Trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ “DÂN” là nội dung lớn nhất, cốt lõi nhất và luôn được Người đặt lên hàng đầu trong mọi hành động, mục tiêu cách mạng. Dân ở đây là nhân dân, là quần chúng thuộc các thành phần, các giới, các lứa tuổi, đồng bào các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, mọi suy nghĩ và hành động của Người cuối cùng đều hướng đến lợi ích của nhân dân.

Tư tưởng lấy dân làm gốc đã trở thành truyền thống đạo lý xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam và được các bậc minh quân, trung thần, các bậc tiền nhân vận dụng rất thành công trong quá trình dựng nước và giữ nước. Thời nhà Lý, vua Lý Công Uẩn vì “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” mà dời đô về Thăng Long, cốt để “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ”. Lý Thường Kiệt từng nói: “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân”(1). Dưới triều nhà Trần, vua Trần Anh Tông bố cáo trước quần thần rằng: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu thấy dân lầm than thì phải cứu giúp ngay”. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lại rất coi trọng việc “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, bởi “đó mới là thượng sách giữ nước”. Đại công thần Nguyễn Trãi luôn xem: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Việc coi trọng và tiết kiệm sức dân không chỉ là quy luật tồn vong của một chế độ, mà phải trở thành một đường lối, một chính sách trị nước tích cực của mọi chế độ chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những tư tưởng lớn ấy, nhưng ở tầm cao hơn, nhân văn hơn, đó là Người đặt dân lên vị thế người làm chủ đất nước; trong tất cả mọi việc, kể cả huy động sức dân trước hết vẫn là vì chính lợi ích của dân, vì theo Người lợi ích của dân càng cao, sức dân càng mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu rõ vai trò lịch sử vĩ đại của nhân dân, thấy được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân. Người khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Người còn nói: Dân như nước, mình như cá, lực lượng nhiều là ở dân hết: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(2). Có được dân, thu phục được lòng dân là có tất cả, làm được tất cả, điều này đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng của Người: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”(3). Bởi sức mạnh của dân là vô địch, Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân bao giờ cũng là gốc của Nước, Nước bao giờ cũng là của mọi người dân, còn cách mạng thì như con thuyền, nhân dân trao cho Đảng trách nhiệm người cầm lái. Con thuyền cách mạng đi tới đích thắng lợi là nhờ vào sức dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng. Cũng chính phong trào cách mạng của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực. Sức mạnh đoàn kết của nhân dân là lực lượng vô địch, “dân khí” mạnh thì không quân lính nào, súng ống nào có thể chống nổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại hai tên đế quốc sừng sỏ là Pháp, Mỹ, tống cổ phát xít Nhật, giành lại chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lập nên Nhà nước cách mạng, xây dựng chính quyền nhân dân. Lực lượng làm nên những thắng lợi “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” ấy chỉ có thể là nhân dân, bằng sức mạnh vô địch của quảng đại quần chúng nhân dân. Giải phóng đất nước, giành lấy chính quyền đã khó, giữ lấy nước, bảo vệ chính quyền cách mạng càng khó hơn. Nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân là gốc rễ của sự trường tồn: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(5). Đảng cầm quyền muốn giữ vững vai trò lãnh đạo, giữ được chế độ, bảo vệ chủ quyền quốc gia nhất thiết phải dựa vào dân, nhờ vào sức dân; mọi đường lối, chủ trương, chính sách cốt yếu phải vì nhân dân. Mà muốn sức dân bền, sức dân mạnh thì điều cốt yếu là Đảng, Chính phủ phải chú trọng giữ gìn sức dân, tiết kiệm sức dân, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao sức dân. Bồi dưỡng sức dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là:

Gìn giữ sức dân: Tức là giảm sự đóng góp của nhân dân. Phải bồi dưỡng lực lượng cho dân nhiều hơn yêu cầu nhân dân đóng góp. Ngay trong báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Bảo vệ và phát triển việc sản xuất, thực hành tiết kiệm phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân”(6). Trong bản Di chúc được sửa vào tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý đề nghị Đảng và Chính phủ “... miễn thuế nông nghiệp 01 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn suy nghĩ, trăn trở về cái ngày mà Người “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” và mong muốn làm sao đừng gây phiền hà, tốn kém cho nhân dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của dân”(8).

An dân: Phải làm sao để có được nhân hòa, bởi nhân hòa là quan trọng hơn hết. Nước ta là một nước dân chủ và Đảng“phải là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(9), mọi công việc đều vì lợi ích của nhân dân mà làm:“Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu cũng mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới... hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(10). Muốn an dân thì mọi công việc của Đảng, Nhà nước phải được nhân dân đồng ý, chung sức, chung lòng: “Việc gì cũng phải hỏi ý kiến quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(11).

Dưỡng dân: Phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phải làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng: “Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn, đó là mục đích của đời sống mới”(12). Đó là kế sách để làm cho dân giàu và cũng là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội đơn giản là “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(13).

Bồi dưỡng và nâng cao sức dân là vừa lo cho dân có đời sống vật chất no đủ, vừa phải vun bồi đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, hun đúc nhiệt huyết cách mạng của nhân dân ngày càng lớn, tình yêu Tổ quốc ngày một cao, lòng nhiệt tình với chế độ ngày một dày. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(14). Do đó, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(15). “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(16). Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Nói cách khác, tất cả mọi việc liên quan đến dân, dù nhỏ hay lớn, Đảng và Chính phủ phải có trách nhiệm. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu Kiến quốc, ngày 10-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Chúng ta đã hy sinh, phấn đấu để giành độc lập, chúng ta đã tranh được rồi… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(17). Dân phải được ăn no, mặc đủ chính là bổn phận và trách nhiệm của Đảng, Chính phủ. Chăm lo cho dân, bồi dưỡng sức dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là như thế, chu toàn và trách nhiệm từ việc lớn đến điều rất nhỏ. Người căn dặn Đảng ta: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Cậu bé không có trường học, Đảng phải lo... Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”(18).

Nói tóm lại, bồi dưỡng sức dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh tức là phải bảo đảm cho được vấn đề giữ sức dân, an dân và dưỡng dân. “Dân” là nội dung cốt lõi trong chủ nghĩa yêu nước và trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Quan điểm đó bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc và chủ nghĩa nhân văn cao cả của Người. Tư tưởng yêu thương dân, trọng dân, vì nhân dân và chăm lo, bồi dưỡng sức dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài học lớn, toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phải không ngừng học tập và làm theo./.

---------------------------------------------------------------------

Chú thích

(1) Phạt tống lộ bố văn - Lý Thường Kiệt

(2) Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 2 (1945 - 1954), tr. 10

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 8, tr. 276

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 5, tr. 879

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 7, tr. 17

(7) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 504

(8) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 512

(9) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 510

(10) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 4, tr. 47- 48

(11) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 294

(12) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 94

(13) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 10, tr. 17

(14) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 511

(15) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 511

(16) Hồ Chí Minh - Biên niên sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 6, tr. 106

(17) Hồ chí Minh tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 2 (1945 -1954), tr. 44

(18) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 10, tr. 463 - 46

Theo Tạp chí Cộng sản

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: