Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một sự nghiệp cách mạng vô cùng vẻ vang và qua cuộc đời gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ của Người, chúng ta còn được thừa hưởng một di sản cực kỳ quý báu: đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất trong tâm hồn,ý chí, nhân cách Việt Nam.
Tháng 10 năm 1954, khi cuộc kháng chiến trướng kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Người đã ở và làm việc tại khu vực Phủ Chủ tịch trong suốt 15 năm cuối đời - một khoảng thời gian khá dài trong sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu và là giai đoạn có ý nghĩa vô cùng quyết định đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau 4 năm ở tạm trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, cách đây vừa tròn 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ngôi nhà sàn bằng gỗ, tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ngôi nhà sàn đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh - một danh nhân văn hoá. Nhà sàn được dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ giữa những vườn cây xanh tươi. Quanh nhà sàn trồng rất nhiều loại hoa: nhai, ngâu, dạ lan, hồng, mẫu đơn.... , cây ăn quả: cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa...,đan xen với cây bóng mát: xà cừ,trường xanh, bụt mọc, sến cát... Hàng rào dâm bụt phía trước ngôi nhà gợi nhớ tới cảnh làng quê Việt Nam và nơi Người đã sống những ngày thơ ấu.Nhà sàn gọn ghẽ, mộc mạc bình di. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng hơn 10m2 với những tiện nghi sinh hoạt đơn giản: bàn ghế, giá sách, giường đơn, máy chữ, quạt lá cọ, đặc biệt là hàng trăm cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bao gồm các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử văn học nghệ thuật, được viết bằng nhiều thứ tiếng như: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, Latinh, trong đó có rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kinh tặng Người. Toàn bộ những hiện vật tài liệu, sách báo, nhà di tích, cảnh quan không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, mà còn cho chúng ta tận thấy những phẩm chất cao quý của đạo đức Hồ Chí Minh: "Một tấm gương hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho danh dự, tự do và độc lập của Tổ quốc mình", đồng thời địa danh này còn khắc hoạ nên chân dung: "Một trong những anh hùng của thời đại, của thế hệ chúng ta. Người là vị anh hùng dân tộc, đồng thời cũng là anh hùng của cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ của toàn thể loài người".
Chính vì vậy, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, một quần thể di tích lịch sử-văn hoá-danh nhân mà di tích Nhà sàn là trung tâm đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, có thể nói trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tế bảo tàng học, chưa có một di tích nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng như quần thể di tích trong khu Phủ Chủ tịch. Tất cả môi trường, cảnh quan, hiện vật, tư liệu đều ít nhiều liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Người từ năm tháng đầu tiên (19/12/1954) đến giờ phút Người vĩnh biệt chúng ta (9h47 ngày 2/9/1969) đều được bảo quản, lưu giữ nguyên trạng. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ, từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn, thảm cỏ... được quy hoạch cụ thể chi tiết, mối điểm di tích nhỏ trong quần thể đi tích đều đánh dấu những sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định tại từng thời khắc quan trọng trong những năm cuối đời của Người: Toà nhà toàn quyền cũ Bác không ở mà được sử dụng như nhà khách Chủ tịch nước; Nhà 1954 Bác ở tạm 4 năm 1954 – 1958, giai đoạn mà chúng ta tiến hành khôi phục kinh tế sau chiến tranh và cải tạo xã hội chủ nghĩa; ngôi nhà sàn Bác ở 11 năm (1958 – 1969), giai đoạn ta bước đầu phát triển kinh tế - văn hoá, bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ; nơi Bác điều trị bệnh và qua đời (17/8/1969 – 02/9/1969). Những đồng chí đã từng vinh dự phục vụ Bác Hồ lúc sinh thời đã tiếp tục đảm đương công tác kiểm kê khoa học và là nhân chứng thẩm định tính chính xác của từng sự kiện, vị trí hiện vật, nguồn gốc xuất sứ, thống kê, ghi chép, đo vẽ, lên danh mục toàn bộ tài liệu hiện vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, những di tích bất động sản và động sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Chủ tịch và đặc biệt là ngôi nhà sàn của Người vẫn được bảo vệ an toàn chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ môi trường, hoàn cảnh xã hội và con người. Khu di tích vẫn liên tục đón khách tham quan trong nước, khách quốc tế để tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của một lãnh tụ vĩ đại. Vì những giá trị mang tính lịch sử và sự toàn vẹn nguyên gốc của di tích Phủ Chủ tịch, nên Đảng và Nhà nước đã đánh giá khu di tích Phủ Chủ tịch là một di tích đặc biệt quan trọng.
Đánh giá theo khía cạnh chuyên ngành, Khu di tích Phủ Chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ là một loại hình bảo tàng – lưu niệm về sinh hoạt đời sống của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hoá lớn. Bảo tàng này vừa ở ngoài trời, vừa ở trong nhà vì nó hình thành ngay tại nơi Bác Hồ đã sống và làm việc bao gồm một tập hợp các: Di tích bất động sản (nhà, phòng, hầm...); Di tích động sản (đồ đạc, bàn ghế, sách vở, tài liệu...); Cảnh quan môi trường (Cây cối, đường đi, sân vườn, ao cá...). Mỗi bộ phận này không những chỉ đáp ứng những yêu cầu chuyên môn bảo dưỡng, bảo quản đúng kỹ thuật mà còn phải sử dụng hiện trạng gốc vốn có đề tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh cho tất cả các đối tượng đến tham quan khu di tích, tuy nhiên, là một bảo tàng – di tích điển hình cho nên, khu di tích Phủ Chủ tịch không tránh khỏi những tác động khách quan, thiên nhiên khắc nghiệt dẫn đến sự xuống cấp và khó bảo tồn nguyên trạng như mối mọt làm hỏng hiện vật và nền nhà; sâu bọ, khí hậu, đất bạc mầu; mưa bão, gió lốc làm đổ cây, hỏng nhà di tích... chính vì vậy mà công tác bảo tồn di tích thực sự khó khăn và phức tạp, đồi hỏi nỗ lực cao và phương tiện kỹ thuật hiện đại, toàn diện hơn để giảm thiểu tối đa sự khác biệt của di tích so với sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc ở đây. Trong gần 4 thập kỳ qua, với tình cảm kính yêu Bác Hồ, bằng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao, tập thể anh chị em, cán bộ, viên chức và người lao động khu di tích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Bên cạnh công tác bảo tồn những giá trị phi vật thể và bảo quản những giá trị vật thể văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ khoa học khu di tích không ngừng tham gia những hoạt động nghiên cứu về tư tưởng, sự nghiệp và cuộc đời của Người để tuyên truyền rộng rãi khắp trong nước và trên trường quốc tế thông qua những hình thức thuyết minh hướng dẫn tham quan di tích, viết bài tham dự các hội thảo khoa học, tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, giao lưu, viết bài cho các phương tiện thông tin đại chung như: Tạp chí chuyên ngành, báo viết, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, lập trang tin điện tử và đều đặn xuất bản những ấn phẩm như nội san, sách ảnh, bưu ảnh bằng cả tiếng Việt và các ngôn ngữ quốc tế thông dụng khác để nhân dân ta và bạn bè thế giới hiểu thêm về nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Danh nhân văn hoá của thế kỷ 20. Nhiều buổi sinh hoạt truyền thống, lễ báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên mới, cắm trại, triển lãm những thành tích học tập và lao động của học sinh, sinh viên được tổ chức tại các điểm di tích mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng sâu sắc như quanh Phủ Chủ tịch, bên giàn hoa, dọc đường xoài, dưới nhà sàn, trong nhà Bác mất, các cuộc thi kể chuyện Bác Hồ, thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới đã được tổ chức tại khu di tích và thành công tốt đẹp. Để ghi nhận những kết quả hoạt động và thành tích mà khu di tích đã đạt được, Đảng và nhà nước ta đã trao tặng cho tập thể cơ quan và cá nhân xuất sắc những danh hiệu cao quy: Huân chương lao động hạng nhất, huân chương độc lập hạng ba, huân chương độc lập hạng nhì, cờ thưởng của Chính phủ cùng rất nhiều bằng khen, cờ thi đua của Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Văn hoá - Thể thao du lịch. Đây cũng là một yếu tố khẳng định sự tồn tại, phát triển và ý nghĩa giáo dục tư tưởng sâu sắc của một di sản văn hoá về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nhân dịp về thăm lại ngôi nhà sàn lịch sử của Bác Hồ, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh ghi lưu niệm khu di tích tại Phủ Chủ tịch: "Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tài liệu hiện vật lưu giữ nơi đây là một di tích văn hoá đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà, đây là tài sản văn hoá vô giá của dân tộc ta và có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc tế. Những gì Bác Hồ để lại phản ánh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của một con người chọn cuộc đời mình vì nước, vì dân, vì sự đoàn kết quốc tế, biểu thị nhân cách một nhà văn hoá lớn Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại".
Từ năm 1969 đến nay, quần thể khu di tích Phủ Chủ tịch với trung tâm là nhà sàn Bác Hồ đã trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam. Gần 50 triệu lượt người trong nước và từ khắp các châu lục tới tham quan, suy tưởng, nghiên cứu (đáng chú ý nhất là lượng khách quốc tế ngày càng đông và tăng cao nhất là từ những năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa ). Bằng tấm lòng biết ơn và kính yêu Bác Hồ, đồng bào ta từ mọi miền Tổ quốc đến thăm di tích đều hoà mình trong sự thanh thản, tao nhã, cảm nhận được tình cảm ấm áp báo trùm mà Người đã để lại "Bác ơi! về bên Bác chúng cháu vô cùng xúc động, ghi sâu vào tâm hồn và ký ức sự cao thượng, tình cảm cách mạng sáng trong của Bác, Bác như luôn luôn bên chúng cháu, căn dặn, chỉ dẫn, dạy bảo, chúng cháu nguyện phấn đấu rèn luyện, học tập để trở thành người phát triển toàn diện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Bác". Kiểu bào ta từ nước ngoài xã xôi về thăm nơi đây rất xúc động như thực sự trở về với cội nguồn của dân tộc, trong tình thương của người Cha già kính yêu: "Được xem ngôi nhà sàn Bác ở và thấy chiếc đài nhỏ bé của kiều bào kính tặng còn đề trên bàn trong phòng ngủ của Bác, chẳng những làm cho cả đoàn phấn khởi tự hào, mà còn nhắc nhở mọi người quyết tâm, tích cực hoà mình cùng đồng bào cả nước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thân yêu đúng như lời di chúc Bác để lại. Bạn bè quốc tế đến thăm khu di tích Hồ Chí Minh ngày một nhiều hơn, đông hơn và đa dạng hơn. Hầu hết những nguyên thủ quốc gia, các chính khách nhiều nước, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm việc của Người với ý thức trân trọng, tình cảm ngưỡng mộ, cảm phục về nhân cách Hồ Chí Minh, qua đó họ càng yêu quý và hiểu Việt Nam hơn qua: "Hình ảnh tuyệt vời của một nhà lãnh đạo vĩ đại đã cống hiến cả đời mình cho độc lập thống nhất của Tổ quốc và phồn vinh của dân tộc mình. Ngôi nhà này là nơi học tập truyền thống cách mạng quý báu và là trường học giáo dục tư tưởng cho đời sau. Nhân dân Việt Nam vĩ đại sinh ra một vị lãnh tụ thiên tài làm dạng danh cho chính tổ quốc mình. Sự nghiệp cao quý của Người sẽ lưu truyền đời đời trong trái tim nhân dân Việt Nam anh hùng.
Kể từ khi hình thành, hoạt động và phản ánh chân giá trị lịch sử của một vĩ nhân, niềm tự hào của một dân tộc, ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với đầy đủ ý nghĩa quan trọng và lớn lao ấy không những đã trở thành một địa danh trên bản đồ hành hương, du lịch mà còn để lại ấn tượng sâu đậm trong triệu triệu trái tim con người. Trong xu thế phát triển mới của nước ta ở giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập toàn diện với quốc tế, thì nơi đây càng hội tụ đầy đủ những điều kiện thiên thời - địa lợi – nhân hoà để tuyên truyền rộng rãi hơn nữa tính nhân văn cao cả - tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh tới mọi người dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới: " Tinh hoa cách mạng, tình yêu nhân dân vô bờ bến, lòng khiêm tốn cũng như sự cần cù cống hiến đưa lại hạnh phúc cho tổ quốc Việt Nam Người, là tấm gương sáng cho toàn thể nhân loại noi theo".
Bùi Kim Hồng
Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch