Ngày 18 tháng 1 năm 1946, mới 5 tháng sau ngày 19 tháng 8, nhân dân ta giành được chính quyền ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đi kiểm tra công tác “giác ngộ” những người lầm lỗi ở nhà giam Hỏa Lò và ở Nha Công an.
Tháng 1 năm 1946 là một tháng trong những tháng “ngàn cân treo sợi tóc” của nước cộng hòa non trẻ Việt Nam. Và ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sáng sớm đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ H.Truman qua bài diễn văn ngày 28 tháng 10 năm 1945 của Tổng thống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết trong thư lên án sự trở lại của quân đội Pháp và yêu cầu Tổng thống Mỹ “can thiệp ngay lập tức và có giải phóng để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”.
Thư viết xong, đã thấy một cán bộ của Văn phòng Phủ Chủ tịch, trình Chủ tịch nước ký một loạt sắc lệnh, trong đó có Sắc lệnh giải tán tổ chức Quỹ cứu trợ mang tên Toàn quyền Đông Dương Brêviê và của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Nhi đồng An Nam do chính quyền cũ tổ chức, để lại.
Sau đó, Hồ Chủ tịch tới nhà giam ở trên phố Hỏa Lò. Người đến đây với tư cách người ông, người cha, xót thương cho những con cháu lỗi lầm, nước đã độc lập tự do mà họ còn ngồi trong bốn bức tường nhà tù.
Bác đi một vòng xem nhà bếp, nhà ăn, phòng tắm, phòng giam. Ngôi bên họ, không sợ hôi hám, bẩn thỉu, Bác nghe những đứa con nhẹ dạ, không hiểu biết đầy đủ luật pháp đã phạm sai lầm phân trần. Thông cảm với sự hồi tâm, hối tiếc của những người bị giam giữ, Bác khuyên họ mau chóng sửa chữa để xứng đáng là công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để góp công, góp sức vào công cuộc kiến thiết nước nhà…
Nước mắt lưng tròng, những người đeo số tù ấy không ai vận động ai đều đứng lên hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”
Họ có biết đâu là Hồ Chủ tịch của họ cũng rưng rưng nước mắt. Bác nói: “Nên đổi chữ trại giam thành khu giác ngộ”. Giác ngộ là danh từ nhà Phật. Tự mình răn mình, lánh xa điều ác, chăm giữ điều thiện để trở về với con người chân chính, là giác ngộ. Bác không vui, dù rằng nếu có đổi ra “Khu giác ngộ” cũng là “trại giam” mà thôi… ý xót thương, tấm lòng bao dung của Bác muốn cho cán bộ trại không nên coi đấy là nơi đọa đầy họ và họ cũng chẳng nên phẫn chí, cùng đường ở nơi “đầy đọa” này…
Có lẽ hình ảnh những con người Việt Nam ấy, sau 80 năm nô lệ, chưa được độc lập tự do luôn trở về trong tâm trí Bác.
Mười tháng sau, mới 2 ngày sau khi từ Paris về Hà Nội, Bác lại đến thăm “Khu giác ngộ”, thăm số công an viên đang chuẩn bị đi làm nhiệm vụ.
Nói chuyện với trại viên “Khu giác ngộ”, Bác an ủi họ: “Anh chị em vì hám lợi mà làm sai nên phải vào đây chờ pháp luật xét xử”. Nhưng khi gặp cán bộ khu, Bác căn dặn: “Nên chăm sóc hơn đối với người bị giam. Phải xét ngay và xét kỹ cho họ khỏi bị oan uổng”.
Trong cơn lốc của cuộc cách mạng, trong buổi đầu lập nước, tránh sao khỏi những việc oan uổng trong dân… Bác biết và Bác nói hộ lời của dân “xin đừng giam lâu, xin đừng xét oan…”
Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Baclieu.gov.vn
Tâm Trang (st)