Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về “đối đẳng chức vụ”, không bị ràng buộc bởi nghi thức ngoại giao mà luôn chủ động, linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.

Dù người đối thoại là Nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao.

Ho Chi Minh va nhung cau chuyen ung xu ngoai giao

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hoa từ các em bé trong chuyến thăm Cộng hoà Dân chủ Đức tháng 7/1957

Ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh tới điều này khi kể câu chuyện Bác đối phó với Tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch khi chúng âm mưu thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” tháng 9/1945: “Bác bước nhanh vào phòng khách của Lãnh sự quán như bước vào chốn quen thuộc đã từng lui tới nhiều lần… Tiêu Văn đang ngồi, vội đứng lên đón Bác. Hình như những bước đi thoải mái, tự nhiên và nụ cười rộng mở, đầy chân tình của Bác, tất cả nói lên nhiệt tình của người chủ hiếu khách, như thể Bác chờ đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu, đã làm cho Tiêu Văn có phản ứng bất giác đó”.

Đồng chí Song Tùng, nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, người được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Bác Hồ trong những ngày Bác sang thăm nước Cộng hoà Dân chủ Đức vào tháng 7/1957, kể: Cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta với các vị đại diện nước bạn diễn ra suốt cả ngày 26/7/1957. Do thời gian cách nhau sáu tiếng, 15 giờ chiều ở Berlin thì ở Việt Nam đã 21 giờ đêm, lại phải làm việc căng thẳng nên các đồng chí trong đoàn đại biểu ta ai cũng mệt mỏi và buồn ngủ. Khi phía bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi: “Các đồng chí có loại cá không có xương không?” “Thưa không. Ở Việt Nam có loại cá không xương hay sao?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto Grotewohl hỏi với vẻ ngạc nhiên. Bác Hồ của chúng ta nói nghiêm nghị: “Vâng, có” (các thành viên đoàn Việt Nam tỉnh ngủ). “Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không?” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto đề nghị. Bác nghiêm trang trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng. Loại cá này ở quê hương đồng chí Song Tùng” rồi Bác kể về câu chuyện “con cá gỗ” của người xứ Nghệ. Các đại biểu được một trận cười thoải mái. Mọi người tỉnh táo hẳn.

Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập của đất nước, tự do của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao tiếp với nhiều đối thủ. Với các đối tượng này, Người đã ứng xử bằng phong cách của một nhà hoạt động chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao từng trải để giành thắng lợi. Nhiều người thường nhắc tới câu chuyện về cách ứng xử của Bác trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Bác, Bác đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay, nhưng Bác lại bế bé gái đi cùng ông ta lên đã, âu yếm cháu trong khi vẫn bước lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang với Moutet, Bác mới đưa tay ra. Nếu Bác giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta.

Chính vì tinh tế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các đối tượng giao tiếp và rất uyển chuyển trong cách giao tiếp: Nếu cần làm thơ thì Người sẽ làm thơ, cần viết văn thì Người sẽ viết văn hoặc vận dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Guinea Sekou Toure đến thăm Việt Nam tháng 9/1960, Người mượn ý lẩy Kiều để thể hiện tình cảm:

Bây giờ mới gặp nhau đây

Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên.

Ho Chi Minh va nhung cau chuyen ung xu ngoai giao 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông

Sáng ngày 10/5/1963, tại sân bay Gia Lâm, khi đón Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Phó Thủ tướng Trần Nghị sang thăm Việt Nam, Bác cũng đọc thơ và câu thơ khi đó nay đã trở thành câu nói tượng trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Tháng 12/1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong kế hoạch đón tiếp có nội dung Đoàn sẽ đến chào Bác ngay sau khi đến Hà Nội. Khi xem kế hoạch, Bác nói: “Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là Đội trưởng và Bác là Bí thư Chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình”. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón Đoàn tại sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự bữa cơm thân mật với Đoàn nhưng không công bố trên báo, vì như vậy không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó, Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong 10 nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao, lại có lý có tình.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Wilfred Burchett

Trên cương vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nghe đài, đọc báo của nước ngoài để nắm vững tình hình, cùng Bộ Tham mưu của mình vạch chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn và sáng suốt. Với các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là một người bạn lớn. Những nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những lời lẽ có lý có tình, thông qua báo chí, những thiện chí của Người và nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình và tín nghĩa trên thế giới, qua đó họ hiểu và đứng lên đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.

Trong Chiến khu Việt Bắc, trước ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Australia Wilfred Burchett đã gặp Bác Hồ. Ông viết: “Con người mảnh khảnh với chòm râu dài từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà chính là Cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết. Được người Pháp đưa tin đã chết đến vài chục lần. Cụ vẫn ở đó tay dang rộng, mảnh dẻ, nhưng không thể nào nhầm được. Không thể nào quên được buổi gặp gỡ đầu tiên đó, với vẻ ấm cúng và thông minh trong đôi mắt nâu thẫm của Người. Đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm về sức khoẻ của tôi”.

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.

Theo http://baodientu.chinhphu.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: