Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ bài giảng đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách mệnh(1) đến bản Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng.
Vấn đề đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn có sự nhất quán và tính lôgic cao về tinh thần cách mạng cũng như phương pháp tư duy, nhất là phương pháp tư duy khoa học, tư duy biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức của nhân loại, Người còn phát triển và sáng tạo những giá trị tư tưởng đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tầm quan trọng của đạo đức bao giờ cũng được Người đặt ở vị trí hàng đầu. Ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời, không phải ngẫu nhiên những bài giảng đầu tiên của Người cho thế hệ thanh niên yêu nước đầu tiên ở nước ta theo con đường cách mạng vô sản là những bài giảng về tư cách của người cách mạng. Trong trang đầu cuốn Đường Kách mệnh - Người đã ghi 23 nét tư cách của một người cách mạng trong ứng xử với mình, với người, với đời, với việc. Đó là những chuẩn mực: “Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cận thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng ham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối với người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể”(2).
Trên cơ sở nhận thức về nền tảng của việc hình thành đạo đức mới, vấn đề đạo đức cách mạng được Người nhắc lại nội dung tương tự khi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, năm 1947, nhưng cụ thể hơn(3), gồm 5 điểm: Một, Mình đối với mình; hai, Đối với đồng chí mình phải thế nào?; ba, Đối với công việc phải thế nào?; bốn, Đối với nhân dân; và năm, Đối với đoàn thể. Với những lời căn dặn này cho thấy, Người đã đặt vấn đề đạo đức cách mạng một cách rất lôgic và có cơ sở khoa học về các quan hệ lợi ích. Hầu như các nguyên tắc đạo đức Người đề ra trước hết cho mình thực hiện, sau đó mới để giáo dục người khác, có thể nêu ra một số chuẩn mực cơ bản về đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người, như sau:
1/ Nếu bài học về đạo đức cách mạng đầu tiên trong cuốn Đường Kách mệnh, Người chỉ đề ra những nguyên lý chung thể hiện mối quan hệ giữa ba khía cạnh, phản ánh mối quan hệ đạo đức mới, đạo đức cách mạng mà người cách mạng cần quán triệt trước tiên, đồng thời nêu cao việc tu dưỡng đạo đức cách mạng; thì ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã đề ra những nguyên tắc về hành vi đạo đức cách mạng đối với người có chức, có quyền trong Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, Người đề nghị: “Mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính” để “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động”.
Người coi cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất của con người mới, đồng thời là chuẩn mực cơ bản của nền đạo đức mới của dân tộc ta. Đây là phẩm chất được Người đề cập đến nhiều nhất, thường xuyên nhất với một nội dung đạo đức mới rất cách mạng mà vẫn giữ được nền tảng của các khái niệm đạo đức cũ rất quen thuộc với mọi người. Phẩm chất này gắn liền với họat động hàng ngày của mỗi con người và có quan hệ mật thiết với tư tưởng trung với nước, hiếu với dân. Chí công vô tư về thực chất là nối tiếp cần, kiệm, liêm, chính. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại. Người có tinh thần chí công vô tư là người ham làm những việc ích nước, lợi dân, không ham địa vị, công danh, phú quý, không nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Người cho rằng những cán bộ, đảng viên có đầy đủ đức tính nêu trên sẽ đứng vững trước mọi thử thách, hơn nữa yêu cầu họ phải thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với người, với việc và với chính mình.
Người từng nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công, vô tư. Mình đã chí công, vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(4). Có thể thấy rằng từ các khái niệm đạo đức cũ như: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, Người đã đưa vào đây nội dung đạo đức mới bằng cách giải thích nó theo quan niệm mới, với một nội dung hoàn toàn khác, rất cách mạng, phản ánh các mối quan hệ một cách rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu.
2/ Từ nội dung hẹp của các phạm trù đạo đức cũ, Người mở rộng, đưa vào đây một nội dung rất mới, tiến bộ, cách mạng, vượt qua những hạn chế của tư tưởng đạo đức truyền thống và nâng lên thành tư tưởng đạo đức mới, mà tiêu biểu nhất là các khái niệm: Trung, hiếu, nhân, nghĩa… “Từ trung với vua thành trung với nước; từ hiếu với cha mẹ mình thành hiếu với dân; từ nhân chỉ là nhân ái thành nhân dân, từ cần cho riêng mình thành cần cho cả xã hội; từ kiệm cho riêng mình thành tiết kiệm chung phục vụ cho đất nước; từ liêm nghĩa là liêm khiết, không tham nhũng, nghĩa là chỉ giữ cho bản thân mình trong sạch, Người mở rộng thành vấn đề liêm khiết mang tính xã hội; từ chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn, Người chuyển sang vấn đề thiện, ác; làm việc chính, là người thiện; làm việc tà là người ác”(5). Người nhấn mạnh: “Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(6). Trung với nước, hiếu với dân được coi là nội dung cơ bản nhất, bao trùm nhất trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Người, thể hiện mối quan hệ giữa con người với Tổ quốc và nhân dân. “Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nước ở đây là nước của dân, dân là chủ nhân của đất nước. Người cho rằng bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Xuất phát từ quan niệm như vậy, nên “hiếu” trong tư tưởng của Người chính là “Hiếu với dân”. Hiếu với dân không chỉ là xem người dân như đối tượng dạy dỗ, ban ơn mà là đối tượng phải phục vụ hết lòng. Ở người, lý luận luôn gắn chặt với thực tiễn, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Cuộc đời của Người là minh chứng sinh động về tư tưởng tận trung với nước, tận hiếu với dân.
3/ Nếu như trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất của mỗi con người - công dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, thì yêu thương con người là trách nhiệm của mỗi con người đối với con người. Người cho đây là phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Yêu thương con người trước hết là tình cảm dành cho những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ. Yêu thương con người còn được thể hiện trong mối quan hệ hàng ngày với những người đồng chí xung quanh, trong cuộc sống bình thường. Phải luôn nghiêm khắc với bản thân, nhưng rộng rãi độ lượng với ngươì khác. Điều đặc biệt là ở Người, yêu thương con người luôn luôn gắn với niềm tin vào con người, tin vào lương tri, tin vào lòng dũng cảm, tin vào sức sáng tạo của họ trong hành trình con người tự giải phóng lấy mình, để con người làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình.
4/ Người đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cá nhân và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại tạo ra trong quan niệm về đạo đức cách mạng sự hài hòa về các mối quan hệ lợi ích. Theo Người, tinh thần quốc tế trong sáng thực chất là chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người cho rằng nếu tinh thần yêu nước không chân chính, tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn tới tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, hẹp hòi, sô vanh, biệt lập, kỳ thị chủng tộc. Từ rất sớm, Người đã chủ trương quan hệ với các quốc gia dân tộc và các tổ chức trên thế giới để thêm bạn, bớt thù. Quan điểm dân tộc đã được thổi vào thời đại, đã vượt qua biên giới quốc gia, hướng tới mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Cần nhấn mạnh là tuy có những cách định nghĩa khác nhau về nội hàm các khái niệm đạo đức cách mạng, nhưng nhìn chung ở Người đều có sự nhất quán về tinh thần cách mạng và phương pháp tư duy. Từ các khái niệm, phạm trù của các tư tưởng đạo đức đã có từ trước như: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; từ trung, hiếu, đến thiện, ác... bao giờ Người cũng có cách giải thích riêng về những chuẩn mực đạo đức phù hợp dễ hiểu, dễ chấp nhận với từng đối tượng, với mọi tầng lớp nhân dân: trí thức, quân đội, công an, công nhân, nông dân, phụ nữ, phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng... Đề cao đạo đức mới, Người đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng về nhân cách con người. Những phẩm chất mà Người nêu ra là nhằm hướng con người tới cái thiện, cái tốt, cái cao cả, đồng thời ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện thoái hóa, biến chất có thể xảy ra, đặc biệt là chống khuynh hướng lạm dụng quyền lực để tham nhũng, lãng phí. Ngay cả trước khi qua đời, việc đầu tiên được đề cập đến trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân là nói về Đảng, việc đầu tiên khi đề cập đến Đảng là đạo đức, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(7).
Tóm lại, từ bài viết đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách mệnh đến bản Di chúc cuối cùng, dù ở những thời điểm lịch sử khác nhau nhưng tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng đều có sức thuyết phục rất cao, có sức sống mạnh mẽ và có giá trị lâu bền. Bởi đó là sự thống nhất giữa lời nói, tư tưởng và hành động. Người đặt vấn đề đạo đức cách mạng từ lĩnh vực lý luận sang lĩnh vực thực tiễn, đưa đạo đức cách mạng vào chính sự nghiệp cách mạng, coi đó là một trong những nguyên tắc hoạt động cách mạng, phản ánh các quan hệ mới về lợi ích tạo ra nền tảng vững chắc của chính quyền cách mạng nói chung và người cách mạng nói riêng.
[1] Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927 - đây là một tác phẩm lý luận và chính trị vô cùng quan trọng, gồm những đề cương bài giảng của Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng cho các lớp huấn luyện chính trị được tổ chức bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc từ đầu năm 1925 nhằm đào tạo cán bộ cách mạng nước ta, chuẩn bị về tư tưởng, đường lối và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng mác xít của giai cấp công nhân Việt Nam.
[2] Nguyễn Ái Quốc. Đường Kách mệnh. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1982, tr..22-23.
[3] Xem thêm: Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 54-55.
[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. Sđd, tr. 251.
[5] Thành Duy, Văn hóa đạo đức: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 35.
[6] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 480.
[7] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12, Sđd, tr. 510.
Theo: dangcongsan.vn
Tâm Trang(st)