5. “Hôn nó một cái thì có mất gì”

Năm 1946, Bác đi thăm Pháp trở về, đến Vịnh Hạ Long, Người có cuộc đàm phán trên tàu với Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ. Khi gặp, Bác đã chủ động ôm hôn Đô đốc. Những người tháp tùng Bác tỏ ý thắc mắc, Bác nói:

- Đánh nhau thì đánh nhau, mình hôn nó một cái thì có mất gì!

Hôm sau báo chí đăng ảnh và bình luận: “Hồ Chủ tịch ôm hôn Đô đốc chính là ôm chặt để bóp chết…”

6. “Ông cụ thân sinh ra mình là”

Năm 1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Bác sang thăm Pháp với tư cách một thượng khách. Người phụ trách làm hộ chiếu xin phép Bác làm thủ tục. Bác nói:

- Chú cứ hỏi, mình sẽ khai đầy đủ.

Đến câu hỏi: “Tên cụ thân sinh ra Bác là gì ?”, Bác trả lời:

- Mình là Hồ Chí Minh thì cụ thân sinh ra mình là Hồ Chí Thông.

Mọi người nhìn nhau cười vui.

7. Bộ khung và bức họa

Sau chuyến thăm chính thức nước Pháp với tư cách là thượng khách của nước này năm 1946, Bác về nước bằng tàu thủy. Về đến vùng biển của Cam Ranh, Bác nhận được bức điện của Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ, xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị, Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc Hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ nói đùa nhưng đầy sự ám thị bóng gió:

- Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của Hải quân và Lục quân đó.

Bác thản nhiên mỉm cười :

- Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải ở bộ khung. Chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung.

8. Tài ứng khẩu của Bác

Có rất nhiều mẩu chuyện nói lên tài ứng khẩu của Bác, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp, sự phản xạ tuyệt vời và cũng nhiều khi rất dí dỏm. Có lần, một người nước ngoài hỏi Bác:

- Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không ?

Bác trả lời:

- Ông cứ đến Nguyễn Ái Quốc mà hỏi.

Một nhà báo nước ngoài xin phỏng vấn Bác, ông ta đặt câu hỏi :

- Thưa Chủ tịch, trước hoạt động ở nước ngoài vào tù ra khám, nay hoạt động ở trong nước, Chủ tịch có thấy gì thay đổi trong đời mình không?

Bác trả lời hóm hỉnh:

- Không, không có gì thay đổi cả, lúc bị tù ở Quảng Tây luôn luôn có hai lính gác giải đi, lúc trong tù mỗi ngày 5 phút được hai người lính bồng súng giải đi dạo chơi. Nay làm Chủ tịch nước, đi đâu cũng có hai người bảo vệ mang súng lục đi theo, ông thấy có gì thay đổi không nào?   

9. Những đêm lửa trại

Một buổi chiều tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ tìm ông Hoàng Đạo Thúy, bảo:

- Tối nay, Cụ tổ chức lửa trại nhé!

- Thưa Cụ, chỉ có mấy ông cụ già với mấy ông Bộ trưởng bận bịu, lửa trại khó vui được lắm!

- Có vui chứ!

Ông Hoàng Đạo Thúy nảy ra một ý tinh nghịch:

- Nếu tôi làm “trùm lửa” thì ai cũng phải nghe tôi đấy!

- Nhất định thế!

Bác Hồ vừa trả lời vừa tủm tỉm cười, chắc Người hiểu ý ông Hoàng Đạo Thúy.

Lửa bùng lên. Ngồi quanh có Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng, cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Bá Trực và mười ông Bộ trưởng. Ông Thúy chắp tay:

- Xin mời Cụ Chủ tịch hát mở lửa trại!

Chẳng ngần ngừ gì cả, Bác Hồ vừa bước quanh lửa trại vừa cất tiếng hát:

“Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu

Dấy binh, lấy lau làm cờ… ”

Ai cũng thấy lạ, vì sao Người biết bài hát ấy? Bác cười:

- Bọn hướng đạo nó dạy tôi đấy!

Một lần khác bác sĩ Trần Duy Hưng được Bác đề bạt làm “trùm lửa”. Bác sĩ Hưng cũng trêu Bác - trêu một cách kính mến thôi - chứ Bác không bao giờ bị bí cả.

Hai người ngồi bên Bác, giang tay làm tàu bay, mồm kêu “ ù, ù” bác sĩ Hưng gọi loa:

- “A lô, a lô! Đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh, Cụ Chủ tịch vào thăm đồng bào! Cụ có huấn thị…”

- Bác đứng nhổm ngay dậy:

- “A lô đồng bào! Tôi vào thăm đồng bào. Đi tàu bay mệt quá, xin để bác sĩ Trần Duy Hưng nói với đồng bào thay tôi!”

Thế là Bác sĩ Trần Duy Hưng đâm ra cuống.

Tâm Trang(st)

 

  

Bài viết khác: