Sinh thời, không ít hơn hai lần Bác Hồ kể lại câu chuyện Người dùng phong bì gửi công văn, thư từ.
Lần thứ nhất, tháng 5-1949, Bác Hồ kể: “Trung bình một cái phong bì có kích thước giấy 180 phân vuông... Mỗi ngày các cơ quan, đoàn thể và tư nhân ít nhất cũng dùng hết một vạn cái phong bì, tức là 180 thước vuông giấy... Mỗi năm là 64.800 thước vuông giấy. Nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì hai lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa số giấy, tức là 32.400 thước vuông. Còn 32.400 thước để dành cho các lớp bình dân học vụ thì chẳng tốt sao? Hơn nữa, nhờ sự tiết kiệm giấy, mà tiền bạc và công phu làm giấy có thể làm thêm việc kiến thiết khác, thì càng ích lợi hơn nữa”. Lần thứ hai, năm 1952, nói về thực hành tiết kiệm, Bác Hồ dẫn thí dụ: “Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng hai, ba lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy”. Và Bác nhấn mạnh: “Đối với giấy như thế, đối với mọi thứ khác đều như thế”.
Dẫn ra hai thí dụ trên đủ thấy, Bác Hồ thường xuyên quan tâm thực hành tiết kiệm biết chừng nào. Hơn nữa, Bác còn rất coi trọng tiết kiệm từ những chi tiêu, sử dụng nhỏ như chiếc phong bì. Hẳn nhiều người còn nhớ, khi Bác Hồ qua đời, bản Di chúc viết tay của Bác được viết trên mặt sau bản tin hàng ngày của Thông tấn xã Việt Nam. Đối với Bác Hồ, bất cứ làm việc gì, sử dụng cái gì dù lớn dù nhỏ cũng đều phải tiết kiệm. Bởi theo Bác tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được. Thế nên, Bác Hồ luôn nhắc mọi người: “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”. Bác Hồ còn dẫn câu ngạn ngữ để mọi người dễ hình dung cái kiểu cần mà không kiệm: “làm chừng nào xào chừng ấy”, thì: “cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không”.
Trong cuốn “Cần, kiệm, liêm, chính” xuất bản tại Liên khu 1 năm 1949, Bác Hồ còn đi sâu phân tích về tiết kiệm thời giờ. Theo Bác: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải”. Vì: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm”. Nhưng đối với thời giờ, một khi đã qua rồi thì: “Không bao giờ kéo nó trở lại được”. Thế nên, Bác Hồ nhấn mạnh: “Tiết kiệm thời giờ là kiệm, và cũng là cần”. Bác Hồ dẫn ra hai câu, một của thánh hiền: “Một tấc bóng là một thước vàng”, một là tục ngữ châu Âu: “Thời giờ tức là tiền bạc”, để phê phán những kẻ không biết tiết kiệm thời giờ: “Ai đưa vàng bạc vứt đi là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”. Thiết nghĩ rất đáng để mọi người suy nghĩ, bởi không ít người trong chúng ta rất thiếu ý thức tiết kiệm thời giờ, nói “tám giờ vàng ngọc” nhưng thực ra họ chấm cha chấm chớ, chân trong chân ngoài cơ quan, đơn vị rồi mau chóng ra quán cà phê, bia hơi vỉa hè hay sân cầu lông, bãi bóng hoặc về vun vén cho nhà mình; chứ trong cơ quan, đơn vị thời giờ không những bị cắt xén mà năng suất cũng chẳng đáng là bao. Thế nên, để tiết kiệm được thời giờ, Bác Hồ chỉ rõ: “Việc gì trước kia phải làm hai ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong một ngày”. Không chỉ có “thời giờ là vàng bạc” Bác Hồ mới căn dặn kỹ, mà đối với sức lao động của mỗi người, Bác cũng yêu cầu phải biết tiết kiệm: “Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được”. Trong bài nói nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm năm 1952, Bác Hồ lại chỉ rõ: “Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ”.
Trong khi căn dặn mọi người, mọi ngành, mọi cấp thường xuyên thực hành tiết kiệm, thì đồng thời, Bác Hồ cũng quan tâm làm cho mọi người hiểu rõ tiết kiệm không phải là khắc khổ, là bủn xỉn đến mức nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, tiết kiệm để tạo cho mức sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn. Với cách phân tích chặt chẽ và dễ hiểu, Bác Hồ khẳng định dứt khoát: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”. Vì thế, Bác Hồ yêu cầu: “Tất cả mọingười đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp". Tiếp đó, Bác Hồ chỉ rõ cho quân đội, từ quân nhu, quân giới đến vận tải: “Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và có thể tiết kiệm”, rồi: “Cơ quan nào cũng cần và có thể tiết kiệm, vì cơ quan nào cũng dùng phong bì”, ngay đến: “Cán bộ tư pháp nếu nâng cao năng suất, làm việc mau chóng, thì sẽ giúp cho đồng bào có việc đến tư pháp tiết kiệm được ngày giờ, để tăng gia sản xuất”. Tạo được phong trào thực hành tiết kiệm sâu rộng như thế, thì chắc chắn: “Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động và tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”. Quả là sự phân tích sắc sảo, tràn đầy lạc quan, tin tưởng mà cho đến hôm nay, giữa những ngày giá cả thị trường luôn biến động, đòi hỏi không chỉ riêng bà nội trợ mà tất cả những ai tiêu pha mua sắm hàng ngày, từ nhà lãnh đạo, quản lý hành chính đến nhà doanh nghiệp, từ thành thị đến nông thôn mỗi khi đọc lại những lời dạy của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm đều thấy vô cùng cần thiết và giúp ích ngần nào cho chính bản thân, cũng như cơ quan, đơn vị.
Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)
Huyền Trang (st)