đến năm 1973 “tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam”2; trong đó, đã đưa đón hàng trăm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các chuyên gia quân sự vào Nam, ra Bắc, kịp thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Thành công của vận chuyển trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân rộng khắp; xây dựng và phát triển khối bộ đội chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; từng bước chuyển hóa thế trận, thay đổi tương quan lực lượng ngày càng có lợi cho ta, làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân, dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã, v.v. Đặc biệt, cùng với quyết tâm của cả nước dồn sức cho trận quyết chiến, chiến lược giải phóng miền Nam, từ ngày 20/3 đến cuối tháng 4/1975, Lữ đoàn 125 đã thần tốc “thực hiện 143 lần chuyến, chở 8.721 tấn vũ khí, hàng quân sự, gần 40 xe tăng, xe cơ giới; đưa 14.745 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu và 2.916 đồng bào từ miền Bắc vào các vùng mới giải phóng”3 - yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Phát huy sức mạnh trong nước kết hợp với sức mạnh quốc tế

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn 759 luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trên biển. Đó không chỉ là sự khắc nghiệt của thời tiết và những thách thức khó lường của thiên nhiên, mà còn là sự đối đầu trực diện với lực lượng Hải quân Mỹ, ngụy mạnh hơn ta nhiều lần cả về quân số, vũ khí, trang bị và công nghệ hiện đại. Có thời điểm, Mỹ đã huy động đến 40% lực lượng của Hạm đội 7, cùng toàn bộ Hải quân ngụy thiết lập hệ thống tuần tiễu “chống xâm nhập” để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các chuyến vận tải trên biển từ miền Bắc vào miền Nam. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, nghệ thuật kết hợp sức mạnh trong nước (là chủ yếu) với sức mạnh quốc tế tiếp tục được phát triển ở trình độ cao, bảo đảm cho hàng trăm lượt chuyến tàu không số nối tiếp nhau ra khơi, vượt qua mọi nguy nan, thử thách, xuyên thủng hệ thống phòng tuyến nghiêm ngặt của địch, cập bến an toàn, viết nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Sức mạnh trong nước được thể hiện trước hết là quá trình chuẩn bị rất công phu, bài bản của Bộ Tổng Tư lệnh, từ việc xây dựng Đề án tổ chức lực lượng vận tải trên biển; nghiên cứu, đánh giá, nhận định tình hình hoạt động của địch và đặc điểm thời tiết trên biển; thực hành trinh sát, xác định hải trình vận chuyển, kế hoạch và phương án tiếp nhận, bốc dỡ hàng hóa đến việc tuyển chọn cán bộ, thủy thủ Đoàn thực sự là những người ưu tú về bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tinh thần quả cảm, kiên cường, có sức khỏe tốt và trình độ nghiệp vụ tinh thông, thông thạo nghề biển, khéo nghi binh, nghi trang và giỏi tác chiến độc lập. Đó còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tổng Tư lệnh (đơn vị chủ trì) với các bộ, ngành liên quan, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương nghiệp, Tổng cục Thủy sản về bảo đảm tàu thuyền, nhân lực, vật tư; với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình chủ động bến bãi ra khơi; với các tỉnh ven biển miền Trung, Nam Bộ bí mật chuẩn bị bến bãi tiếp nhận, bốc dỡ hàng hóa. Song trên tất cả, đó là lòng gan dạ, tài năng và trí thông minh của cán bộ, thủy thủ trên các con tàu không số trong việc nắm tình hình, xử lý linh hoạt các tình huống; chủ động, sáng tạo về phương thức vận chuyển hiệu quả: cơ động tàu thuyền lúc biển gần, khi biển xa, hoạt động lúc hợp pháp, khi bất hợp pháp; thể hiện tài năng điều khiển tàu, thuyền trong mọi điều kiện, địa hình để giữ bí mật, thậm chí táo bạo, đi xuyên giữa lớp lớp tàu, thuyền địch - nơi mạnh nhất, lợi dụng những sơ hở của địch để bất ngờ thọc sâu vào bến nhanh chóng, an toàn. Cùng với phát huy sức mạnh trong nước, ta còn tranh thủ sự quan tâm dành cho Việt Nam cả về vật chất và tinh thần của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung quốc. Đó là sự viện trợ không hoàn lại về vật chất của Liên Xô; sự giúp đỡ chí tình của Đảng, chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Trung Quốc đã lựa chọn và dành cho Việt Nam một số cảng biển thuận lợi để tiếp nhận hàng hóa và ra khơi; khi tàu, thuyền ta bị nạn, thủy thủ bị thương, đau ốm được bạn cấp cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa kịp thời. Để khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm được bốc xếp lên tàu hỏa, xuống cảng biển; lên tàu, thuyền của Đoàn 759 vận chuyển vào Nam đảm bảo bí mật, an toàn. Đảng, Nhà nước Liên Xô cũng như Trung Quốc đã huy động hàng nghìn lượt nhân công, gồm những công dân ưu tú, nhiệt huyết cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản tham gia giúp đỡ Việt Nam. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho tàu thuyền ta quá cảnh qua cảng biển của một số nước trong khu vực theo hải trình vận chuyển cũng góp phần quan trọng vào thành công của các chuyến tàu.

Như vậy, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế tạo sức mạnh tổng hợp - chất liệu cơ bản nhất để vận hành các con tàu không số vượt trùng khơi, chi viện trực tiếp sức người, sức của cho các chiến trường xa nhất, khó khăn nhất trước sự kinh ngạc và bất lực của kẻ thù. Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “… Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển”4. Sau này, khi tìm hiểu về Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhiều học giả trên thế giới, những tướng lĩnh nước ngoài và cả những khách đến Việt Nam đều tỏ rõ sự khâm phục trước những kỳ tích mà tuyến vận tải biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển đạt được.

Năm tháng sẽ đi qua, song những kỳ tích anh hùng Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là minh chứng sống động, khẳng định sự sáng tạo, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng. Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. Nguyễn Văn Biên,
Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)

__________________

1. Tháng 8/1963, Đoàn 759 chuyển trực thuộc Quân chủng Hải quân; 29/01/1964, đổi phiên hiệu thành Đoàn 125.
2. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 402.
3. Quân chủng Hải quân - Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011), Nxb QĐND, H. 2011, tr. 343.
4. Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (1961-2001), Nxb QĐND, H. 2001, tr. 206

Bài viết khác: