Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:

"Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm".

Như vậy, ngoài phẩm chất và năng lực, để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thu được những kết quả tích cực hơn nữa thì đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu còn phải thực sự có uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

ut tin nguoi dung dau
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Người xưa có câu: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", ý nói cấp trên mà không gương mẫu, ngay thẳng, chính trực thì sẽ không có uy tín, không thể làm gương và cấp dưới cũng sẽ dễ hư hỏng, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Người đứng đầu có uy tín là người gương mẫu về mọi mặt, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn và năng lực tổ chức tốt... Uy tín của người đứng đầu có ảnh hưởng lớn, tạo sự tin tưởng, cảm phục đối với mỗi cán bộ, nhân viên và cả tập thể cơ quan, đơn vị; là nhân tố quan trọng tập hợp sức mạnh tập thể để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn, đó là "mệnh lệnh không lời" trong công tác giáo dục, thuyết phục, góp phần hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn, tạo ra bầu không khí lành mạnh, đoàn kết trong tập thể. Ngược lại, người đứng đầu không có uy tín thường nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, chỉ lo vun vén cho bản thân hay phe nhóm của mình... Những người như thế khi nói không thuyết phục; khi lãnh đạo, điều hành không hiệu quả và tất nhiên, cơ quan, tổ chức vì thế mà lục đục, mất đoàn kết, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất cần người đứng đầu phải thật sự có uy tín. Để tạo được uy tín, không có cách nào khác, tự thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nỗ lực, gương mẫu rèn luyện trong công việc cũng như cuộc sống; tài luôn đi đôi với đức, tầm gắn liền với tâm. Phải luôn đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn khiêm tốn, chân thành và biết lắng nghe, cầu thị; thường xuyên, nghiêm túc trong thực hiện tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực... Ngay cả khi đã có uy tín lớn, người đứng đầu cũng phải luôn coi trọng việc không ngừng củng cố, giữ gìn. Tuyệt đối không tạo uy tín giả tạo bằng cách lạm dụng quyền lực được trao, mượn “ô dù” cấp trên để đe cấp dưới; mải mê với thành tích trong quá khứ và tự cho mình quyền “bất khả xâm phạm”..../.

Nguyễn Đức Tuấn

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: