suy nghi ve ngay sinh cua Bac

Giản dị, khiêm tốn, quên mình vì dân, vì nước là những  phẩm chất cao đẹp ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thuở thiếu thời, khi làm người phụ bếp trong một chuyến tàu ra đi tìm đường cứu nước đến khi làm người thầy truyền đạt tri thức cho học trò và đến lúc đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở cương vị nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn giữ cuộc sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và hết sức tiết kiệm.

Với tinh thần của người cộng sản, Hồ Chí Minh đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, phấn đấu thực hiện “ham muốn tột bậc” làm cho “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước độc lập, nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, được sống cuộc sống tự do, bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng cuộc sống thanh bạch của vị Chủ tịch nước vẫn không có gì thay đổi. Người không đòi hỏi bất kỳ những gì riêng tư cho mình, kể cả trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người.

Dõi theo những lần sinh nhật của Bác vào ngày 19-5, khi miền Bắc có điều kiện kỷ niệm, chúng ta càng thấy rõ nhân cách cao thượng của Người.

Từ sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ đến ngày Bác về với các Cụ Các Mác, Cụ Lênin (15 năm), có lẽ, để tránh những nghi lễ, 6 năm (1960, 1961, 1962, 1964, 1966, 1967) vào dịp sinh nhật của mình, trong đó có sinh nhật lần thứ 70, Bác ra nước ngoài công tác.

Nhiều lần trong dịp kỷ niệm ngày sinh, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương. Ngày 19-5-1957, Bác đi Quốc Oai, Hà Tây. Ngày 19-5-1958 Bác đến Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây), căn dặn nhân dân tích cực trồng cây, bảo vệ rừng. Ngày 19-5-1959, Bác đi thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Là người lịch lãm, nhân ái, Bác luôn tôn trọng người xung quanh, không quên cảm ơn những người chúc mừng Bác. Ngày 19-5-1956, Bác gửi thư cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thư có đoạn viết: “Bác nhận được rất nhiều thư chúc thọ của các cô, các chú... Bác gửi thư này cảm ơn chung".

Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Bác đau đáu vì miền Nam chưa được giải phóng, Bắc - Nam chưa được sum họp một nhà, nhiều gia đình ngày Bắc, đêm Nam. Ngày 19-5-1963, Quốc hội có ý tặng Bác Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam, Bác nói: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng Quốc hội cho phép tôi chưa nhận, vì tôi tự thấy chưa xứng đáng... Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào miền Nam tặng thì tôi xin nhận”. Bác mất đi, trên ngực không một tấm huân chương. Nhưng tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân cả nước trao tặng Bác là niềm tin tuyệt đối, tình cảm yêu quý Bác. Ngay trong bom đạn, kìm kẹp của kẻ thù, không có tỉnh nào ở miền Nam không có đền thờ Bác. Miền Nam trong trái tim Bác và Bác ở trong mỗi trái tim người dân miền Nam. Đây là một nguyên nhân làm nên chiến thắng 30-4  lịch sử.

Là lãnh tụ của Đảng, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác căn dặn việc đảng, việc nước, việc dân phòng khi Bác đi xa. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh, đúng 9 giờ sáng, giờ đẹp nhất của ngày 10-5-1965, Bác đặt bút viết dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc.

Ngày 19-5-1968, Bác xem và sửa lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và có bài thơ :

“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lợi

Tiến bước ta cùng con em ta” .

Ngày 19-5-1969, đúng 9 giờ sáng Bác tiếp tục sửa chữa bản Di chúc. Đây là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 - kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác.
Hồ Chí Minh cả cuộc đời không một phút riêng tư, “nâng niu tất cả chỉ quên mình ”, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Ngày nay, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cần nâng cao nhận thức và quyết tâm quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện nguyện ước của Bác: Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu.

Đó cũng chính là thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.   

Trần Quý Cử

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)

 

 

 

Bài viết khác: