“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nhưng người trực tiếp tập hợp, lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng tiến hành cách mạng là đội ngũ cán bộ. Vì thế, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn quán triệt, vận dụng tốt quan điểm: “Muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém1 vào bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ.
1. Loại bỏ “sâu mọt” ra khỏi hàng ngũ cán bộ
Vai trò, tầm quan trọng của cán bộ trong thúc đẩy sự vận động, phát triển tiến bộ xã hội đã được minh chứng trong mỗi tiến trình lịch sử nhân loại nói chung và ở nước ta nói riêng. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời, nhất quán nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị” và luôn lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thể chế thành pháp luật, xây dựng các quy chế, quy định, hướng dẫn, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện công tác này. Theo đó: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”2.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), cùng các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng, các bộ luật của Nhà nước, công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng và đạt được những kết quả quan trọng. Các quy trình ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành chặt chẽ, ngày càng hiệu quả. Đại đa số cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt; năng lực, phẩm chất, uy tín được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng, có tư duy đổi mới, năng lực hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo trọng trách được giao. Hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp trong lực lượng vũ trang được đào tạo cơ bản, tuyệt đối trung thành với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn. Nhiều cán bộ khoa học tâm huyết, say mê nghiên cứu, có đóng góp tích cực cho đất nước; cán bộ doanh nghiệp nhà nước thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, v.v.
Có thể nói, sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, ngang tầm thời đại, góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước. Hiện nay, nước ta nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, với mức thu nhập bình quân gần 3.000 USD/người/năm (năm 2019); tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là, với “phép thử” của đại dịch Covid-19 thời gian qua, Việt Nam một lần nữa minh chứng sự hòa quyện chặt chẽ giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện “mục tiêu kép” và trở thành hình mẫu, biểu tượng đẹp về phòng, chống đại dịch này, được thế giới ghi nhận; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Tuy vậy, công tác cán bộ và một bộ phận cán bộ vẫn còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, suy thoái,... trở thành “ung nhọt”, gây nhức nhối, bức xúc xã hội; trong đó, nổi cộm là biểu hiện của những “sâu mọt” cần loại bỏ ra khỏi hàng ngũ cán bộ trong tình hình hiện nay.
1. Một bộ phận cán bộ gục ngã bởi những “viên đạn bọc tiền” và lợi ích vật chất. Với quyết tâm chính trị cao, Đảng ta đã và đang đặc biệt quan tâm lãnh đạo quyết liệt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng - thứ “giặc nội xâm” và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”; đồng thời, lấy hình tượng “đốt lò” để nói về “cuộc chiến” này, trong đó chỉ rõ: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Từ đầu khóa XII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, cơ quan chức năng các cấp trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử công khai hàng chục vụ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; hàng trăm cán bộ các cấp đã bị xử lý kỷ luật, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến tháng 8/2020, có 02 Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nhiều người từng giữ cương vị bộ trưởng, thứ trưởng và nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, cán bộ chủ trì, chủ chốt, nguyên là chủ trì, chủ chốt một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tướng lĩnh, cán bộ giữ những trọng trách quan trọng trong lực lượng vũ trang,... đã phải chịu các hình thức kỷ luật của Đảng, sự trừng phạt của pháp luật. Đa số cán bộ vi phạm đều do thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến “tham nhũng quyền lực”, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, sa ngã trước lợi ích vật chất và bị những “viên đạn bọc tiền” bắn gục. Điển hình là các vụ án đã được báo chí phanh phui, như: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); “Nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone; “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - Ocean Bank và thậm chí ngay thời điểm cả nước cùng cộng đồng thế giới đang nỗ lực cao nhất để phòng, chống đại dịch Covid-19 vẫn có một số ít cán bộ lợi dụng chức vụ, nâng khống giá máy xét nghiệm Virus Corona (Covid-19) để trục lợi, vi phạm pháp luật, quy định của Thủ tướng Chính phủ, v.v. Đó là những “con sâu mọt” đục khoét kinh tế, tài sản, vật chất,... gây ra hệ lụy tiêu cực về mọi mặt đối với “thân thể” xã hội cần được loại bỏ công khai. Qua đó, khẳng định quyết tâm chính trị và không có “vùng cấm” trong “cuộc chiến” chống “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước ta. Với cách làm thận trọng, bài bản, rõ đến từng cá nhân vi phạm, không còn là “lỗi của tập thể”, đặc biệt là công khai trước dư luận, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đánh giá về thực trạng này, Đảng ta chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”3.
2. Tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng vặt trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều nơi. Quá trình tiến hành công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương tuy đã bám sát nguyên tắc, quy chế, quy trình, thủ tục,... hết sức chặt chẽ, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” dẫn đến việc bổ nhiệm những cán bộ không đủ tiêu chí về trình độ, năng lực, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân,... trong đó có cả cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quản lý. Hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy quy hoạch”, “chạy phiếu bầu”, “cánh hẩu”, “ái nữ”, “nâng đỡ không trong sáng”,... dẫn đến nhiều người thiếu tiêu chí “nhưng cho nợ” nên vẫn được bổ nhiệm và vẫn đúng “quy trình” diễn ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương trên cả nước. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, “ồ ạt”, “cả nhà làm quan”, “cả sở làm lãnh đạo”,... xảy ra ở một số địa phương, v.v. Thật đáng buồn là, một số cơ quan ở các cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương, tỷ lệ các chức danh cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước lớn gấp nhiều lần so với chuyên viên, nhân viên; trong đó, có những nơi tỷ lệ này là: cán bộ = 100%; chuyên viên, nhân viên = 0%. Các vụ việc được xử lý công khai thời gian qua cho thấy, tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, hệ lụy tiêu cực ngày càng lớn đối với xã hội; phạm vi, quy mô ngày càng rộng, kéo theo hàng loạt cán bộ vi phạm, v.v. Thực tế đó, đã và đang đặt ra yêu cầu có tính đột phá trong quá trình tiến hành công tác cán bộ nhằm khắc phục triệt để tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng vặt trong công tác này.
3. Công tác quản lý, giáo dục, kiểm tra và thanh lọc cán bộ còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW) ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đánh giá: “Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe”. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, giám sát thiếu chủ động, chưa thường xuyên, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm. Vì thế, có những cán bộ suy thoái phẩm chất, năng lực yếu nhưng vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, cất nhắc, bổ nhiệm và ngày càng “leo cao, chui sâu” vào bộ máy với vỏ bọc đó. Vậy nên, nhiều vụ việc vi phạm được xử lý thời gian qua là do nhân dân tố giác, hoặc do báo chí, các phương tiện thông tin, truyền thông phản ánh, sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc giải quyết. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới; việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Chất lượng công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Tình trạng sử dụng bằng giả để “leo cao, chui sâu” vào hệ thống chính trị chưa chấm dứt. Mới đây, có địa phương đã phát hiện trường hợp được quy hoạch vị trí chủ chốt cấp sở, nhưng lại dùng Bằng cấp 3 giả. Sự việc “khôi hài” này cũng diễn ra ở nhiều nơi, điển hình như: một nữ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng thuộc Tỉnh ủy Đăk Lăk dùng bằng cấp 3 giả suốt 20 năm, hay Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương không có bằng tốt nghiệp cấp 3, v.v. Những hiện tượng đó, phần lớn là do động cơ, mục đích cá nhân không trong sáng, họ tìm mọi cách có thể để “luồn, lách” qua cửa hẹp để lọt vào bộ máy, song trách nhiệm chính vẫn là sự yếu kém trong công tác quản lý, giáo dục, kiểm tra và thanh lọc cán bộ. Vì thế, đòi hỏi công tác này ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa phương cần có sự đổi mới, thực sự phát huy tốt vai trò, chức năng của mình, giúp Đảng, Nhà nước thanh lọc những phần tử cơ hội, bất tài,... ra khỏi hàng ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương.
4. Chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát, phản biện xã hội trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ thời gian qua được Nghị quyết số 26-NQ/TW chỉ rõ: “Chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; thiếu cơ chế phù hợp để cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân; chưa phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí”. Một thực tế là, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tuy đã phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cơ quan chức năng các cấp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, kết quả chưa gắn với sản phẩm cụ thể; nhiều trường hợp còn duy tình, cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận về cán bộ và công tác cán bộ chưa thực sự chú trọng. Cơ chế phản biện xã hội nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và các tầng lớp nhân dân trong tiến hành công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ chưa hiệu quả. Việc lấy tín nhiệm cán bộ, nhất là lấy ý kiến của các tổ chức quần chúng, các tầng lớp nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội làm kênh tham khảo để nhận xét, đánh giá cán bộ chưa phổ biến, chưa phản ánh đúng phẩm chất, năng lực thực tiễn của cán bộ.
Tình hình đó cùng với sự vận động, phát triển của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng nước ta hiện nay, đang đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, trình độ, năng lực của cán bộ và đòi hỏi quá trình tiến hành công tác này phải có tính chất đột phá, triệt để khắc phục những tình trạng nổi cộm trên, loại bỏ những “sâu mọt” ra khỏi hàng ngũ và xây dựng cho được đội ngũ cán bộ tốt, để việc gì cũng xong.
Hải Âu - Văn Thảnh
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
____________
1. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 313.
2. Luật cán bộ, công chức, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 8.
3. ĐCSVN – Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tháng 02/2020, tr. 6.
Kỳ sau: (II. Cán bộ tốt và một số yêu cầu đặt ra hiện nay)