1. Cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo có dung lượng chỉ trên 500 chữ, tiêu đề rất độc đáo, chỉ có một chữ “NHIỀU” nhưng ý nghĩa lại rất lớn: “Trong bộ máy của nhà nước, số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh cũng còn quá nhiều”1.
Khi viết tác phẩm này (tháng 3/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 70 tuổi, năm đó Người còn chủ trì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) và đây cũng là Đại hội đại biểu toàn quốc cuối cùng của Đảng mà Người có mặt. Nội dung của bài báo giúp chúng ta thấy rõ những điều mới mẻ, hiện đại trong tư duy quản lý và phong cách lãnh đạo của Người.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng vị trí việc làm. Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cần phải thiết kế hệ thống tổ chức bộ máy gọn nhẹ, không cồng kềnh, nhiều tầng nấc, không lẫn lộn, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để không rơi vào tình trạng không rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm; có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, thành thục các kỹ năng quản lý để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả… thì việc đọc lại và suy ngẫm về tác phẩm “Nhiều” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc này là vô cùng cần thiết. Bài báo đưa ra ví dụ sinh động để chúng ta nhận thức được sự giản dị mà sâu sắc trong tư tưởng và phong cách lãnh đạo, quản lý của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính triết lý sâu sắc và trong không ít trường hợp còn lấp lánh một tinh thần minh triết. Bài báo mang tựa đề một chữ “Nhiều” của Người là một minh chứng rất điển hình. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa “hàm ngôn” và “hiển ngôn”. Hàm ngôn trong câu chữ, lời văn là sự phát hiện những điều phi lý, những tình huống nghịch lý cần phải phê phán công khai và nghiêm khắc. Đó là sự thẳng thắn, trung thực về đạo đức và trách nhiệm chính trị trong quản lý nhà nước của Người.
Hiển ngôn trong biểu đạt tư tưởng, trong phong cách trình bày. Những gì mà Người nói về bộ máy và con người đều toát lên tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo để kiến tạo phát triển. Hơn chín thập kỷ trước đây, khi ấy Đảng ta còn chưa ra đời, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927). Đó là một trong năm tác phẩm tiêu biểu của Người2 được xem là Quốc bảo, cũng đồng thời là Pháp bảo trong các bảo vật quốc gia của Việt Nam. Trong tác phẩm này, Người nêu ra một định nghĩa về cách mạng, hết sức giản dị, đời thường, không một chút hàn lâm, bác học mà lại có giá trị ở tầm kinh điển: Cách mệnh là gì? Và Người giải thích: Cách mệnh là phá cái cũ, đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt3.
2. Để nhận thức rõ về chân giá trị và ý nghĩa bài báo “Nhiều”của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết cần đọc lại một đoạn trích tiêu biểu: “Chúng ta muốn nước nhà giàu mạnh, nhân dân no ấm nên phải luôn luôn cố gắng sắp xếp để có thêm nhiều người trực tiếp sản xuất. Còn số người không trực tiếp sản xuất thì càng ít càng tốt, nhưng phải thông thạo công việc để đủ sức gánh vác nhiệm vụ.
Trong bộ máy của nhà nước, số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh cũng còn quá nhiều. Ví dụ: Đến một vài cơ quan, chúng ta vẫn phải qua quá nhiều “cửa ải”. Ngoài cổng, một người xem giấy. Vào phòng thường trực lại một người ghi tên. Ở chân cầu thang, một người ách lại, đến đầu cầu thang lại một người “hỏi han”. Thật là phung phí sức lao động!
Phải chủ động tìm ra và kiên quyết sửa đổi những chỗ không hợp lý trong sản xuất, trong công tác. Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”.
Ví dụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây đã 60 năm về bố trí người làm việc trong bộ máy nhà nước, trong cung cách quản lý của chúng ta, vừa làm rõ thực trạng, vừa hàm ý phê phán. Cơ quan nào cũng có bộ phận hành chính để lo các công việc phục vụ, mà chúng ta thường gọi là hậu cần. Tổ chức đứng ra phụ trách công việc phục vụ được gọi là văn phòng. Đó cũng là lẽ đương nhiên, cần thiết. Vấn đề là ở chỗ, có quá nhiều người cùng làm một việc, thuộc lao động giản đơn, lẽ ra chỉ cần một người lại thành ra những bốn người. Không vì thế mà việc tốt lên, nó chỉ nói lên sự rườm rà, nhiêu khê, gây cảm giác khó chịu, bực bội cho người đến công sở liên hệ công tác.
Ví dụ Người nêu ra không phải là cá biệt mà là phổ biến. Phổ biến bởi quá nhiều “cửa ải”, bởi quá nhiều những người “làm việc giấy tờ, làm những việc linh tinh” trong các cơ quan, công sở. Đó là tình trạng hành chính hóa trong quản lý một thời, song đến nay vẫn tồn tại ở nhiều cơ quan, tổ chức.
Chỉ bằng một ví dụ, diễn tả trong một vài câu, chữ, Người đã cho chúng ta cảm nhận được một thực tế bi hài, đáng buồn, đáng trách và rất đáng phải cải cách để thay đổi.
Đã nói đến nhà nước - xét về mặt bộ máy, và quản lý - xét về mặt chức năng, nhiệm vụ thì hành chính là cần thiết. Song chỉ cần thiết khi nó hợp lý và vừa đủ nhân lực để vận hành bộ máy, tạo ra hiệu quả hoạt động và năng suất, chất lượng công việc.
Quản lý cần đến hành chính, gắn với hành chính nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn thường gọi là quản lý hành chính, xử lý hành chính như một quy định, một chế độ. Song hành chính phải dựa trên cơ sở khoa học. Bản thân nó cần được nghiên cứu với tính cách là một khoa học - khoa học hành chính, có liên hệ mật thiết với chính trị học. Chúng ta chỉ phê phán tình trạng hành chính hóa, quan liêu hóa mà một trong những biểu hiện của nó là bệnh giấy tờ, bệnh hội họp, bệnh hình thức trong quản lý, trong điều hành chính sự chứ không bao giờ xem nhẹ công tác hành chính, càng không bao giờ xem nhẹ khoa học hành chính. Đây là một khoa học cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để đảm bảo cho tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan công quyền ngày càng khoa học hơn, tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao hơn, các hoạt động tác nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước trở nên thành thục, nề nếp được hình thành và kỷ cương được giữ vững.
Không dựa trên cơ sở khoa học của quản lý với những đặc trưng chính trị và pháp lý, đạo đức và văn hóa, thì tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý của nhà nước khó đáp ứng được yêu cầu của nhà nước pháp quyền dân chủ và hiện đại.
Không đào tạo cẩn thận và bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, công sở gắn với công tác kiểm tra, giám sát trong bộ máy, đồng thời tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào kiểm tra, giám sát các công việc của nhà nước, các việc làm và hành vi của cán bộ, công chức… thì việc thực thi chế độ ủy quyền mà nhân dân giao phó cho nhà nước khó đạt được kết quả như mong muốn.
Nói đến nhà nước pháp quyền, ở đây là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nói đến hai điều cốt yếu:
Thứ nhất, tôn trọng nhân dân, phục vụ và bảo vệ nhân dân, bởi dân là chủ, dân làm chủ, dân là chủ thể gốc, chủ thể xã hội của mọi quyền lực.
Thứ hai, pháp luật là tối thượng. Thượng tôn pháp luật là sinh khí của nhà nước pháp quyền, là sức mạnh, hiệu lực của một nền dân chủ thực chất, vì nhân dân.
Mọi việc làm, mọi quyết định của các cơ quan nhà nước theo chức trách và thẩm quyền, mọi hành vi ứng xử của công chức, viên chức, nhân dân trong các cơ quan, công sở phải luôn thể hiện được tinh thần trọng dân gắn liền với trọng pháp.
Trên thực tế, chúng ta chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên và nghiêm túc những yêu cầu đó. Có không ít những biểu hiện tùy tiện, thiếu trách nhiệm, thậm chí sai lệch các chuẩn mực đạo đức và văn hóa của một số người trong bộ máy hành chính khi làm việc, ứng xử với nhân dân. Quan hệ giữa nhà nước với công dân biểu hiện trực tiếp bởi mối quan hệ giữa công chức (người làm việc trong bộ máy công quyền) với các công dân, từ những việc làm hàng ngày và ứng xử với nhân dân khi giải quyết công việc.
V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh một luận điểm quan trọng về quan hệ giữa chính trị với bộ máy trong cải cách nhà nước: “Bộ máy phải hoàn toàn phục vụ chính trị”4, chứ chính trị không phục vụ bộ máy (nghĩa là không biến bộ máy trở thành một sự cản trở, kìm hãm hoạt động và lợi ích chung của xã hội).
Với chủ trương “Thà ít mà tốt” khi tiến hành cải cách bộ máy và tăng cường sức mạnh của thể chế, nhất là tính nghiêm minh của luật pháp và tính chuyên nghiệp, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, kỷ luật và đạo đức là đòi hỏi nhất thiết phải có đối với những người làm việc của nhà nước và cho nhân dân. Muốn vậy, phải chọn đúng người, giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên5. Đó là đảm bảo tối cần thiết cho sức mạnh của tổ chức - một cơ quan hành động chứ không phải nói suông, phải lên án bệnh giấy tờ và tệ quan liêu. Việc có quá nhiều người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói từ những năm 60 của thế kỷ XX cũng thể hiện tinh thần phê phán đó của V.I.Lênin.
Trong thực tế, đã lập ra tổ chức thì phải bố trí người làm việc. Đã bố trí người làm việc thì phải trả lương, không ít trường hợp còn phải có chức danh, chức vụ. Bố trí quá nhiều người trong một bộ máy, nhiều người cùng làm một việc - những việc giản đơn, giấy tờ, linh tinh tạo ra hiện tượng “ký sinh” vào nhà nước, ăn bám xã hội. Lương dù thấp, dàn đều, bình quân nhưng vẫn là lương. Mà lương lấy từ đâu ra? Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hỏi như vậy và Người trả lời: Chính phủ không có sẵn quyền và tiền. Quyền là do dân ủy thác, trao cho mà có. Tiền để Chính phủ trả lương cho cán bộ là từ những đồng tiền thuế của dân đóng góp. Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng hàng ngày đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Nếu ai làm việc lười biếng, cẩu thả, tắc trách thì đã lừa gạt dân chúng (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Cũng từ thực tế và hiện trạng đáng buồn mà Người đã chỉ ra và phê phán, ta thấy rõ một tình huống có tính phổ biến: Ở đâu cũng thiếu người, mà ở đâu cũng thừa người. Đây là nghịch lý, cản trở sự phát triển. Thiếu người tài giỏi, thiếu chuyên gia, nhất là chuyên gia đầu ngành trong bộ máy nhà nước, rộng hơn là trong các cơ quan Đảng - Nhà nước - Đoàn thể của hệ thống chính trị nhưng lại thừa, thậm chí có nơi quá thừa những người thiếu chuyên môn, thiếu năng lực, trình độ cần thiết đảm đương công việc nên không làm được việc, không biết đưa họ đi đâu, bố trí thế nào. Lại thêm bệnh cả nể, nể nang, “dĩ hòa vi quý” để rồi tổ chức phình ra, người hưởng lương cứ thế mà tăng lên, càng nói giảm biên chế thì biên chế lại càng tăng, trong khi ngân sách có hạn, sức đóng góp của nhân dân cũng có giới hạn.
Sinh thời, nhất là những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ chủ trương “phải giảm dần sự đóng góp của dân”. Ở nước ta, không chỉ có quá nhiều người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh mà ở một số địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn có những chuyện thật như đùa, tưởng đùa lại hóa thật đã bị công luận, báo chí lên tiếng. Đó là, có những cơ quan mà “sếp” (người có chức vụ) lại nhiều hơn, đông hơn nhân viên6. Đó là điều bức bối không thể chấp nhận được và với quyết tâm chấn chỉnh, cải cách chúng ta đã sửa chữa. Cuộc sống của người dân, những điều người dân mong muốn, đòi hỏi một cách chính đáng buộc chúng ta phải sửa chữa, thay đổi.
Theo tư tưởng của V.I.Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong công tác quản lý, cần phải nhất quán về nguyên tắc: Từ yêu cầu, nhu cầu thực của phát triển, của nhiệm vụ chính trị mà lập ra (hoặc giải thể) tổ chức, thiết kế bộ máy và bố trí con người cho tương xứng chứ không phải ngược lại. Nói một cách khác, phải kiên quyết vì việc mà đặt người chứ không thể vì người mà sinh việc, mà “đẻ” thêm tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta “không được làm gì trái ý dân”, “phải làm điều lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm cho bằng được”, “phải tránh điều hại tới dân, dù chỉ là một cái hại nhỏ”. Đó là những ẩn ý sâu xa trong một chữ NHIỀU của Người.
3. Trong bài báo, đoạn nói về có quá nhiều người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh, tuy chỉ có 200 chữ nhưng biểu đạt nhiều thông điệp cần phải thấm nhuần và thực hiện.
- Thông điệp thứ nhất, Người phê phán nghiêm khắc tình trạng “phung phí sức lao động”7. Chúng ta đang khắc phục và xóa bỏ tình trạng này bằng cách xác định thật rõ vị trí việc làm và đặt đúng người vào từng vị trí việc làm đó.
- Thông điệp thứ hai, về cải cách, về đổi mới, Người nhấn mạnh: “Phải chủ động tìm ra và kiên quyết sửa đổi những chỗ không hợp lý trong sản xuất, trong công tác”8.
Người còn đòi hỏi phải “dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao”9. Theo Người, “đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”10.
Tinh thần và lời văn từ thông điệp này của Người cho thấy: cần một thái độ nhìn thẳng vào sự thật, từ đó phải kiên quyết sửa đổi. Thái độ phải đi liền với hành động. Phải thay đổi cách nghĩ để thay đổi cách làm. Năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Ngay ở phần đầu tác phẩm, Người đã nêu rõ “phê bình và sửa chữa”, tập trung vào sửa chữa ba chứng bệnh mà cán bộ hay mắc phải: bệnh chủ quan trong nhận thức, bệnh hẹp hòi trong việc dùng người và thói ba hoa, nói nhiều làm ít, phù phiếm, khoa trương…11.
Năm 1986, tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng, khi khởi xướng đường lối đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh “trước hết, phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế” và tiến hành “đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống”. Trải qua thực tiễn đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong hoạch định cũng như tổ chức thực hiện đường lối, chính sách. Học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh là giải pháp chiến lược không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh mà còn trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển xã hội và hiện đại hóa đất nước.
Điều quan trọng trong thông điệp của Người là muốn cải cách, đổi mới thành công phải vượt qua rất nhiều lực cản, phải “dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân”… Người từng nói: thói quen rất khó đổi. Có nhiều cái cũ, cái xấu đã tỏ ra lỗi thời nhưng vì đã quá quen, người ta vẫn cho là thường. Có những cái mới, cái tốt tiến bộ nhưng chưa quen người ta vẫn chống lại: “Cái tốt mà lạ người ta có thể cho là xấu, cái xấu mà quen người ta cho là thường”12. Do đó, để cải cách, đổi mới phải vượt qua những cái cũ, những thói quen xấu, vượt qua những sức ỳ có sẵn ở những nếp cũ, thói quen cũ, kiên quyết đổi mới hướng tới những cái mới, tiến bộ.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái xấu và cái tốt là hết sức gian nan, phức tạp. Đổi mới mang ý nghĩa cách mạng, trước hết phải cách mạng hóa từ tâm lý, ý thức của mỗi người, phải tự đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy trong mỗi chủ thể (con người và tổ chức), thiết chế bộ máy đến thể chế, chính sách và cơ chế.
Mặt khác, “những sự tính toán cá nhân”, liên quan trực tiếp đến động cơ, đến đạo đức. Những sự tính toán cá nhân đó, Người gọi là chủ nghĩa cá nhân, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình trước hết, chỉ muốn mọi người vì mình. Lợi cho mình thì quan tâm, còn hại cho người khác, cho công việc chung của xã hội thì mặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “bệnh mẹ”, bệnh gốc, đẻ ra vô số các thứ bệnh con khác, là kẻ thù nguy hiểm nhất, là “giặc nội xâm”, ẩn nấp trong mỗi người, phá từ trong phá ra, làm suy yếu tổ chức, làm hư hỏng cán bộ.
Khi nhấn mạnh, “phải dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ những lực cản nặng nề cả vô hình lẫn hữu hình trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Chỉ có vượt qua những lực cản, san bằng các trở ngại này thì mới dẫn đến động lực thúc đẩy để tiến lên không ngừng.
- Thông điệp thứ ba, mang ý nghĩa quản lý tổ chức và con người, “phải luôn luôn cố gắng sắp xếp để có thêm nhiều người trực tiếp sản xuất. Còn số người không trực tiếp sản xuất thì càng ít càng tốt, nhưng phải thông thạo công việc, đủ sức gánh vác nhiệm vụ”13. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản lý nhân lực lao động là người lao động trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội phải nhiều, phải bổ sung thêm nhiều và người lao động gián tiếp, phải ít, càng ít càng tốt, do đó phải giảm thiểu xuống mức ít nhất, muốn vậy phải chọn người thông thạo công việc để tinh gọn đi liền với hiệu quả. Điều này đã được Đảng ta xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII. Rất mừng là trong các đề án vị trí việc làm được phê duyệt của các cơ quan, tổ chức thời gian qua cho thấy, số vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ đã giảm đi rất nhiều.
Bộ phận trực tiếp sản xuất tăng, bộ phận gián tiếp sản xuất giảm, đó là hướng đi tất yếu, đổi mới cơ cấu nhân lực trong sản xuất, trong kinh tế, tạo nên tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, sự phồn vinh giàu có của xã hội, tránh lãng phí các nguồn lực mà nguồn lực lớn nhất, quan trọng và quyết định nhất là nguồn lực con người, là sức lao động.
Giảm đi nhiều điều không hợp lý, tăng lên nhiều điều hợp lý trong sản xuất và công tác cũng có ý nghĩa là khuyết điểm thì phải khắc phục và ưu điểm thì phải phát huy. Cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi(14). Muốn vậy, phải cố gắng nữa, cố gắng mãi để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi. Đó là phương châm và mục đích của cải cách, của đổi mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa trong sự nghiệp đổi mới lâu dài hướng tới phát triển bền vững ở nước ta./.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
- Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên, Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước
Tâm Trang (st)
--------------------------------
Ghi chú:
1, 7, 8, 9, 10, 13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, sđd, tr.499, tr.500, tr.500, tr.500, tr.499.
2. Năm tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống Bảo vật Quốc gia Việt Nam gồm có: “Đường Kách mệnh”, 1927; “Nhật ký trong tù” (1942 - 1943); “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946); “Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chống Mỹ, cứu nước” (17/7/1966) và “Di chúc” (1965 - 1969).
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Sđd, tr.284.
4. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, M.1979, tr.87.
5. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, M.1979, tr.248.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của một tỉnh có mấy chục người, nhưng hầu hết đều là người có chức vụ. Có ban đảng của một huyện không có chuyên viên, chỉ có trưởng ban và phó trưởng ban. Trong các bộ và các ban đảng ở Trung ương, số thứ trưởng và phó trưởng ban cũng rất nhiều.
11, 12, 14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, sđd, tr.273-279, tr.125, tr.272.