Bộ máy Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ gồm các cán bộ ưu tú của Đảng mà còn có nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước ngoài Đảng hết lòng vì sự nghiệp
của đất nước, dân tộc.
Kết quả từ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” những năm qua cho thấy, đây là cuộc vận động trúng và đúng. Nhân dịp Hội nghị TƯ 7 vừa qua có bàn và quyết định về đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - về kinh nghiệm Bác Hồ lựa chọn cán bộ cấp chiến lược.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng tháng 2.1930, ngay từ năm 1925 Bác Hồ đã mở lớp trực tiếp huấn luyện lựa chọn cán bộ cho Đảng. Với tầm nhìn xa, Bác còn cử nhóm thiếu niên sang Liên Xô học chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp. PGS có thể nói rõ hơn về công tác quy hoạch cán bộ của Bác?
- Tháng 11.1924, từ Liên Xô, Bác Hồ đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người mở lớp huấn luyện cán bộ nhằm có nhân sự cho việc phát triển các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng và lãnh đạo Đảng sau này. Lớp huấn luyện đầu tiên có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh…
Sau lớp đặc biệt này, Bác mở tiếp 5 lớp. Đến 4.1927, trước khi rời Quảng Châu trở lại Mátxcơva, Bác đã trực tiếp đào tạo được 75 cán bộ ưu tú, cốt cán của Đảng như Hà Huy Tập, Trần Phú, Phan Trọng Bình, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh và nhiều đồng chí khác. Từ năm 1926, Bác đã chọn một số thanh niên Việt Nam (VN) sang Liên Xô học tập và người đầu tiên đi theo học con đường này là đồng chí Trần Phú. Chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp, Bác còn cử một nhóm thiếu nhi ưu tú, tuổi từ 12-15 sang học tập tại Liên Xô. Bác còn chú trọng đào tạo cán bộ quân sự. Hơn 30 thanh niên VN đã tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố (TQ) thời kỳ đó, trong đó có Lê Hồng Sơn, Nguyễn Sơn, Trương Vân Lĩnh, Phùng Chí Kiên.
Tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cấp chiến lược của Bác là những gì, thưa PGS?
- Với trách nhiệm người đứng đầu Nhà nước và lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng, quy tụ quanh mình những học trò, những cộng sự, những nhà lãnh đạo tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng và nhiều đồng chí ủy viên BCT, Ban Bí thư. Đó là những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của Đảng.
Có thể thấy rõ quá trình đào tạo và bố trí cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược mà Bác thực hiện được thể hiện qua mấy vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất: Lấy tâm, đức làm gốc, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thứ hai: Trình độ lý luận, trí tuệ, học vấn, tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh… Thứ ba: Năng lực tổ chức thực tiễn (không phải chỉ biết phán, chỉ tay năm ngón), xử lý đúng đắn các mối quan hệ cơ bản cuộc sống thực tiễn đặt ra, chẳng hạn như mối quan hệ “đổi mới - ổn định – phát triển”, hay “tăng trưởng kinh tế với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị”… Việc đề ra đường lối chống thực dân Pháp, đường lối cách mạng miền Nam và chống Mỹ cứu nước, đường lối đổi mới… đều được quyết định bởi những nhà lãnh đạo cấp chiến lược.
Thưa PGS, lịch sử cho thấy, ngoài các cán bộ đảng, Bác còn chọn cả các nhân sĩ, trí thức yêu nước ngoài Đảng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược?
- Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vô cùng khó khăn, gian khổ. Bác không chỉ xây dựng đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng, mà còn của bộ máy nhà nước. Bộ máy Quốc hội, Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hòa không chỉ gồm các cán bộ ưu tú của Đảng mà còn có nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước ngoài Đảng hết lòng vì sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Đó là các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm và nhiều vị khác.
Tại Hội nghị BCHTƯ 7 khóa XI vừa qua, lần đầu tiên đề án về quy hoạch nhân sự cấp chiến lược cho khóa sau và các khóa sau nữa được đưa ra bàn bạc và quyết định. Thưa PGS, điều này có gì đột ngột? Đảng đã có sự chuẩn bị cho đề án này như thế nào?
- Hội nghị T.Ư 7 bàn, bỏ phiếu dự án quy hoạch là tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, không có gì đột ngột. Nhiều người chỉ nhớ Nghị quyết T.Ư 4 ở một nhiệm vụ, đó là “Ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên...”, mà không nhớ rằng Nghị quyết T.Ư 4 có 3 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cấp T.Ư đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trước khi đưa ra Hội nghị T.Ư 7, đã có chỉ đạo xây dựng chương trình, mở lớp đào tạo cán bộ nguồn…
Trước đây, quy hoạch cán bộ đều do Ban Tổ chức TƯ xây dựng phương án nhân sự, lập ra tiểu ban nhân sự trình ra hội nghị TƯ cuối khóa để đưa ra đại hội Đảng khóa tới. Đây là lần đầu tiên một hội nghị TƯ bàn quy hoạch nhân sự cho thấy tính chủ động trong công tác cán bộ cấp chiến lược, tinh thần trách nhiệm của BCHTƯ, của Bộ Chính trị đương chức với nhân sự của các khóa đại hội Đảng kế tiếp./.
Theo Minh Tâm
Báo Lao động
Thanh Huyền (st)