Đến xuân này, sau một năm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là dịp chúng ta suy ngẫm những lời căn dặn của Bác về Đảng cầm quyền để thấm nhuần và vận dụng tốt hơn vào việc thực thi nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
Đảng phải chăm lo phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Trong bản Di chúc lịch sử, điều đầu tiên Bác nói về Đảng và khẳng định: Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Người căn dặn Đảng ta những việc cần phải làm để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế… Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là Đảng Cộng sản cầm quyền, Đảng ta phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Yêu dân, trọng dân là tình cảm và tư tưởng của Bác muốn giáo dục và truyền lại cho Đảng ta phải tiếp tục phát huy trong mọi thời kỳ để sự nghiệp cách mạng đi lên vững chắc.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc, thể hiện tình cảm thương dân, tự hào vô hạn về nhân dân ta và trách nhiệm nặng nề của Đảng với nhân dân: Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Hơn bốn mươi bốn năm qua, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm tốt nhiều điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàn gắn các vết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Từ năm 1986, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng, thực hiện CNH-HĐH đất nước, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Nhờ có đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế phù hợp, được sự ủng hộ và thực hiện sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, từ một nước nghèo, chậm phát triển, trong mấy chục năm qua Việt Nam đã vượt lên thoát khỏi nước nghèo, có tốc độ phát triển kinh tế khá cao ở Châu Á. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thành tựu to lớn, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở tốp các nước hàng đầu thế giới. Kinh tế phát triển gắn liền với thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo cho con người mà Bác Hồ căn dặn. Công tác xoá đói giảm nghèo đạt những thành tựu to lớn được thế giới đánh giá cao. Các đối tượng chính sách được hưởng chế độ đãi ngộ ngày càng nâng cao, bảo đảm ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân. Đời sống của đại đa số nhân dân có mức tăng trưởng, ngày càng cải thiện. Trong công cuộc đổi mới, nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá đã lan toả và phát triển mạnh mẽ tạo ra những thay đổi nhanh chóng trên mọi vùng, miền của đất nước.
Những năm gần đây, trước những khó khăn mới do tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu và những yếu kém trong quản lý nền kinh tế đất nước, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, dù có nhiều cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân song chúng ta nhận thấy việc thực hiện tâm nguyện và lời dặn của Bác về phát triển kinh tế và văn hoá để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân vẫn còn phải tiếp tục lâu dài. Đặc biệt cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu phải được đẩy mạnh hơn. Những khuyết điểm, sai phạm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước cần phải được sửa chữa, xử lý theo tinh thần của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ra sức giữ gìn truyền thống đoàn kết của Đảng
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đoàn kết trở thành chiến lược lớn nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Để tập hợp, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, vấn đề hết sức quan trọng là phải nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân - tập thể. Trong giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới lợi ích cá nhân và coi đó là động lực trực tiếp để kích thích tính tích cực, sáng tạo của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Trong cuộc sống, mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là cái xấu… Đối với cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng, lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Người nhấn mạnh: Nếu gặp lợi ích nói chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá, đoàn kết toàn dân và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất là xuất phát từ nhu cầu khách quan, việc xử lý những mâu thuẫn xã hội, các nhóm người có quyền lợi khác nhau cần theo hướng phát triển cộng đồng, có lợi cho quần chúng nhân dân lao động, tránh đẩy tới mâu thuẫn đối kháng, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chia rẽ. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng Cộng sản là hạt nhân lãnh đạo và là linh hồn. Đoàn kết nội bộ Đảng là chỗ dựa, là cơ sở để đoàn kết dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc chỉ có thể xây dựng được khi đường lối cách mạng có mục tiêu, phương pháp phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số nhân dân. Trong tiến trình hội nhập quốc tế rất đa dạng và phức tạp, chứa đựng những vấn đề thống nhất và đối lập, cơ hội và thách thức đan xen, cần thực hiện một nguyên tắc trong quan hệ quốc tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ngắn gọn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, vì hoà bình, hữu nghị và phát triển, tranh thủ những thời cơ và vận hội trong quá trình xây dựng đất nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lâu dài, mãi mãi, là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết nhất trí của Đảng cầm quyền vì thế là nhân tố đặc biệt để lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo xã hội để xây dựng đất nước vì trong xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, khi nhân loại tiến đến nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng thông tin, điện tử và sinh học… bùng nổ, Việt Nam tiến hành hội nhập kinh tế, quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng hơn, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức, khó khăn mới. Đó cũng là bài học lớn của tiến trình đổi mới phải bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, ra sức phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo của nhân dân làm nên lịch sử. Đổi mới trước hết phải phát huy yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất là nhân tố con người, mà căn bản nhất là giải phóng năng lực trí tuệ con người, giải phóng mọi tiềm năng xã hội để phát triển con người và phục vụ con người, đem lại cuộc sống xứng đáng với lao động và cống hiến của mỗi người.
Gần 3 thập kỷ qua, công cuộc đổi mới ở nước ta được tiến hành từng bước vững chắc và toàn diện là nhờ có đường lối ĐỔI MỚI đúng đắn và sự đoàn kết chặt chẽ của Đảng. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chăm lo xây dựng đời sống văn hoá mới là ba trụ cột của xã hội. Cùng với cải cách, đổi mới kinh tế là đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân, làm lành mạnh hoá xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và các tệ nạn xã hội khác. Nhờ đó mà thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh và có vị thế mới trên trường quốc tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng, những điều Người căn dặn về Đảng cầm quyền là di sản tinh thần thiêng liêng, tài sản quý giá của Đảng và nhân dân ta. Đó là cội nguồn sức mạnh cho Đảng, để Đảng ta luôn luôn xứng đáng là Đảng của dân tộc Việt Nam, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và xây dựng./.
TS Phạm Văn Khánh
Theo Báo Nam Định
Kim Yến (st)