Chúng ta đang sống những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình, khi phải đương đầu với một thử thách cam go của lịch sử, chiến đấu với một kẻ thù hiểm ác mà vô hình có mặt khắp nơi, đang từng giờ, từng phút cướp đi những người thân yêu nhất; cướp đi cuộc sống bình thường nhất của chúng ta!
Chúng ta từng nghe nói đến đại hồng thủy thời tiền sử; đến trận dịch hạch nửa đầu thế kỷ XIV do vi khuẩn yerinia pestis gây ra ở cả châu Âu và châu Á làm cho dân số thế giới giảm tới gần 100 triệu người. Bệnh đậu mùa do virus variola vào năm 1520 đã gần như quét sạch châu Mỹ: Từ 100 triệu chỉ sống sót chưa đầy 10 triệu người!
Ở Việt Nam, Đại Nam thực lục chép: Năm 1820 (Minh Mệnh năm thứ nhất), dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường; sau đó lan dần ra phía bắc đến Bắc Thành. Theo báo cáo của Bộ Hộ, bệnh dịch phát ra từ mùa thu sang mùa đông, tổng cộng 206.835 người chết.
Và bây giờ là lúc hồng thủy. Chưa từng có bệnh dịch nào rộng khắp, và hiểm nguy như Covid-19.
Nhưng cũng chưa bao giờ, cả nước, cả thế giới chủ động, đoàn kết đứng lên chống dịch, ngăn chặn sự hoành hành của nó như bây giờ.
Các chính phủ đã nhận ra một điều: các quốc gia ngày nay không thể đứng riêng rẽ. Lợi ích một dân tộc chỉ được bảo đảm khi đặt trong quan hệ lợi ích của một cộng đồng lớn hơn và của toàn nhân loại. Sự thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia ngày nay, từ chia sẻ thông tin, công nghệ; từ tinh thần đến vật chất đã dệt nên tấm chăn ấm áp của tình nhân ái; dệt nên tấm lưới chắc bền đẩy lùi sự xâm nhập của đại dịch. Sự hợp tác quốc tế ấy, Việt Nam có những đóng góp tích cực. Và một lần nữa, như các cuộc kháng chiến trước đây, Việt Nam nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới.
Có thể nói, kể từ đầu năm 2020, dân tộc ta lại bước vào một cuộc chiến mới.
Dân ca Nghệ Tĩnh có câu: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Khi Tổ quốc lâm nguy, ta mới hiểu hơn chính mình, mới thấy Việt Nam là một kỳ diệu vô cùng; khiến ta ngỡ ngàng vì chính mình, khiến ta là ta mà mãi cứ yêu ta!
Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX là lịch sử đấu tranh giành độc lập, lịch sử của những cuộc chiến tranh không chỉ giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm mà còn góp phần giải phóng nhân loại khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, lịch sử chiến thắng của phẩm giá con người.
Đó cũng là thời kỳ mà lịch sử dân tộc gắn với lịch sử Đảng quang vinh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mác-xít mang tư tưởng tiên tiến của thời đại, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mang nặng lòng yêu nước, thương dân, người kết tinh những giá trị văn hóa Việt Nam và thời đại, nhân dân ta đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, vừa đánh đuổi quân xâm lược; lật đổ chế độ phong kiến; đưa nước ta từ một nước nô lệ, dân nô lệ, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu; bước thẳng vào thế giới hiện đại bằng nền dân chủ nhân dân mà các nước khác phải trải qua hàng trăm năm.
Cách mạng Tháng Tám không có nhiều sự đổ máu, vì ta biết chớp lấy thời cơ; vì tinh thần hòa hợp và nhân nghĩa; vì chung khát vọng; không phải chỉ là cuộc cách mạng của công nông mà là cuộc cách mạng của toàn dân tộc, trong đó có cả vua quan chế độ cũ. Câu nói của Bảo Đại “làm dân một nước độc lập, hơn làm vua một nước nô lệ”; Thượng thư Bùi Bằng Đoàn hồ hởi với cách mạng mùa thu Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu; nhiều tri huyện, tuần phủ, tổng đốc tình nguyện giao lại chính quyền cho nhân dân đã nói lên điều đó.
Lòng yêu nước, vì nước, tinh thần đại nghĩa là một truyền thống của dân tộc, một bản chất của con người Việt Nam, trừ bọn việt gian bán nước. Yêu nước, thương người, chuộng nghĩa khí, kết đoàn là những điều được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và chính nó làm cho đất nước trường tồn, dân tộc luôn chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh, mọi thử thách lịch sử.
Sức mạnh ấy của dân tộc càng tăng lên từ khi có Đảng, mà chúng ta thường gọi một cách kính ngưỡng, thân yêu là Đảng của Bác Hồ. Đảng ấy chỉ phấn đấu hy sinh vì lợi ích của dân, của nước, nguyện làm người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng đã tập hợp trong mình những người con ưu tú của dân tộc, tập hợp được những hiền tài để vạch đường đi cho dân tộc.
Đảng đã đề ra đường lối cách mạng trong cương lĩnh và có những quyết sách sáng suốt cho từng thời kỳ. Nghị quyết T.Ư 8 năm 1941 là một sự chuyển hướng, một quyết sách đem lại thành công cho Cách mạng Tháng Tám. Nghị quyết T.Ư 15 năm 1959 đã soi sáng công cuộc giải phóng miền nam.
Ở một phạm vi nhỏ hơn, như Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (13/1/1981) không chỉ tạo ra một chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, gắn tư liệu sản xuất với người lao động; mà còn mở đầu cho cuộc cách mạng quản lý...
Cuối năm 2019, khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã có những chuẩn bị chủ động phòng dịch. Và ngay khi dịch mới lây lan sang nước ta, ngày 29/1/2020, Ban Bí thư đã có Công văn chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả nước; người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch.
Chính phủ, Quốc hội, toàn bộ hệ thống chính trị đã có những chủ trương, chính sách kiên quyết, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Với tinh thần cả nước chống dịch như chống giặc, mỗi người dân là một “chiến sĩ”; mỗi phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố, mỗi gia đình là một “pháo đài” đã hình thành thế trận vững chắc từ trên xuống dưới, khóa chặt từng ổ dịch, bảo đảm đời sống nhân dân.
Với tấm lòng luôn đau đáu vì dân, vì nước, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước không chỉ thường xuyên chủ trì các cuộc họp mà còn lăn xả thị sát tại tâm dịch chỉ đạo sát sao, động viên, khích lệ lực lượng tuyến đầu chống dịch, kêu gọi người dân chung sức đồng lòng và chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót, để đất nước sớm trở về trạng thái bình thường mới.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đông đảo cùng lực lượng vũ trang, dân phòng, tình nguyện viên... với tinh thần vì nhân dân quên mình, không quản ngại hy sinh, trở thành lũy thép ngăn chặn đại dịch, bảo vệ cuộc sống nhân dân. Hàng nghìn, hàng triệu gương sáng như “Bác sĩ 91” Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từng cứu sống bệnh nhân phi công người Anh (BN91), từng có mặt tại nhiều điểm nóng chống dịch của cả nước rồi TP Hồ Chí Minh trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”, nhưng bầu nhiệt huyết vẫn sục sôi. Bác sĩ Vũ Thị Thanh Phương, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiên phong nhận nhiệm vụ điều trị trong khu cách ly tại bệnh viện.
Câu nói “Chúng ta khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, trên ngực trái là biểu tượng của bông hoa hướng dương, là biết bao tâm huyết, kỳ vọng của các thế hệ đi trước đã gửi gắm lại. Vậy thì, đây chính là lúc để chúng ta hãy sống và làm việc như những đóa hoa luôn hướng về ánh nắng mặt trời, hướng về những điều tốt đẹp đang chờ ta phía trước” đã truyền cảm hứng và lan tỏa sức mạnh tinh thần cho đồng nghiệp, mọi người. Những bông hoa như vậy đang nở rộ khắp mọi miền, trên tất cả các mặt trận.
Chính sách ngoại giao vaccine được thực hiện quyết liệt, bài bản, hiệu quả, tranh thủ các mối quan hệ song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân, với hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiếp nhận và số lượng lớn vaccine các nước cam kết viện trợ, chia sẻ. Và không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ sản xuất lâu dài.
Thành quả trong cuộc chiến chống dịch một lần nữa cho thấy sự ưu việt của chế độ, cho thấy sức mạnh vô địch của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trời thu nước Việt vẫn trong xanh như thuở khai sinh. Tháng Tám mùa thu xanh thắm... Mây của ta, trời thắm của ta. Lúc này ta lại nghe vang lời Bác, trên dưới đồng lòng, kết thành một ngọn triều lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả mọi kẻ thù, dù thiên tai hay địch họa...
Nguyễn Sĩ Đại
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)