Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, “đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ”1. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình, lo lắng. Thực trạng đó, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển của đất nước.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Tư tưởng chính trị là toàn bộ quá trình nhận thức tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên đối với đường lối chính trị của Đảng. Tư tưởng chính trị bao gồm các mức độ nhận thức từ kiên định, không kiên định, dao động đến suy thoái. Trong đó, suy thoái về tư tưởng chính trị là tình trạng suy yếu có tính chất kéo dài về lập trường quan điểm, lý tưởng cách mạng, mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên; làm cho cán bộ, đảng viên có biểu hiện lệch lạc, xa rời mục tiêu mà Đảng và nhân dân lựa chọn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy, biểu hiện đầu tiên của suy thoái về tư tưởng chính trị chính là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng. Theo Người: “Nếu chỉ có công tác thực tế, mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên tốt. Như thế, chỉ là người sự vụ chủ nghĩa tầm thường”2. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ, bàng quan trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”3.
Phai nhạt lý tưởng cách mạng trong quan điểm của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc coi thường lý luận, lười học tập lý luận, dẫn đến “mù chính trị”: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”4. Người yêu cầu: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình”5.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị còn được Người chỉ ra trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình. Đó là những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyến điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật; trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thậm chí còn che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, lừa dối cấp trên, dấu giếm đoàn thể. Người cũng chỉ ra nhiều biểu hiện lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên được xác định là cần, kiệm, liêm, chính, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đây là chuẩn mực thể hiện lương tâm, danh dự và nhân cách, tư cách của người cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn nhiều về suy thoái đạo đức, lối sống. Người đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, cơ hội, không quan tâm đến tập thể, không muốn người khác hơn mình. Người chỉ rõ đó là các căn bệnh “óc hẹp hòi”, bệnh tham lam, bệnh háo danh, phô trương, thổi phồng thành tích, thích được đề cao, ca ngợi, bệnh kiêu ngạo… Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vào vấn đề chủ nghĩa cá nhân. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô; là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tha hoá Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính.
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, trong giáo dục đạo đức lại đề cao giáo dục ý thức tự trọng, giáo dục phẩm giá, danh dự, liêm sỉ để mỗi người cán bộ, đảng viên biết tự bảo vệ mình bằng đạo đức, lối sống, tự tẩy rửa những thói hư hỏng, mục nát, xa lạ với quần chúng nhân dân, với cách mạng.
2. Sự phát triển nhận thức của Đảng trong phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đạt tốc độ tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức lớn cần phải vượt qua. Hơn lúc nào hết, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta. Trong quá trình đó, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên luôn được coi là một trong những trọng tâm.
Ngày 16-11-2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết nêu rõ: “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”6.
Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”7. Những nhận định trên cũng chính là những thay đổi quan trọng về nhận thức và phương châm hành động của Đảng trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua.
Ngày 30-10-2016, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách của Đảng ta là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”8.
Kế thừa tinh thần từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Đại hội XIII với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta tiếp tục chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đó là sự hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thậm chí nghiêm trọng hơn là tình trạng dao động, mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, Đại hội XIII nhận định: đó là tình trạng thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quy định nêu gương... Những tình trạng trên đã làm tổn thương tình cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Sự xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một vấn đề phức tạp mà nguyên nhân sâu xa, chủ yếu bắt nguồn từ thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã có tinh thần khách quan, thẳng thắn khi nhìn nhận, đánh giá những biểu hiện suy thoái. Điều đó lý giải tại sao trong những năm gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được đặc biệt coi trọng và được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, để Đảng ta xứng đáng là “đạo đức”, là “văn minh” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Đỗ Thị Mỹ Dung
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1.,ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.191-192.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.
2, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, sđd, tr.303, 298.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, sđd, tr.117.
6. ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Hà Nội, 2012.
7. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.22.
8. ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII: Nghị quyết Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Hà Nội, 2016.