Nhà nước ta đề cập đến việc từ chức từ rất sớm. Giành được chính quyền mới được 36 ngày, Chủ tịch nước đã khuyến khích cán bộ phạm lỗi lầm rất nặng nề từ chức. Ngày 17/10/1945, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng Báo Cứu Quốc ngày 17/10/1945.

dang la cong boc cua nhan dan
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương về sự liên hệ chặt chẽ với nhân dân

Trong Thư, Hồ Chủ tịch khen cán bộ có 2 dòng còn phê phán những lỗi lầm rất nặng nề những 29 dòng. Một số cán bộ có chức, có quyền mới trên dưới một tháng đã ăn tiêu xa xỉ, dùng xe công chở vợ con đi chơi, đưa anh em, họ hàng vào làm ở cơ quan còn người có thực tài lại không dùng vì không cùng cánh, kích động tầng lớp này chống tầng lớp kia, lên mặt “quan cách mạng” coi thường dân, dựa vào quyền có trong tay để trả thù cá nhân... Một tuần lễ sau khi có Thư gửi gửi Ủy ban nhân dân các cấp, trên Báo Cờ Giải phóng, tiếng nói của Đảng ngày 25/10/1945 đăng bài: “Một thái độ” của Hồ Chủ tịch ký bút danh Điền Tử. Tác giả Điền Tử nhân danh là Chủ tịch một làng (xã) trả lời nhà báo về “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” của Hồ Chủ tịch. Tác giả nói: “Thư Cụ chỉ là những lời phê bình nhẹ nhàng, những lời khuyên nhủ thì đúng hơn, chúng ta cũng phải coi như một mệnh lệnh. Cụ muốn cho dân sung sướng mới nói, chúng ta cũng phải vì dân, vì nước mà sửa đổi đi, để xứng đáng là một công bộc của dân. Hơn nữa những người phạm lỗi nặng cũng đừng nên ngần ngại, nên can đảm từ chức đi để cho người khác lên thay. Như thế mới thực là yêu nước”. Liên hệ vào bản thân tác giả Điền Tử đã nói: “Tôi triệu tập dân chúng ra đình, đọc to cho mọi người cùng nghe bức thư của Hồ Chủ tịch, tôi tự phê bình trước mọi người. Cần gì? Mình xấu thì tự nhận là xấu, còn hơn để cả làng hỏng. Tôi nghĩ rằng thế vẫn chưa đủ, tôi phải từ chức nữa, sau này mình cải tạo tốt thì dân lại bầu lên, thì mình lại ra làm việc”.

Qua ý kiến của Điền Tử thì từ chức không phải là xấu, nếu từ chức đúng lúc nhường chỗ cho người khác, không phải chờ trên gây sức ép, từ chức như thế càng tỏ ra là một lãnh đạo có trách nhiệm trước dân và uy tín không hề giám sút. Như vậy, văn hóa từ chức đã có ngay sau khi Nhà nước ta ra đời. Qua việc này có thể thấy Hồ Chủ tịch rất nghiêm với cán bộ lãnh đạo phạm sai lầm nghiêm trọng, khuyến khích tự nguyện để người tài giỏi hơn thay thế. Kỷ cương phép nước lúc nào cũng nghiêm. Phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chủ tịch đã xác định ngay Đảng là công bộc, là đầy tớ của dân. Từ xa xưa các bậc minh quân trị vì đất nước đều đòi hỏi các quan lại phải là những công bộc có nghĩa không là những ông quan, phải đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân, lo cho dân trước, lo cho mình sau. Tạp chí Tri Tân, số 194 ra ngày 9/7/1945 có bài của học giả Nguyễn Tường Phượng, một nhà báo nổi tiếng trả lời câu hỏi “Thế nào là một công bộc?”. Ông nêu con người cụ thể để bạn đọc hình dung được đầy đủ hơn về một công bộc của dân:

Nguyễn Tri Phương làm quan 53 năm từng làm Chỉ huy đánh Pháp ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Tổng đốc các tỉnh An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long, Định Tường rồi thăng chức Thượng thư Bộ Công, trước khi được cử về làm Tổng đốc Hà Nội, giữ thành Hà Nội năm1873. Con trai hy sinh tại trận, còn ông bị địch bắt, ông đã nhịn ăn đến chết. Gia đình ông ở tỉnh Thừa Thiên vẫn như mọi dân nghèo, vẻn vẹn chỉ có vài gian nhà tranh.

Năm 1880, Thượng thư Bộ Binh Hoàng Diệu được cử về làm Tổng đốc Hà Nội. Quân Pháp đánh thành Hà Nội, vũ khí hơn hẳn ta, quân ta chỉ cố thủ được có nửa ngày. Hoàng Diệu đã tự tử, lấy cái chết để giữ tròn khí tiết. Gia đình ông ở tỉnh Quảng Nam vẫn sống thanh bạch, lao động hàng ngày như mọi người dân cùng quê.

Trong cuốn “Lịch sử nước ta” do Hồ Chủ tịch viết năm 1941ở Pắc Bó (Cao Bằng) theo thể diễn ca để làm tài liệu học tập trong các lớp đào tạo cán bộ Việt Minh, khi nói đến hai vị đại thần thanh liêm hết mực, hai Tổng đốc thành Thăng Long nổi tiếng công bộc của dân, Người đã ca ngợi:

Nước ta nhiều kẻ tôi trung

Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương

Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương

Cùng thành còn mất làm gương để đời.

Là công bộc của dân như ông cha ta đã nêu gương phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, trước hết cần đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục các thói hư tật xấu của cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền vì sự cám dỗ của quyền lực làm con người biến chất, thoái hóa rất nhanh. Đủ mọi thứ khuyết điểm phát sinh và Hồ Chủ tịch chỉ rõ ba bệnh chính của giặc nội xâm là tham ô, lãng phí, quan liêu. Lãnh đạo các cấp, những người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương rất dễ trở thành “nội xâm” vì vậy Hồ Chủ tịch đã căn dặn “Cán bộ chức vụ càng cao, phạm sai lầm, kỷ luật càng phải nghiêm”.

Năm 1963, ta tổ chức cuộc vận động, “Ba chống” là chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Còn “Ba xây” là nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật. Lãng phí kéo theo tham ô, lãng phí trước hết ở hàng viện trợ, từ máy móc, vải vóc đến thuốc men ứ đọng, để ngoài trời, hư hỏng và mất mát. Hàng hóa nhà nước dành cho nông thôn đến tay nông dân có 50%, từ bộ xuống tỉnh, rồi huyện, xã đến mỗi cấp đều bị bớt xén. Các cơ quan đều tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Ba xây, Ba chống” nhưng lãnh đạo còn rất coi nhẹ, nhiều người vẫn tưởng mình chỉ có nhiệm vụ lãnh đạo cấp dưới tham gia. Cuối năm 1963, đến thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ trong phiên họp cuối năm, Người nói: “Hiện nay chúng ta làm “Ba xây, Ba chống” còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên ở cơ sở thì rất hăng hái nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng còn nhiều người chưa chuyển cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm “Ba xây, Ba chống” cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống. Có lúc Hồ Chủ tịch nêu câu hỏi: “Tại sao dưới động trên lại không động”, “nhỏ động to không động”, cán bộ nhân viên ở cơ sở hăng hái nhưng lãnh đạo bên trên lại thờ ơ, Người nói rõ cuộc vận động “Ba xây, Ba chống” là một cuộc cách mạng, phải ý thức được đây là một cuộc cách mạng thì mới dám đương đầu với mọi lực cản. Ngày 31/1/1964, tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về cuộc vận động “Ba xây, Ba chống”, Hồ Chủ tịch đề nghị phải làm cho cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng thông suốt, chống tham ô, lãng phí rất khó khăn vì chính cán bộ lãnh đạo cấp cao vẫn tưởng là việc của cấp dưới hoặc cố tình không muốn vạch tiêu cực của ngành mình. Người phê bình một số lãnh đạo sợ quần chúng, không dám phát động phong trào và đề nghị phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền, giải thích cho quần chúng tham gia cuộc đấu tranh. Hồ Chủ tịch đòi hỏi nghiêm ngặt mỗi lãnh đạo đều phải nêu gương, Người thường nhắc đến một phương pháp giáo dục quan trọng là sức mạnh của sự nêu gương, nói không bằng những hành động cụ thể để cấp dưới noi theo. Nhiều lãnh đạo đã nêu gương sống trong sách, vững vàng, hết lòng vì dân nhưng một số chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ sẵn sàng nịnh hót, bợ đỡ cấp trên, bôi nhọ người đồng cấp để ngoi lên, đã có nhà cao cửa rộng lại còn chạy chọt sao có biệt thự, xe công cũng mấy tiêu chuẩn, được cấp loại này lại kèn cựa cho là mình đáng phải được loại khác... Mỹ đem quân vào Việt Nam, chiến tranh ác liệt khác hẳn trước, đông đảo nhân dân đều tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam nhưng số lãnh đạo chỉ lo vinh thân phì gia không giảm.

Ngày 3/2/1969, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Báo Nhân Dân đăng bài của Hồ Chủ tịch “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong mục Xã luận. Xin trích đoạn Người viết về những lãnh đạo đã biến chất, hư hỏng: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật kém tinh thần trách nhiệm không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Lúc này, các cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở miền Nam đã chấm dứt, các đơn vị chủ lực đều rút sang Cam-pu-chia và ra miền Bắc, địch phản công chiếm lại những nơi đã mất. Miền Bắc đã huy động tối đa lực lượng để phục vụ các cuộc tổng tiến công và lại tiếp tục gửi quân bổ sung kể cả lương thực. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ấy mới thấy một số lãnh đạo chỉ ra sức lo thân và còn sống xa hoa, lãng phí là những kẻ đáng lên án, Hồ Chủ tịch viết bài báo này khi sức khỏe đã kém thường xuyên có hai bác sĩ bên cạnh Cuốn “Hồ Chí Minh “ Biên niên tiểu sử”, tập 10, trang 293 đã ghi: “4 giờ 30 chiều 30/1/1969 Bác Hồ làm việc với đồng chí Tố Hữu về bài: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ký tên T.L, đăng Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969. Ngày 2/3/1969, Người cảm thấy mệt và tức ngực, đến 21 giờ 30 Người lại thấy đau và tức ngực”... Sáu tháng sau Người đã vĩnh biệt chúng ta. Đọc kỹ bài báo của Người mới hiểu được sâu xa tại sao trong Di chúc, Người lại căn dặn: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, ta đã không chỉnh đốn lại Đảng, đã không làm một việc cực kỳ cấp bách mà Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh “việc cần làm trước tiên”. 24 năm Hồ Chủ tịch là Chủ tịch nước, kỷ cương phép nước rất nghiêm, lãnh đạo Trung ương phạm sai lầm, Người đều phê phán đến nơi đến chốn. Tên tham nhũng Trần Dụ Châu bị xử tử, Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp bỏ thuốc độc giết vợ để lấy vợ khác cũng bị xử tử, dù đều là cán bộ cao cấp. Vỡ đê Mai Lâm, một Bộ trưởng bị cách chức và chịu trách nhiệm. Vắng Người, kỷ cương phép nước không còn nghiêm như trước và càng ngày thiếu gương mẫu càng xuất hiện từ lãnh đạo bên trên. Nhiều bộ, ngành và địa phương để xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn cùng những tiêu cực lớn, thua lỗ lớn nhưng lãnh đạo đều đứng trên, đứng ngoài kỷ luật, pháp luật, không những chẳng tự phê bình và phê bình, cũng chẳng xin lỗi dân một câu vì ngân sách Nhà nước là tiền dân đóng thuế.

Khi Đảng cầm quyền, Hồ Chủ tịch coi cán bộ nhà nước là cán bộ dân vận, không chỉ quản lý bằng pháp luật, bằng các biện pháp hành chính mà còn phải quản lý bằng vận động quần chúng. Thế nhưng bao nhiêu năm qua dân vận trở nên xa lạ với nhiều lãnh đạo trung ương. Dân vận không còn thì là công bộc của dân sao được. Xa cơ sở, xa dân nên việc xây dựng chính sách, luật lệ thường dễ chệch hướng, lãnh đạo biến chất, tài đức cùn mòn thường là từ xa dân, bỏ dân.

Dân ta ai cũng mong kỷ cương, phép nước lúc nào cũng nghiêm như khi Hồ Chủ tịch còn là Chủ tịch nước, vì chỉ như thế Đảng mới thực sự là công bộc của dân, mỗi đảng viên mới thực sự là công bộc của dân./.

Theo Thái Duy/Báo Đại Đoàn kết

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: