Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam (Ảnh tư liệu)
Cách đây 60 năm, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân có nhiệm vụ mở con đường vận tải chiến lược trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ đây, Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của quân và dân ta - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sự ra đời Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại
Để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.
Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.
Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, Đề án công tác của Đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Những chiến công thầm lặng
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”, một “kì tích” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương của của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Đêm ngày 10/4/1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam; đến 10 giờ đêm ngày 18/4/1962 cập vào Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau). Nghiên cứu, khảo sát bến xong, thuyền Bạc Liêu tiếp tục quay trở ra miền Bắc; chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công.
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn.
Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm chính trị viên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Nhờ tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi, những chuyến đi của Đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ được bí mật. Chỉ trong 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường, đạt hệ số vận chuyển cao.
Phát huy kết quả vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 mở bến đón tàu. Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một tàu chở vũ khí đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa. Đêm 26/9/1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh là Chính trị viên tàu cùng 11 thuỷ thủ, chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng) đã mở bến vào Bà Rịa thành công, chi viện vũ khí kịp thời cho Khu 7.
Tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Cục Hải quân. Ngày 29/01/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ năm 1962 - 1964, Đoàn 125 đã huy động 17 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ gỗ, tổ chức 79 chuyến vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam. Tàu của Đoàn đã cập bến Bạc Liêu (Cà Mau) 43 lần, Bến Tre 17 lần, Trà Vinh 14 lần, Bà Rịa 2 lần, Phú Yên 2 lần, Bình Định 1 lần. Số vũ khí đã đến chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Khu 7 đúng lúc, trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.
Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, từ ngày 23 đến ngày 27/02/1968, Bộ Tư lệnh Hải quân sử dụng 4 tàu: 165, 56, 54 và 235 lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường và làm phân tán sự đối phó của địch. Kết thúc giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt, từ tháng 10/1965 đến tháng 3/1968, Đoàn 125 đã tổ chức 37 chuyến vận chuyển, trong đó có 17 chuyến thành công, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường.
Trước thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và tổn thất nặng nề trên chiến trường miền Nam, ngày 31/3/1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 tham gia “Chiến dịch Vận chuyển VT5” (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Sông Gianh - Quảng Bình) và từ đây sẽ được các lực lượng vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ. Với phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, từ ngày 03/11/1968 đến ngày 29/01/1969, vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, Đoàn 125 đã huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.
Ngày 27/7/1971, Quân khu 9 thành lập đoàn vận tải S950, đến năm 1972 đổi tên là Đoàn 371. Từ năm 1971 đến năm 1972, Đoàn đã tổ chức 37 chuyến đi, vận chuyển được 620 tấn vũ khí vào chiến trường Khu 9 an toàn.
Từ tháng 10/1971 đến tháng 4/1972, Đoàn 125 tổ chức liên tục 20 chuyến, nhưng chỉ có một chuyến tàu tới đích. Kết quả tuy hạn chế, nhưng đã góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của “phương thức vận tải công khai” trong giai đoạn sau.
Với tinh thần trách nhiệm cao, trong 2 năm 1973 và 1974, Đoàn đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn.
Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch. Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”. Trong tháng 3,4/1975, Đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 04/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu: Tàu 673, 674, 675, hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chở Đoàn 126 Bộ đội Đặc công Hải quân và một bộ phận của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 ra giải phóng đảo. Từ ngày 14-29/4/1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.
Có được thành tích và chiến công trên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh. Nhất là sau sự cố của Tàu 143 ở Vũng Rô (tháng 2-1965), con đường vận chuyển bí mật trên biển bị địch phát hiện và dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, buộc chúng ta phải thay đổi phương thức vận chuyển... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo để Đoàn 125 thay đổi phương thức chuyển mới: Cho các tàu xuất phát từ nhiều bến (kể cả ở nước ngoài); đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau; đi vòng ra biển xa thuộc hải phận quốc tế; tàu trả hàng ở nhiều bến mới... Mặc dù địch tập trung mọi phương tiện, trang bị trinh sát hiện đại để ngăn chặn, phong tỏa, trong khi phương tiện vận chuyển của ta có tải trọng khiêm tốn, thô sơ, nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ (1961-1975), tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển đã huy động hàng nghìn lượt tàu, thuyền; vận chuyển gần 110 nghìn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, gần 18 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam; đưa đón nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội vào chỉ đạo cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ghi nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của Đoàn tàu Không số, Đảng, Nhà nước đã hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam-sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc; phương pháp vận chuyển “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời đã góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài... Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã góp phần làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Bối cảnh bấy giờ, nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.
Đây là biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện lấy sức mình là chính. Bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, hành trang - vũ khí sắc bén của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chính là niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn.
Giang Hải (tổng hợp)