Trên thế giới ngày nay, không có đảng chính trị nào không dựa trên một tư tưởng chính trị để tập hợp lực lượng, đoàn kết trong đảng trong các cuộc tranh cử hoặc để lãnh đạo cầm quyền nhà nước, xã hội. Những tư tưởng đó gắn với tên của đảng. Chẳng hạn “Đảng Dân chủ”, “Đảng Cộng hòa” (ở Mỹ), “Đảng Dân chủ xã hội”, “Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo”, “Đảng xanh” (ở Cộng hòa LB Đức), “Đảng nước Nga thống nhất”, “Đảng Cộng sản Liên bang Nga”, “Đảng nước Nga công bằng” (ở Liên bang Nga); “Đảng nhân dân hành động”, “Đảng nhân dân Xin-ga-po” (ở Xin-ga-po)… Việc lấy một tư tưởng chính trị nào đó không có nghĩa đảng này không vận dụng những tư tưởng ban đầu nào đó, đồng thời “cập nhật”, phát triển tư tưởng của đảng trong chính sách của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với đường lối chính trị của Đảng đã vận dụng và phát triển qua nhiều giai đoạn cách mạng. Đó là Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta - thời đại độc lập dân tộc gắn với quyền làm chủ của nhân dân; đó là các cuộc kháng chiến đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những đế quốc hung bạo nhất thế giới bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và ngày nay, đang thực hiện công cuộc đổi mới hội nhập với thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mặc dù Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, song, Việt Nam vẫn đang được xem là một “điểm đến” có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa/tuyengiao.vn
Đáng tiếc, trên một số mạng xã hội hiện nay, có người đã phát tán quan điểm cho rằng, trên thế giới, học thuyết Mác, Lê-nin đã lỗi thời. “Việt Nam nên bỏ Mác - Lênin” vì lý luận đó “đã cản trở con đường tiến lên văn minh, hiện đại trong hòa bình của Việt Nam”. Dưới danh nghĩa là nhà khoa học, người ta không chỉ cắt xén mà còn muốn cô lập, tách rời Tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó tất yếu làm suy yếu, từng bước dẫn đến phủ định chính Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để lập luận cho quan điểm của mình, người ta đã viết “Trong bản Di chúc… Hồ Chí Minh không nhắc một chữ nào đến Chủ nghĩa Mác - Lênin, đến đấu tranh giai cấp, đến Đảng lãnh đạo toàn diện mất dân chủ,…”. Vậy, mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với Tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào?
Trước hết về mặt lịch sử, Chủ nghĩa Mác - Lênin đến với dân tộc ta qua Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được chính Người viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lê-nin”[1]. Người kể lại rằng: “Lúc bấy giờ… tôi kính yêu Lê-nin vì Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình…”[2]. Sau này, khi được đọc Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã nói: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[3]. Thời điểm mà Người được đọc Luận cương của Lê-nin là vào năm 1920.
Nói rằng, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói gì đến Chủ nghĩa Mác - Lê-nin hàm ý Hồ Chí Minh “bỏ qua” Mác - Lênin là không hiểu Di chúc, là cắt xén Tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn nhớ, vào ngày 15-7-1969, nghĩa là chỉ gần hai tháng trước khi qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-o, phóng viên báo Nhân đạo (Pháp), về vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng… một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam… mà giành được thắng lợi to lớn… Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”[4]. Thiết nghĩ, Di chúc thường là ghi lại những suy nghĩ của chính mình về những việc làm cụ thể và một phần triết lý sống của mỗi người. Không phải ngẫu nhiên, trong Di chúc Người viết: “Tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Điều này có nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự xem mình thuộc lớp người mác-xít, với đúng nghĩa của khái niệm đó.
Như vậy là về mặt lịch sử, Chủ nghĩa Mác - Lênin gắn với thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời của Người.
Thứ hai, về mặt tư tưởng chính trị, mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với Tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng cả về lý luận và phương pháp luận. Là một thiên tài trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ sùng bái, xem lý luận Mác - Lênin như một tôn giáo. Với Người, không phải tất cả các câu chữ, thậm chí cả những luận điểm nào đó của Mác - Lênin là “bất khả xâm phạm”.
Không phải ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cần bổ sung cơ sở lịch sử đối với Chủ nghĩa Mác. Người viết: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở bản chất, ở mục tiêu, lý tưởng của học thuyết đó. Đồng thời, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó phù hợp với điều kiện của một quốc gia phương Đông dưới chế độ thực dân, phong kiến. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (Tài liệu giảng dạy trong lớp đào tạo cán bộ cho Đảng ta ở Quảng Châu, 1925), khi so sánh 3 cuộc cách mạng Mỹ, 1766; Pháp, 1789 và Cách mạng Tháng Mười Nga, 1917, Người nói rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…”. Sự sụp đổ của Liên Xô trong cải tổ (1991) không phải là sự sụp đổ của Cách mạng Tháng Mười của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự sụp đổ của Liên Xô do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân xây dựng xã hội XHCN theo một mô hình sai lầm và do đảng đã bị thoái hóa là chủ yếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội”... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[6]. Những người cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét các tôn giáo và học thuyết nói trên “có điểm chung… là mưu cầu hạnh phúc cho xã hội” là quan điểm “đa nguyên”, sự “tích hợp”, “hội tụ” là sai lầm sơ đẳng về nhận thức lý luận.
Như chúng ta đều biết, học thuyết Mác, Lê-nin không chỉ có chiến lược và sách lược cách mạng mà còn có triết học (chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, logic học và kinh tế chính trị học…), điều này vốn không có trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Với Người, Chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Người khuyên cán bộ, đảng viên không bao giờ được xa rời những nguyên tắc của học thuyết đó, đồng thời phải biết vận dụng và sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, mặc khác, phải luôn tỉnh táo phòng ngừa chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa cơ hội, xét lại.
Trong bài nói chuyện tại buổi khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông… Các đồng chí phải học tập tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác - Lênin… để giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”[7].
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, dân tộc ta đi từ cách mạng chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước Dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và xây dựng Việt Nam theo con đường của CNXH. Trong điều kiện của một quốc gia vừa thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến, lạc hậu, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường đi lên CNXH của nhân dân ta phải trải qua nhiều thời kỳ. Với Người, chế độ XHCN là chế độ do nhân dân làm chủ, trong đó, con người được tôn trọng. Người nói: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ XHCN”[8]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói chúng ta phải “tiến dần” lên CNXH. Rõ ràng, con đường cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay, bao gồm cả công cuộc đổi mới, không phải là “dập theo nguyên mẫu” Cách mạng Tháng Mười và công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô! Nhưng cũng không thể nói rằng, đó là con đường cách mạng theo “chủ nghĩa dân tộc”. Đơn giản, vì đó là đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và tổ chức thực hiện!
Thứ ba, về tư tưởng đạo đức trong Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Có thể nói, đây là một cách hiểu, cách tiếp nhận hết sức sáng tạo, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Khi nói về Lê-nin, Người viết: “Trước con mắt các dân tộc phương Đông, Lê-nin không phải chỉ là một lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn; tính coi thường sự xa hoa, lòng ham mê công việc, đời sống trong sạch, sự giản dị và tâm hồn cao thượng của Người làm cho quả tim chúng tôi hướng về Người, không gì ngăn nổi”[9]. Trong cuốn Đường Kách mệnh, Người đặt lên hàng đầu “Tư cách người cách mệnh”. Người viết: “Tự mình phải: “Cần kiệm”, “Vị công vong tư”, “Hy sinh”, “Ít lòng tham muốn về vật chất”... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin”[10]. Như vậy có thể nói, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn liền với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Không phủ nhận rằng, trong xã hội ta đã và đang còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng phân hóa giàu - nghèo, tham nhũng, lợi ích nhóm, bệnh nhiệm kỳ… có khuynh hướng gia tăng. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã công khai chỉ ra nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên các cấp. Tình trạng này nếu không kịp thời đẩy lùi, ngăn chặn, không loại trừ có thể dẫn đến những bất ổn xã hội, xóa đi những thành quả của công cuộc đổi mới trong nhiều thập kỷ qua, gây hậu quả khó lường.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là những sự kiện “nóng” ở Biển Đông vừa qua, khi chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bị xâm phạm, sự bức xúc của cán bộ, đảng viên là có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “giáo điều” về hệ tư tưởng, vẫn “hồn nhiên” trước ngôn từ ngoại giao của các chính trị gia nước lớn thì đó là sai lầm. Đảng ta cho rằng, các quan hệ “đối tác” và “đối tượng” có thể chuyển đổi cho nhau! Lãnh đạo Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Sẽ bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi biện pháp có thể, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam không loại bỏ bất cứ quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự nào với các quốc gia, cho dù đó là những quốc gia khác biệt về hệ tư tưởng, thậm chí đã từng xâm lược Việt Nam, nếu nó đem lại lợi ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ngày nay. Thực tế cho thấy, Đảng ta luôn luôn đứng trên lập trường vì lợi ích dân tộc, gắn với chế độ chính trị để sàng lọc các quan hệ quốc tế cơ bản và những quan hệ hợp tác cụ thể. Tất nhiên, tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được tiếp tục mài sắc dựa trên những sự kiện chính trị đã và đang diễn ra gần đây.
Bởi vậy, quan điểm cho rằng phải “từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin”, là: “Lý luận đang cản trở Việt Nam phát triển”, chẳng những sai lầm về mặt lý luận mà còn là sai lầm về mặt chính trị thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh 2011, trong đó Đảng ta lấy “Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động” của mình, là lực lượng chính trị duy nhất hội đủ các điều kiện về tư tưởng, chính trị; về khả năng đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế cũng như năng lực tư duy chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng gần 70 năm của nhân dân ta./.
TS. Cao Đức Thái (*)
Theo www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)
(*) Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
[1, 2, 3]- Hồ Chí Minh Tuyển tập, NXB ST, 1980 TI, Tr.174-175
[4] - Về Lê-nin và cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh Tuyển tập, T II, NXB ST, HN 1980, Tr.526
[5] - Hồ Chí Minh toàn tập, T I, NXB CTQG, HN, 1995, Tr.465
[6] - Hồ Chí Minh truyện, Bản dịch Trung văn, Bán nguyệt xã, Thượng Hải, tháng 6-1949
[7]- Hồ Chí Minh Tuyển tập, T II, NXB ST, HN, 1980, Tr.73
[8]- Hồ Chí Minh Toàn tập, T I9, NXB CTQG, HN, 2000, Tr.291
[9] - Hồ Chí Minh Tuyển tập, T II, NXB ST, HN, 1980, Tr.521
[10] - Hồ Chí Minh Tuyển tập, T II, NXB ST, HN, 1980, Tr.487