BÌNH ĐẲNG
Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng, v.v..
Nhưng, hãy xem tay chiến sĩ về bình đẳng ấy đã thực hiện bình đẳng như thế nào.
Cùng làm một việc trong cùng một xưởng, người thợ da trắng vẫn được trả lương hậu hơn nhiều so với bạn đồng nghiệp khác màu da.
Trong các công sở, những người bản xứ mặc dầu đã làm việc lâu năm và mặc dầu rất thành thạo công việc, vẫn chỉ lĩnh một khoản tiền công chết đói, trong khi một người da trắng mới được vào, làm công việc ít hơn, thì lại lĩnh lương bổng nhiều hơn.
Có những thanh niên bản xứ đã học qua các trường đại học của chính quốc và đậu bằng tiến sĩ y khoa hoặc luật khoa, vẫn không thể làm được nghề nghiệp của mình trong nước mình nếu họ không vào quốc tịch Pháp. (Mọi người đã biết, một người bản xứ muốn được vào quốc tịch Pháp như vậy thì khó khăn và nhục nhã như thế nào rồi).
Phải bỏ ruộng nương và nhà cửa đăng vào lính "tình nguyện", những người dân bản xứ ra lính đã được nếm mùi ngay ý nghĩa mỹ miều của cái thứ "công bằng" quái gở mà họ đang phải bảo vệ này.
Cùng một cấp bậc, nhưng người da trắng gần như bao giờ cũng được xem là cấp trên của người bản xứ. Người sĩ quan bản xứ phải chào và tuân lệnh sĩ quan da trắng. Cái chế độ đẳng cấp phân biệt "nhân chủng - quân sự" ấy lại còn rõ rệt hơn nữa khi những người lính da trắng và lính khác màu da cùng đi chung trên một chuyến xe lửa hoặc tầu thuỷ. Ví dụ như việc mới nhất gần đây:
Hồi tháng năm, chiếc tàu Ligiê chở 600 lính người Mangát từ Pháp sang Mađagátxca. Các hạ sĩ quan người bản xứ thì chen chúc dưới hầm tàu, còn đồng nghiệp của họ, những hạ sĩ quan da trắng, thì được đường hoàng nằm trong các buồng dành riêng.
Hẳn những người anh em khác màu da chúng ta, nóng sôi lên vì các nồi súpde nếu không phải vì lý tưởng, và tỉnh dậy vì tiếng động ầm ầm của chân vịt quay hay vì tiếng gọi của lương tri, có thể suy nghĩ và hiểu rằng cái chủ nghĩa tư bản tốt đẹp kia vẫn coi họ và bao giờ cũng chỉ coi họ như những kẻ ôlô malôtô (1) mà thôi.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo LHumanité, ngày 1-6-1922.
1) Từ ngữ Latinh, có nghĩa là kẻ tanh hôi, bẩn thỉu.
=============================
LỜI THAN VÃN CỦA BÀ TRƯNG TRẮC
Quốc vương nước Nam sắp làm "khách của nước Pháp". Gọi là có lời chào mừng tí ti, chúng tôi kính dâng ngài giấc mộng này của đồng chí Nguyễn ái Quốc của chúng tôi, người bầy tôi trung thành của ngài.
Đêm tối quằn quại dưới làn mưa nhỏ hạt dầm dề. Mảnh trăng vàng vọt cố bíu trên những mái lều tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va nhau thành tiếng kinh rợn. Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái, và những đám nước bị từng cơn gió đột ngột quất, cứ nức nở. Cảnh vật nước Nam, lồng trong cây cỏ um tùm, vốn tươi vui và thơ mộng thế dưới ánh trăng, nay buồn thảm lạ lùng. Cơn hấp hối đang chơi vơi khắp. Tai ương lảng vảng đâu đây.
ánh sáng lừ đừ của những cây nến thơm chấp chới đầu ngọn bấc cong queo, hắt lên những cây cột sơn mài nhẵn bóng trong cung điện những bóng đen lung lay và những con mắt hấp háy. Bọn quan hoạn lim dim uể oải trên chiếc chiếu trải dưới đất ở một góc nhà. Như cảm thấy được có im lặng đang bò lê.
Trống canh vừa điểm ba tiếng. Tùng, tùng, tùng! Các anh là người phương Tây, các anh chẳng hiểu thế là thế nào cả, hử? Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên năm thế là ba giờ của các anh đấy. Đây là thời khắc ban đêm lúc lương tri cất cao tiếng. Lúc các đống mả khạc ra những kẻ nằm bên trong, họ lìa khỏi những tấm liệm he hé mở, để ra ngoài đi dò đi dẫm, cất lên tiếng rú hoan lạc. Lúc đầu óc con người đầy rẫy những bóng hình, mộng mị. Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên ba, thì ấy là con số chín, con số tận cùng trong những con số chẳng thể chia cũng chẳng thể nhân, mà theo vua Phục Hi thì nó biểu hiện sự suy đốn của một sinh linh được coi như cùng tột (dương cửu).
Đó chính là lúc Thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hoá thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng, giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa, thì vươn chiếc cổ dài ngoẵng tua tủa lông, quệt mỏ xoè cánh, y hệt đám gà trống cáu kỉnh, đáng ghét. Mọi vật bằng ngọc thạch, bằng châu báu, đều xỉn đi, xám xịt lại. Tất cả cứ từ từ quay tròn, và tan dần, tan dần. Rồi một bóng ma trùm khăn, trăng trắng hiện lên. Nhà vua kinh hoàng run lên lập cập, vì không phải vua chúa nào cũng đều can đảm như Hămlét, và thông minh như thế thì lại càng không. Ngài muốn kéo chiếu che mặt mà không được.
Đường bệ và giận dữ, bóng ma nói với vị chủ hoàng cung thế này:
- Mi có nhận ra ta không, đứa con khốn khổ kia ơi! Ta là một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp này đây. Ta là Trưng Trắc, năm 391) đã cùng em gái ta là Trưng Nhị và đồng bào đánh đuổi bọn xâm lăng, trả thù chồng, giải thoát quê hương. Đừng có run lên như thế, con ơi! Mà phải lắng nghe lấy lời mẹ bảo! Chẳng hay mi có biết rằng, theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?
"Vua muốn xứng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí tôn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng sau dân. Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy.
"Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544)2) , với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta.
"Dân ta sống trong hạnh phúc và thịnh vượng dưới triều nhà Đinh. Năm 9803), Lê Đại Hành đã dũng cảm không chịu khuất phục trước yêu sách của láng giềng hùng mạnh hơn mình gấp bội, ông đã đánh thắng địch, giết chết tướng địch. Do đó đã giải thoát được đồng bào khỏi nạn nô dịch.
"Quân Mông Cổ đi đến đâu phá sạch đấy, đã bị nhà Trần vẻ vang của chúng ta đánh bại (1225)4). Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam, đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ ta bắt ta chịu.
.....
"Thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao cho các vị, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc mà các vị đã giành được tự do nay chịu phận nô lệ, đất nước đã được các vị giải thoát nay lâm vào cảnh nô dịch, kẻ kế tục ngai vàng của các vị nay sống trong ươn hèn.
"Mặc dầu lễ nghi không cho phép các vị nguyên thủ nước ta rời khỏi cung cấm, thế nhưng chúng ta vẫn phải đau buồn nhận thấy rằng vẫn có những bậc quân trưởng phải lưu vong.
"Năm 14071), Tầu (phong kiến) đánh nhau với ta; nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng. Chinh chiến lúc đó thế là lại bắt đầu. Giặc biết rằng không khuất phục được ta bằng uy lực, đã dùng chiến tranh hao mòn. Trần Đế Quỹ đã lãnh đạo dân Nam đoạt được thắng lợi, sau thấy dân cùng kiệt, đói khát, máu đổ xương rơi. Ông biết rằng giặc chỉ muốn hại mình ông, và chúng bắt được ông rồi thì dân Nam sẽ được yên ổn. Vì vậy ông ra nộp mình; ông nộp mình để dân ông đỡ hao tổn sinh linh, xương máu. Bị cầm tù giải đi, ông nhảy xuống sông tự tử. Ông thà chết vinh chứ không sống nhục. Ngày nay, mỗi buổi mặt trời mọc lên lặn xuống, muôn nghìn ánh hào quang vàng óng quây trên dòng sông trong nước bạc long lanh, tạo nên đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó...
"Tiếp đó là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân - người ở ngôi ngay trước mi. Chính những kẻ xưng xưng là tôn trọng phong tục, luật lệ nước ta đã đày ải ba vị và mai đây sẽ dùng mi làm món đồ rao hàng thuộc địa, cổ động đế quốc. Có thấy không, con! Chẳng thể bao giờ trong niên giám nước mi lại có một vua Nam nào chịu làm tôi tớ đến như mi, lại có một cuộc ngự giá tuần du nào thảm hại đến mức này. Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa. Vẫn hay, con ạ! rằng tất cả những cái ấy chẳng qua đều là nghi lễ cổ hủ ! nhưng mi cũng thừa biết rằng chỉ còn độc nghĩa vụ đó là mi còn làm được với tổ tiên và mi cũng chỉ còn độc cái uy tín đó mà thôi trước mắt thần dân.
"Giờ thì mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi. Mi sắp phô trương sự thịnh vượng của đất nước mi, cái thịnh vượng được sắp đặt đâu ra đấy trong trí tưởng tượng quá giàu của bọn bóc lột. Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng ca-nông.
"Ôi, nhìn, hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?
"Hãy nhìn Triều Tiên, Ai Cập và ấn Độ, tất cả các nước đó đều đang đứng lên đòi hỏi quyền lợi, công lý và tự do!
"Chính giữa lúc đó thì mi... Im... Nghe kìa! Nghe thấy chăng... Nghe thấy chăng những tiếng kêu gào...? A! Người ta đến kia kìa, đông quá, tất cả những người dân nước Nam đã bị thiệt mạng cho cuộc chiến tranh ở châu Âu. Người ta đến đòi những gì mà bọn quan thầy mi đã cùng mi hứa hẹn với người ta, anh em người ta. Trả lời người ta đi nào! A! Người ta giận dữ, người ta bỏ đi.
"Bây giờ thì người ta quay lưng đi rồi, người ta đang đi đến phía đằng kia. Có thấy người ta không? Đằng kia ấy, nơi mặt trời đang mọc huy hoàng khôn xiết, nơi tung bay kiêu hãnh lá cờ Nhân đạo và Lao động. Đấy! Chính đấy là nơi yên nghỉ tâm linh những người đã khuất, là tương lai của dân tộc mà mi đã phụng sự chẳng ra gì!
"Gà sắp gáy sáng. Sao Bắc đẩu tiến ngang trời. Nhạc tiên đang giục giã ta. Thôi, chào!".
Mồ hôi nhớp nháp đẫm trán vị chúa thượng đang ngủ. Ngài muốn kêu lên. Nhưng không kêu được. Lưỡi ngài líu lại vì sợ.
Một quan hoạn bước vào, khom khom cái lưng ba lần, rồi the thé cái giọng đàn bà:
- Ngai dưới ! Đã có lệnh lên đường của Tòa Khâm truyền sang rồi đấy ạ!
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo LHumanité, ngày 24-6-1922.
=============================
NHỮNG KẺ ĐI KHAI HÓA
Dưới đầu đề "Bọn kẻ cướp ở thuộc địa", đồng chí Víchto Mêrích đã thuật lại cho chúng ta nghe sự độc ác không thể tưởng tượng được của một viên quan cai trị thuộc địa nọ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục của một người phụ nữ da đen khốn khổ. Sau đó, hắn bắt chị phải đội một tảng đá lớn đứng phơi nắng cho đến chết.
Tên công chức dâm bạo đó hiện đang tiếp tục những thành tích của hắn trong một tỉnh khác với chức vị cũ.
Khốn thay, những việc bỉ ổi như vậy lại không hiếm gì ở cái nơi mà báo chí của các nhà cầm quyền thường gọi là "nước Pháp hải ngoại".
Hồi tháng 3 năm 1922, một nhân viên nhà đoan Bà Rịa (Nam Kỳ) đã đánh gần chết một phụ nữ An Nam làm nghề gánh muối, lấy cớ rằng người này đã làm mất giấc ngủ trưa của hắn, vì làm ồn ào ngoài hiên nhà hắn ở.
Hay ho nữa là người đàn bà này còn bị doạ đuổi khỏi nơi làm việc nếu bà thưa kiện gì.
Hồi tháng 4, một nhân viên nhà đoan khác đến thay cũng thật xứng đáng với tên trước về những hành động tàn ác của hắn.
Một bà cụ người An Nam, cũng làm nghề gánh muối, vì bị khấu lương nên cãi nhau với mụ cai. Mụ cai đến thưa với viên đoan. Viên này chẳng xét xử gì cả, tát bà cụ thợ muối hai cái thật mạnh và khi bà cụ già đáng thương cúi xuống nhặt nón, thì nhà khai hoá ấy, chưa vừa lòng với trận đòn mà hắn vừa trừng phạt bà cụ, liền đá một cái rất mạnh vào bụng bà cụ khiến cho máu ộc ngay ra lênh láng.
Khi bà cụ người An Nam đáng thương bị ngã quay xuống đất, đáng lẽ phải cấp cứu cho bà, thì người cộng tác viên của ông Xarô ấy lại cho gọi lý trưởng đến và ra lệnh cho lý trưởng đem người bị thương đi nơi khác. Lý trưởng từ chối không làm. Viên đoan liền cho gọi chồng người bị nạn đến, - ông này bị mù, - ra lệnh bắt ông phải đem vợ đi. Hiện nay, bà cụ già khốn khổ đó đang nằm nhà thương.
Bạn có muốn đánh cuộc rằng hai ông đoan của chúng ta ở Nam Kỳ, cũng như bạn đồng nghiệp của họ là vị quan cai trị nọ ở châu Phi, có bị làm rầy rà gì không ? Họ hẳn đã được thăng chức nữa kia đấy.
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922.
=============================
THÙ GHÉT CHỦNG TỘC
Vì nói đến đấu tranh giai cấp và quyền bình đẳng giữa con người mà đồng chí Ludông của chúng ta đã bị kết án là đã tuyên truyền thù ghét chủng tộc. Vậy ta hãy xem tình yêu thương giữa các chủng tộc đã được quan niệm và thực hiện ở Đông Dương như thế nào trong thời gian gần đây.
Hôm nay, chúng ta sẽ không nói đến tội ác của chính quyền thực dân là dùng rượu và thuốc phiện để đầu độc quần chúng và làm cho họ ngu muội đi. Việc ấy các đồng chí chúng ta trong đảng đoàn nghị sĩ tất sẽ có ngày bàn đến.
Mọi người đều biết rõ những thành tích lớn lao của tên quan cai trị sát nhân Đáclơ. Tuy nhiên đâu có phải chỉ mình hắn mới có những thủ đoạn tàn ác đối với người bản xứ như thế.
Một gã Puốcxinhông nào đó, đã hùng hổ nhảy ra đánh một người An Nam chỉ vì người này dám tò mò và cả gan nhìn ngôi nhà của người Âu trong mấy giây đồng hồ. Hắn đánh anh và cuối cùng giết anh bằng một phát súng lục bắn vào đầu.
Một nhân viên sở hoả xa, đã dùng roi mây đánh một người lý trưởng Bắc Kỳ.
Ông Béc đấm vỡ sọ người lái xe cho ông ta.
Ông thầu khoán Brét, sau khi cho chó cắn một người An Nam đã trói tay người này lại, đá cho đến chết.
Ông Đépphi, chủ sở thuế đã giết chết người đầy tớ An Nam của ông ta bằng một cái đá hết sức mạnh vào mạng mỡ.
Ông Hăngri, thợ máy ở Hải Phòng, nghe ngoài phố có tiếng ồn ào; cửa nhà ông vừa mở thì một người đàn bà An Nam chạy xộc vào, sau lưng có một người đàn ông đuổi theo. Hăngri tưởng là một người bản xứ đang đuổi một Con gái, liền vớ lấy khẩu súng săn nổ một phát. Người đàn ông ngã vật xuống chết ngay. Đó là một người Âu. Hỏi thì Hăngri trả lời: "Tôi tưởng đây là một thằng bản xứ".
Một người Pháp buộc ngựa của mình vào một cái chuồng trong đó đã có sẵn con ngựa cái của một người bản xứ. Con ngựa đực nhảy chồm lên, làm cho người Pháp tức điên ruột. Ông ta đánh người bản xứ hộc cả máu mồm, máu mũi, rồi đem trói lại treo lên cầu thang.
Một nhà truyền giáo (Vâng! một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ăn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi.
Vân vân và vân vân.
Toà án có trừng phạt những tên đó, những con người đi khai hoá đó hay không ?
Có tên thì trắng án, có tên thì không ai đụng đến lông chân. Sự tình là như vậy. ấy thế mà bây giờ thì:
- Bị cáo Ludông, đến lượt anh nói đi!
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922.
=============================
CON NGƯỜI BIẾT MÙI HUN KHÓI
Xin tặng Nahông, người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài ký này.
"Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu á".
Anbe Xarô Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Haútxa, tháng 1 năm 1998.
Thành phố Haútxa cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió. Đây là lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Cộng hoà liên hiệp Phi. Chưa bao giờ dân chúng lại tham gia với mức độ ấy những hội hè loại này. Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh. Trên quảng trường Xôviết, một cụ già hô hào đám đông. Đó là cố Kimengô, mệnh danh là Con người biết mùi hun khói.
Cụ Kimengô, tuổi đã chín mươi, là một cựu chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hoà da đen. Được phú bẩm một trí thông minh đặc biệt sắc sảo, lại am hiểu tường tận mọi sự kiện chính trị và xã hội của thời đại, cụ Kimengô không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung. Cụ đã thành công. Kimengô là một trong số hiếm những người đã chịu gian khổ lớn để gieo hạt và được hưởng hạnh phúc lớn gặt vụ mùa thắng lợi. Mái tóc cụ bạc phơ như tuyết khuôn rực rỡ bộ mặt màu mun. Đôi mắt cụ hiền dịu và nhìn sâu thẳm. Miệng cụ luôn tươi cười, dù trước những nguy nan nghiêm trọng nhất hay trong những giờ phút đen tối nhất. Từ toàn bộ con người cụ toát ra nhân từ và cao quý. Cụ đáng tôn kính và được tôn kính.
Chúng tôi đến nơi thì cụ đã nói được nửa chừng, và đây là những lời mà chúng tôi nghe được:
"... Có những từ ngữ mà người già các bác trước kia thường nghe thường nói, thì nay không còn trong từ ngữ của các cháu nữa. Và như thế là tốt. Bây giờ các bác nói đến toà án, cảnh sát, quân đội, nhà tù, thuế khoá, thì các cháu chẳng mấy người hiểu những cái đó là cái gì.
"Thời bác thì nước Cộng hoà của chúng ta là thuộc địa Pháp. Trong nước, có người giàu và người nghèo. Người giàu là những kẻ hưởng tất cả, tuy gì cũng chẳng làm. Người nghèo là những kẻ gì cũng làm, mà chẳng được hưởng gì cả. Người nghèo phải chịu chết chóc cho người giàu khi nào bọn này bất hoà với nhau: cái đó gọi là thuế máu. Người nghèo làm ra được cái gì đều phải nộp cho người giàu: cái đó gọi là thuế tiền.
"Vậy nhé, bọn tư bản da trắng lấy nước ta làm thuộc địa xong, nó bắt các bác phải nộp các thứ thuế, mặc dầu các bác nào có của nả gì đâu. Nộp thì không có gì để nộp; để khỏi bị hành hạ, các bác phải bỏ trốn vào rừng. Chúng nó đem chó và đem súng đuổi theo, các bác đành phải ẩn vào một cái hang, ngày nay gọi là hang Tuẫn nạn.
"Bọn bác hơn hai trăm mạng, đàn ông có, đàn bà có, trẻ em có. Cứ tưởng rằng như thế là tạm yên thân, nên mặc dầu phải chịu ẩm, chịu tối, chịu đói, cực lắm, các bác có ý định cứ nán lại đó càng lâu càng hay, vì biết rằng bọn nó vẫn rình ở ngoài hang với súng ống. Hang tối như bưng ngày cũng như đêm, bác chẳng biết ở trong đó bao lâu.
"Chẳng trông thấy gì hết, chẳng nghe thấy gì hết, trừ tiếng chó sủa dữ dội, xa xăm, nhắc nhở rằng tình thế vẫn hiểm nghèo.
"Một ngày nọ, nói đúng hơn là một đêm nọ, các bác ngửi thấy có cái mùi khét lẹt tràn vào chỗ náu trong lòng đất. Mùi khét nặng lên nhanh và trở thành không thể chịu nổi. Gì thế? Chẳng ai biết... Trẻ nhỏ thì khóc, đàn bà thì la, đàn ông thì chửi. Hoảng loạn! Chạy đi ư? Nhưng chạy đâu chứ? Khủng khiếp quá! Tiếng răng lập cập, tiếng thét xé tai, tiếng nấc, tiếng thân người đổ xuống, tiếng khóc điên rồ, làm cho cái xó tối ám khói đó hệt như là một địa ngục.
"Bấy giờ bác ở tận cuối hang. Bác theo bản năng nhắm mắt, ngậm miệng, áp mặt vào vách hang. Như thế cảm thấy dễ thở hơn và ngủ đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy thì thấy có tia sáng chiếu chếch vào mặt, đấy là một kẽ hở qua đất, nhờ đó mà bác thở được và thoát chết. Bác nhằm đào một lối ra phía đó, nhưng chỉ mệt xác vô ích. Bác bèn quyết định thôi đành liều mạng cứ phía cửa hang mà ra. Quờ quạng và dẫm qua hai trăm xác chết hun mới trở lại được với khoảng trời tự do.
"Bác ăn cỏ, ăn rễ cây, đi lang thang hết làng này sang làng nọ; cuối cùng thì được bố của đồng chí người da trắng này đây thu nhận về nuôi như con. Ông đã dạy dỗ bác theo những nguyên tắc của tình hữu ái và của chủ nghĩa cộng sản; ông cũng đã cho bác biết tên thằng da trắng vì muốn thu thuế mà đã hun các bác chết ngạt một cách man rợ như vậy.
"Thằng hun khói, tên nó là Bruye, là đại diện của nước Pháp và là công sứ ở Haútxa".
Nguyễn Ái Quốc
Báo LHumanité,ngày 20-7-1922.
=============================
THƯ NGỎ GỬI ÔNG ANBE XARÔ,
Bộ TRƯỞNG BỘ THUỘC ĐỊA
Thưa ngài,
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng, đối với dân bản xứ ở thuộc địa nói chung và đối với dân An Nam nói riêng, lòng thương yêu của Ngài thật là bao la rộng rãi.
Dưới quyền cai trị của Ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu á và sung sướng nhất trần đời.
Hành động nhân ái ấy đủ để chúng tôi không cần nhắc lại tất cả những hành động khác như: bắt lính và bắt mua công trái, đàn áp đẫm máu, truất ngôi và đầy biệt xứ một ông vua, xâm phạm và làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v..
Thật đúng như câu thơ chữ Hán đã tả: Gió âu yếm thổi chiều quạt phẩy, mưa nghĩa nhân đón vết xe lăn26. Được nắm quyền tối cao cai quản các thuộc địa, danh vọng của Ngài càng cao bao nhiêu thì sự quan tâm đặc biệt của Ngài đối với những người Đông Dương càng tăng lên bấy nhiêu. Ngài đã cho thiết lập ngay ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương, như một tờ báo thuộc địa đã nói rõ.
Nhưng chỉ "theo dõi" không thôi thì thấy hình như chưa xứng với tấm lòng thương yêu của Ngài như bậc cha mẹ, nên Ngài còn muốn gia ơn hơn nữa. Vì vậy mà gần đây, Ngài đã ban cho mỗi người An Nam - người An Nam yêu quý, như ngài thường nói - nhiều người "hầu cận" đặc biệt. Tuy những người này còn ấu trĩ trong nghệ thuật của Séclốc Hôm1), nhưng họ cũng đã tỏ ra rất tận tụy và rất đáng yêu. Chúng tôi chỉ còn biết khen ngợi họ và ca tụng người cầm đầu họ là Ngài.
Chúng tôi thành thật lấy làm cảm động được Ngài dành cho vinh dự đó, và chúng tôi có lẽ sẽ tiếp nhận vinh dự đó với tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất, nếu vinh dự ấy đối với chúng tôi xét ra không phải là có hơi thừa, và không gây ra những sự ghen tị và suy bì.
Trong lúc Nghị viện đang tìm cách tiết kiệm chi tiêu, hạn chế số nhân viên các cơ quan hành chính; trong lúc ngân sách bị thâm hụt nhiều, nông nghiệp và công nghiệp thiếu nhân công; trong lúc phải hạn chế tiền lương của người lao động và trong lúc việc phục hồi dân số đòi hỏi phải sử dụng mọi năng lực vào việc sản xuất, - trong lúc như thế, chúng tôi lại cứ tiếp nhận những đặc ân riêng cho cá nhân mình, gây ra lãng phí sức lực của những người công dân bị đày vào cảnh vô công rồi nghề như những người "hầu cận" nói trên, và gây ra sự tiêu phí tiền bạc mà giai cấp vô sản đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được, - thì quả là không yêu nước tý nào.
Vì vậy, tuy rằng vẫn là kẻ đội ơn Ngài, chúng tôi cũng trân trọng xin Ngài miễn cho cái đặc ân ấy, đối với chúng tôi thì nó quý hoá thật, nhưng đối với nước nhà thì lại là quá lãng phí.
Nếu Ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì rất dễ thôi: cứ mỗi buổi sáng chúng tôi sẽ phát hành một bản tin về sự đi lại của chúng tôi và Ngài chỉ việc đọc là biết.
Vả lại, thời khoá biểu của chúng tôi rất giản đơn và hầu như cố định.
Sáng: Từ 8 đến 12 giờ ở xưởng máy.
Chiều: ở phòng báo chí (dĩ nhiên là báo của phái tả), hoặc ở thư viện.
Tối: ở nhà riêng, hoặc dự những buổi nói chuyện bổ ích.
Chủ nhật và ngày lễ: Thăm nhà bảo tàng hay những nơi bổ ích khác.
Chỉ có thế thôi!
Hy vọng rằng cách này vừa tiện, vừa hợp lý có thể làm Ngài hài lòng được, chúng tôi xin kính gửi Ngài, v.v..
Nguyễn Ái Quốc
Báo LHumanité, ngày 25-7-1922.
=============================
KHAI HÓA GIẾT NGƯỜI
Cũng trên mục diễn đàn này, gần đây chúng tôi đã nêu lên một loạt những vụ giết người mà thủ phạm là những kẻ đi "khai hóa" của chúng ta, nhưng vẫn không bị trừng phạt. Than ôi! quyển sổ đoạn trường ấy cứ mỗi ngày một dài thêm, thật là đau xót.
Lại mới đây thôi, một người An Nam, trạc 50 tuổi, làm công cho sở xe lửa Nam Kỳ đã 25 năm nay, bị một viên chức người da trắng giết. Sự việc như sau:
Anh Lê Văn Tài điều khiển bốn người An Nam khác làm việc dưới quyền mình. Phận sự của họ là đóng cầu mỗi khi có xe lửa đi qua và mở cầu cho tầu bè qua lại. Theo lệnh đã quy định thì phải đóng cầu 10 phút trước khi xe lửa đi qua.
Ngày 2 tháng 4, hồi 16 giờ 30, một người trong bọn họ mới đóng cầu và hạ tín hiệu xuống, vừa lúc một chiếc thuyền máy công đi đến, trên thuyền chở một viên chức xưởng đóng tàu của hải quân đi săn về. Chiếc thuyền máy kéo còi lên. Nhân viên người bản xứ liền ra đứng giữa cầu, phất cờ đỏ báo cho những người trên thuyền máy biết rằng xe lửa sắp chạy qua và do đó cầu đã đóng rồi. Và sau đây là câu chuyện đã xảy ra: Chiếc thuyền máy ghé sát vào trụ cầu. Người viên chức Pháp liền nhảy lên bờ và hầm hầm tiến về phía người An Nam. Anh này khôn ngoan, chạy trốn về phía nhà ông Tài là "xếp" của mình. Người viên chức kia đuổi theo, lấy đá ném anh ta. Nghe có tiếng ồn ào, Tài liền chạy ra đón vị đại diện của nền văn minh, viên này mắng ngay: "Đồ súc vật, tại sao mày không mở ra ?". Vốn không biết tiếng Pháp, Tài chỉ còn biết trả lời bằng cách trỏ vào cái tín hiệu đỏ. Cử chỉ đơn giản ấy làm cho ông cộng tác viên của Ngài Lông nổi xung lên. Không phân phải trái gì, ông ta nhảy xổ vào Tài và sau khi đã "khiền" cho một trận, còn đẩy anh vào một đống than hồng ở gần đó.
Người An Nam gác cầu ấy bị bỏng một cách rùng rợn, được chở đến nhà thương, và sau sáu hôm cực kỳ đau đớn anh đã chết tại nhà thương.
Người viên chức kia vẫn được vô sự không có gì phải lo lắng cả. Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo27 của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi Đấng chí tôn Khải Định và Cụ lớn Xarô ?
NGUYỄN ÁI QUỐC
T.B.- Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì Ngài Tổng thanh tra Rêna, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi, bình đẳng! Bình đẳng quý hoá thay!
Báo Le Paria, số 5,ngày 1-8-1922.
=============================
PHỤ NỮ AN NAM VÀ SỰ ĐÔ HỘ CỦA PHÁP
Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa.
Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý, v.v. - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ.
Thói dâm bạo ở thuộc địa là một hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể nào tưởng tượng được. ở đây chúng tôi chỉ tạm nêu ra một vài sự việc mà những người vô tư đã chứng kiến và kể lại những điều tai nghe mắt thấy, để chị em phụ nữ phương Tây hiểu rõ giá trị của cái gọi là "sứ mạng khai hoá" mà bọn tư bản đã giành lấy độc quyền thi hành, đồng thời hiểu rõ nỗi đau khổ của chị em phụ nữ ở thuộc địa.
Một người ở thuộc địa kể lại rằng: "Khi bọn lính kéo đến, dân chúng chạy trốn cả, chỉ còn lại hai cụ già và hai phụ nữ, một thiếu nữ còn tân và một phụ nữ đang cho đứa con mới đẻ bú, tay dắt một em gái nhỏ lên tám. Bọn lính đòi tiền, rượu mạnh và thuốc phiện.
Không ai hiểu chúng nói gì, thế là chúng nổi giận lấy báng súng nện một cụ già ngất đi, rồi còn một cụ thì trong mấy giờ liền, hai tên trong bọn lính, khi kéo đến đã say bí tỉ, đem thiêu trong một đống củi cành khô làm trò vui với nhau. Trong khi đó, thì những tên khác hiếp hai phụ nữ và em gái nhỏ, chán rồi, chúng giết chết em bé. Lúc đó, người mẹ bồng đứa con kia trốn được, rồi từ trong một cái bụi cây cách đấy độ 100 mét, trông thấy người chị em mình đang bị hành hạ. Duyên cớ làm sao, chị chẳng biết, chị chỉ thấy người thiếu nữ bị đặt ngửa trên mặt đất, tay chân bị trói chặt, miệng bị bịt lại, còn một tên lính thì lấy lưỡi lê cứ từ từ, từng nhát một, chọc vào bụng chị, rồi lại chầm chậm rút ra. Sau đó, chúng chặt ngón tay người thiếu nữ đã chết để cướp lấy chiếc nhẫn và chặt cổ để cướp lấy chiếc vòng.
"Trên mảnh đất bằng phẳng trước kia là ruộng muối, ba cái xác chết nằm đó: em bé bị lột truồng, thiếu nữ bị mổ bụng, cánh tay trái cứng đờ giơ lên trời vô tình, bàn tay nắm chặt. Còn xác ông cụ già thì ghê gớm làm sao, cũng trần truồng như thế, nhưng vì bị thiêu cháy nên không nhận ra hình thù được nữa, mỡ chảy lênh láng đã đọng lại và da bụng thì bị phồng lên, chín vàng, óng ánh như da con lợn quay vậy".
(Còn tiếp)
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.
=============================
"SỞ THÍCH ĐẶC BIỆT"
Từ khi đến Pari, Khải Định, Hoàng đế nước An Nam đã thành mục tiêu bao vây theo như thường lệ của một số bà buôn son bán phấn. Họ đã dâng lên Ngài Ngự nhiều bức thư nồng nàn tình tứ và nhiều tấm ảnh khêu gợi. Nhưng Khải Định vốn là bậc hiền triết, Ngài Ngự bèn truyền đem tất cả thư và ảnh ấy vứt vào sọt rác, và ai hỏi, Ngài Ngự cũng đều từ chối không trả lời gì hết.
Ông Anbe Xarô đã trả lời một mỹ nhân hỏi về việc đó như sau:
- Ấy, Hoàng thượng Ngài có những sở thích rất đặc biệt.
Bà này rất đỗi ngạc nhiên và muốn hỏi cặn kẽ thêm, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã đánh trống lảng:
- Hoàng thượng Ngài chỉ thích đọc sách thôi.
Bà ta lại hỏi:
- Thế hiện giờ Hoàng thượng đang đọc gì?
Ông Anbe Xarô trả lời:
- Platông.
(Nghe Lỏm)
Bảo rằng Hoàng đế Khải Định là bậc hiền triết, điều đó ta không nghi ngờ gì cả. Nhưng hiền triết thì cũng không phải là không cần lễ độ, và chúng tôi mạn phép kính tâu Hoàng thượng rằng cử chỉ của Ngài dù uy nghi đến đâu chăng nữa nhưng vẫn hoàn toàn thiếu lịch sự. Riêng chỉ nghĩ rằng những bà lịch sự kia, vì ham chuộng những cái của vua chúa mà bị khinh miệt một cách phũ phàng như thế ắt không khỏi sẽ trút tất cả mối căm thù ghê gớm của các bà vào những đề tài về Hoàng thượng, là người ta cũng đủ run lên rồi. Quan lớn Bộ trưởng vốn có tài ăn nói. Ông lại rất am hiểu chữ nghĩa của nước ông. Vậy mà câu ông trả lời mỹ nhân lại rất mập mờ. Ông dùng chữ "sở thích đặc biệt", thật ra là muốn nói gì nhỉ? Có phải ngẫu nhiên mà, mặc dầu vừa mới chân ướt chân ráo tới cái thành phố ánh sáng này, Đức Hoàng thượng rất ư thông thái và đầy tâm hồn nghệ sĩ đã làm quen được ngay với một nghệ sĩ nổi tiếng và một thi sĩ lừng danh rồi chăng? Đặt câu hỏi như thế, chính là đã trả lời rồi đó. Sau khi mỹ nhân muốn hỏi cặn kẽ thêm, và sau khi quan lớn Bộ trưởng đánh trống lảng, thì cái câu nói mập mờ rất hùng biện kia vẫn còn tiếp tục thêm rằng: tuy trong chữ Théétète(1) có chữ Thé (như Víchto Huygô từng nói), chúng ta vẫn không tin rằng Hoàng thượng lại hạ cố đến những tác phẩm của người thầy học của Arixtốt, vì Hoàng thượng vẫn luôn luôn phải có người thông ngôn mới hiểu được tiếng Pháp (và cả tiếng Hy Lạp nữa) kia mà. Cho nên khi ông Bộ trưởng nói rằng Hoàng thượng hiện đang đọc Platông là ông chưa nói hết cái chữ mà ông định nói: Chắc là ông định nói chữ Platô...ních(2) đấy mà.
Amicus Plato, sed magis amica veritass(3)
Và chúng tôi xin trả lời:
"Ông bạn Platông ơi, Hoàng thượng chỉ thích xem thôi".
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.
1) Théétète, tên một bài đối thoại của Platông bàn về tri thức và cơ sở của triết học, viết vào khoảng năm 369 trước công nguyên. Tác giả viết câu này để nói ý rằng chữ Platông ở câu sau cũng còn dùng dở vần.
2) Platonique nghĩa đen là theo học thuyết Platông: thuần tuý lý tưởng. Nghĩa bóng là vô hiệu lực. ở đây, muốn ám chỉ bệnh liệt dương của Khải Định.
3) Nghĩa là Tôi rất quý Platông nhưng đối với tôi, sự thật còn quý hơn nhiều. Đây là một câu châm ngôn rút trong tác phẩm của Amôniuyt, nhan đề là Cuộc đời của Arixtốt.
=============================
THƯ GỬI KHẢI ĐỊNH
Kính gửi: Hoàng thượng Khải Định
An Nam Hoàng đế
Vĩnh biệt V.V.C.
Ngài đã đến - hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa Ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ. Người ta định đem Ngài bày ít nhất là vài ba tháng trong tủ kính xinh xẻo, nhưng mỏng manh và có thể bị huỷ hoại. Thế mà Ngài lại ra đi, hay nói cho đúng hơn, là người ta đã buộc Ngài phải cuốn gói ra đi. Được ăn ở sang trọng tại phố Uđinô, được ru êm ấm trong tay của điện hạ Xarô - ông Hoàng An Nam và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa- như trên tay một người cha, thế mà Ngài vẫn kêu là còn rét. Nếu tất cả đồng bào của Ngài - những người đã từng dấn thân trong bùn lầy, sương tuyết và dưới làn mưa đạn trên chiến trường ở nước Pháp, những người đã và đang bị đày đoạ dưới tiết trời rét như cắt da cắt thịt, đã và đang bị đe doạ bởi những kẻ mà họ tấn công, - nếu tất cả những người đó đều nói như Ngài đã vội ch...uồn ngay, chớ chẳng chịu liều mạng - cố nhiên là liều cái mạng không đế vương bằng, nhưng dẫu sao cũng quý báu - thì Ngài có thể lấy đâu ra được để tỏ cái lòng trung quân dễ kiếm và lòng trung thành rẻ rúng để làm vừa ý cái ông chủ của Ngài, như Ngài đã từng tỏ ra ở Nôgiăng hay ở những nơi khác?
Ngoài vấn đề tình cảm ra, và ngoài mấy con ngựa cái ở trường đua Lôngsăng cùng những vẻ đẹp cổ đại ở nhà hát Ôpera ra thì Ngài đã thấy gì trong suốt thời gian "tham quan" của Ngài ở cái nước Pháp lạc thú này?
Ngài có thấy được nguyện vọng thiết tha mong muốn công lý, tự do và lao động của quần chúng rộng rãi của dân tộc Pháp này không? Ngài có thấy được tình cảm cao cả yêu chuộng hoà bình và hữu nghị đang làm rung động trái tim của quần chúng đó, - số quần chúng mà, qua những cuộc cách mạng giải phóng, giờ đây đã giải phóng mình khỏi ách của bọn vua chúa, để trở thành kẻ tự mình làm chủ mình đó không?
Qua những lời tán tụng hèn hạ trong những bài diễn văn của mấy nhà đương cục và trong những bài báo được trợ cấp tiền của mấy tờ báo "lương thiện" ra, Ngài còn có nghe thấy gì nữa không? Ngài có được nghe người ta nói đến Paxtơ hay Vônte, Víchto Huygô hay Annatôn Phrăngxơ không? Ngài có được nghe người ta nói đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền không? Ngài có được nghe người ta kể lại lịch sử của cuộc cách mạng bất diệt không?
Sau những xúc động mạnh mẽ khi xem những đại bác, xe tăng hoà bình diễu qua, thì trong cái đầu chít khăn của Ngài đã vội chớm nở nỗi nhớ nhà, thế là Ngài vội vã cuốn gói ra đi! Ngày mai đây, Ngài sẽ xuống tàu, và Ngài sẽ lại trông thấy những biển cả ven theo đất nước của người Ai Cập và người ấn Độ. Hoà lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi. Có thể Ngài sẽ tự nhủ rằng cái mà Ngài trông thấy đấy là một chút của nước Pháp đó Vĩnh biệt... người đồng hương! Một khi mà những đợt sóng biển vô tình đã lấp kín vết đi của con tàu Ngài ngồi thì nước Pháp sẽ quên Ngài, cũng như Ngài sẽ không còn nhớ chút gì về những người Pháp nữa.
Để giữ kỷ niệm của một nền văn minh hiện đại và lớn lao, Ngài mang theo về cung điện của Ngài một chiếc dương cầm, vài cái nhẫn và cả mấy chiếc bật lửa mà Ngài đã đổi được bằng chút ít uy tín mà Ngài để mất mát đi trong trái tim nhân dân của Ngài. Và khi Ngài lại trở về sống giữa đám phi tần và nội thị của Ngài, giữa những sọt giấy lộn và tẩu thuốc phiện của Ngài, thì một vài tên ký lục già sẽ thêu dệt thay Ngài và hộ Ngài để gửi cho nước Pháp mà Ngài không hề hiểu biết một vài câu nịnh hót hay một vài vần thơ lủng củng, dưới đó, những ngón tay đầy nhẫn của Ngài sẽ cầm bút ký cái chữ ký của một vị đế vương là nghệ sĩ và văn nhân (!).
Thế là cái ý nguyện bình sinh lớn của Ngài đã được thoả mãn. Và như vậy là hạnh phúc và ấm no của nhân dân An Nam cũng sẽ được xây dựng và củng cố rồi đấy!
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Journal du Peuple, ngày 9-8-1922.
=============================
DƯỚI SỰ BẢO HỘ CỦA...
Khi làm công sứ tỉnh Thái Nguyên (Bắc Kỳ), vì mục đích tống tiền, Đáclơ đã bắt bớ, giam cầm và kết án vô cớ người bản xứ. Hắn đã giáng những cú đấm và những trận đòn roi vào những người bản xứ bị gọi đi lính "tình nguyện". Hắn đối xử tàn ác với những người lính lệ bản xứ, nắm tóc họ lôi xềnh xệch, đập đầu họ vào tường nhà của hắn.
Hắn đâm lưỡi kiếm vào những người tù khiến họ bất tỉnh nhân sự.
Viên công sứ Đáclơ đánh một người bản xứ bằng roi sắt và làm gãy hai ngón tay của người này. Hắn dùng roi đánh túi bụi một viên đội người bản xứ. Hắn chôn đến tận cổ những người lính lệ bản xứ nào không làm vừa lòng và chỉ cho đào họ lên khi họ đã gần chết. Hắn dùng gậy đâm lòi mắt một viên đội người bản xứ khác.
Cuối cùng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã bùng nổ chống lại sự tàn ác của hắn và máu người bản xứ lẫn máu người Pháp đã đổ. Bao nhiêu máu đã chảy, bao nhiêu nhà đã bị phá, và bao nhiêu người vô tội đã bị chặt đầu.
Để thưởng những công trạng đáng khen ấy của viên công sứ Đáclơ, người ta phong hắn chức chánh giám khảo các trường lớn ở Hà Nội và bổ nhiệm hắn làm đổng lý văn phòng của viên thống sứ Bắc Kỳ.
Báo LHumanité và Hội Nhân quyền và Dân quyền đã phản đối.
Nếu viên sĩ quan Đức Phôn Sephen bị tù 20 năm khổ sai vì đã tàn sát người ở Rôngcơ thì viên công sứ Đáclơ đáng phải tù ít nhất là gấp ba lần 20 năm khổ sai vì tội ác của hắn.
Nhưng các bạn có biết số phận của hắn ta như thế nào không?
Hắn đã trở thành uỷ viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, nghĩa là người cộng tác trực tiếp của các ngài Xarô và Utơrây và làm chủ vận mệnh những người nhà quê (1) ở Sài Gòn!
Hạnh phúc thay xứ Nam Kỳ!!
Nguyễn Ái Quốc
MỘT VẤN ĐỀ
Có thật người Pháp tên là C. phục vụ trong Sở mật thám của viên toàn quyền Đông Dương không ? Có thật cái tên C. ấy được phái đi "công cán" ở Phú Xuyên đã buộc những người An Nam ở đó phải gọi hắn là Quan lớn1), và đánh đập tàn nhẫn những ai chậm tuân theo lệnh hắn không? Có thật cũng chính tên C. ấy đã đánh người lính lệ không? ở cái thiên đường Đông Dương, người ta được phép và có thể làm bất cứ gì, có phải như thế không, Ngài toàn quyền Lông?
NGUYỄN ÁI QUỐC.
Báo LHumanité, ngày 17-8-1922.
(1) Những chữ "nhà quê", "Quan lớn", "lính lệ" trong nguyên bản viết bằng tiếng Việt.
=============================
CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VÀ THANH NIÊN TRUNG QUỐC
Phong trào thanh niên xã hội chủ nghĩa mới bắt đầu ở Trung Quốc từ năm 1920. Nhưng từ đó và chỉ có từ đó thì những thanh niên mácxít, những thanh niên vô chính phủ chủ nghĩa, những nghiệp đoàn xã hội chủ nghĩa và những công đoàn mới gia nhập các hội liên hiệp. Và chỉ từ tháng 11 năm 1921, những thanh niên cộng sản mới thành lập được các tổ chức độc lập của họ. 5 nghìn thanh niên đã tập hợp dưới ngọn cờ búa liềm. Hồi tháng 5 năm 1922, họ triệu tập Đại hội toàn Trung Quốc. 16 diễn giả đã lên phát biểu trên diễn đàn Đại hội. Họ đã bầu ra một Ban chấp hành gồm 25 đại biểu, thay mặt cho 15 tổ chức, và 2 đại biểu thay mặt cho các thanh niên ở ngoài nước. Họ thông qua một bản điều lệ gồm 35 điểm.
Đại hội kêu gọi các công nhân và lao động toàn Trung Quốc, các sinh viên, các thanh niên nam nữ, tất cả những người có tư tưởng độc lập, các binh lính cũng như cảnh sát.
Cương lĩnh của tổ chức đó gồm có 4 phần sau đây:
A. Về chính trị
1. Đấu tranh giai cấp.
2. Quyền đầu phiếu.
3. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bãi công.
B. Về kinh tế
1. Ngày lao động (6 giờ cho những thanh niên 18 tuổi trở xuống, 8 giờ cho những người đã đủ tuổi thanh niên).
2. Tuần lễ nghỉ một ngày.
3. Bỏ chế độ hợp đồng cá nhân ký giữa chủ và thợ.
4. Bảo hộ lao động cho công nhân.
5. Lao động ngang nhau thì trả lương ngang nhau.
C. Về giáo dục
1. Giáo dục xã hội ở nhà nước: dùng các cuộc nói chuyện, các báo chí để tuyên truyền những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa,
2. Giáo dục chính trị bằng các cuộc nói chuyện, các sách báo, và các cuộc thảo luận về đấu tranh giai cấp.
D. Về việc giáo dục ở nhà trường
Sửa đổi chương trình giáo dục, giáo dục phổ thông bắt buộc, v.v..
Đại hội kết thúc bằng bài "Quốc tế ca".
Nguyễn Ái Quốc
T.B. Mãi khi tới Pari, chúng tôi mới nhận được số báo Tiền phong đầu tiên, viết bằng chữ Trung Quốc.
Báo LHumanité, ngày 19-8-1922.