Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của quan hệ quốc tế ngày càng trở nên quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia và nỗ lực chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bài viết khái quát nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế và đề xuất hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế trong thời gian tới.

THHCM ve quoc te
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. (Ảnh tư liệu)

Quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế của Đảng ta

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”1. Các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế được hình thành từ rất sớm - giai đoạn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là một quá trình nhận thức cả lý luận và thực tiễn về sự phát triển và hội nhập với thế giới, từ tự thân hội nhập đến hoạt động không mệt mỏi của Người nhằm đưa cách mạng Việt Nam hội nhập vào dòng chảy cách mạng thế giới.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là yêu cầu và nội dung quan trọng được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện từ sớm, đặc biệt sau khi tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước ta xác định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho nhận thức và hành động trong quá trình kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Dấu mốc đầu tiên cho quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 17/7/1984 của Bộ Chính trị về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Nghị quyết nêu rõ: “Ưu tiên dành sự hợp tác cho các nước xã hội chủ nghĩa. Trong những lĩnh vực và quy mô ta định hợp tác, khả năng và yêu cầu của bạn đến đâu, ta hợp tác đến đó. Phần còn lại hợp tác với các nước dân tộc chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa phát triển”2.

Tháng 12/1986, Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới toàn diện, mở ra thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. Đại hội quyết định xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ VI nêu rõ: “Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế;… tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”…”3; “Công bố chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố Luật Đầu tư, cần có các chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào nước ta để hợp tác kinh doanh”4.

Đại hội ĐBTQ lần thứ VII của Đảng đã đề ra: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 (1991-2000)”, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa theo tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”5, nhằm tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Trong đó: “Gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có chính sách bảo vệ sản xuất nội địa”6. Khai thông quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB),… mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tháng 6/1996, Đại hội ĐBTQ lần thứ VIII của Đảng khẳng định chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những hàng hóa trong nước sản xuất có hiệu quả, tranh thủ vốn, công nghệ và thị trường quốc tế; mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt, song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Tháng 6/1996, Việt Nam tham gia tổ chức Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM); tháng 11/1998 trở thành thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ. Đây là sự biểu hiện sinh động trong việc hiện thực hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực hội nhập quốc tế.

Đại hội ĐBTQ lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đã khẳng định: “Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”7. Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; là sự kế thừa có phát triển trên tầm cao mới theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam và quan hệ quốc tế.

Ngày 03/02/2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ IX của Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là chủ động và khẩn trương hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương, song phương nước ta đã ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm gia nhập WTO; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao so với khu vực; tăng nhanh xuất khẩu và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, trong đó có một phần riêng về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế. Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc của Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế, trong mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006-2010, Đảng ta nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”.

Từ thực tiễn đổi mới, Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng nêu rõ: “Phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới… coi trọng huy động các nguồn ngoại lực, thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực mạnh hơn, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa”8. Trong nhiệm kỳ 2006-2010, Đảng ta đã tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của đất nước để đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất.

Tiếp tục phát huy thành quả đạt được của nhiệm kỳ Đại hội ĐBTQ lần thứ X, tại các kỳ Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, XII, Đảng ta xác định mục tiêu, phương hướng: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương... Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”(9).

Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, gắn chặt việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tăng cường năng lực thể chế đồng bộ, hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương…’’10.

Một số giải pháp tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay

Một là, nhận thức đúng đắn việc vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là quá trình thực hành có chọn lọc và sáng tạo. Chúng ta cần chọn lọc những nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay để thực hành một cách sáng tạo trên cơ sở kết hợp những chỉ dẫn, các nguyên tắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra với điều kiện, đặc điểm của chủ thể và môi trường vận dụng. Có như vậy mới mang lại hiệu quả; tránh rơi vào vận dụng hình thức, rập khuôn, thiếu hiệu quả. 

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và các quan điểm về quan hệ quốc tế nói riêng có giá trị vô cùng to lớn và sâu sắc nhưng không phải là bất biến, do vậy cần phải được bổ sung những yếu tố phù hợp với sự vận động, phát triển không ngừng của thực tiễn đang và sẽ diễn ra. Có như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh mới có sức sống mạnh mẽ và làm tốt chức năng soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Mặt khác, trong vận dụng phải vươn tới phát triển thì mới đạt mục đích; phát triển phải thông qua con đường vận dụng thì mới thật sự đúng hướng, kế thừa. Yêu cầu đảm bảo tính sáng tạo trong quá trình vận dụng sẽ dẫn đến sự bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế.

Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế

Để vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế đạt kết quả đòi hỏi chủ thể thực hiện cần hiểu rõ thế nào là “vận dụng”, thế nào là “phát triển”, đồng thời phải nắm vững về đối tượng của “vận dụng” và “phát triển” tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế. Tiêu chí đặt ra của “vận dụng” là phải đúng đắn, sáng tạo; đối với “phát triển” cần đảm bảo tính kế thừa, đúng hướng. Phát triển là cập nhật thêm nội dung mới hoặc bổ sung, cải biến, nâng tầm nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế đã có; cả hai đều phải góp phần nâng cao giá trị của tư tưởng, lý luận.

Do đó, cần nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế gồm những nội dung gì trên cơ sở đó để sáng tạo, bổ sung và phát triển. Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và làm phong phú các nội dung nhằm mang lại hiệu quả lớn hơn, trên không gian rộng hơn. Tuy nhiên, trong tuyên truyền cần chú ý đến hiệu quả, tránh chạy theo số lượng, hình thức; phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ như thanh niên, thiếu niên, sinh viên.

Ba là, quán triệt các quan điểm, bài học rút ra trong thực hiện quan hệ quốc tế

Bằng việc tiếp thu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã rút ra một số bài học về mặt lý luận quan trọng. Trong đó, xác định rõ quan hệ quốc tế là một xu thế khách quan, là bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền đề quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực. Do đó, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của đất nước hiện nay là giải pháp quan trọng để hội nhập sâu rộng với quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế.

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, cần xác định lộ trình và bước đi rõ ràng, quan tâm đến các vấn đề thuế quan và hoàn thiện các vấn đề pháp lý có liên quan đến xuất nhập khẩu để nguồn thu ngân sách quốc gia được gia tăng từ hội nhập kinh tế toàn cầu. Cần chú trọng bảo hộ cho nền sản xuất trong nước có trọng tâm, trọng điểm, bảo hộ hợp lý cả người sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, tập trung bảo hộ những ngành, nghề có tính chất then chốt, thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân, không bảo hộ tràn lan. Bảo hộ cần phải được xác định trong khoảng thời gian nhất định, rõ ràng các mức độ bảo hộ, đối tượng bảo hộ... tránh gây ra các vấn đề tiêu cực, đặc biệt là tránh gây rối loạn thị trường trong nước.

Bốn là, tổ chức tốt lực lượng vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế

Một trong những hạn chế nổi lên trong quá trình thực hiện vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là nhận thức không rõ về chủ thể tiến hành vận dụng. Chủ thể vận dụng và phát triển không chỉ là các tổ chức, cá nhân nghiên cứu vấn đề này mà đây là công việc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân... Các tổ chức thành viên hệ thống chính trị cần tiên phong, gương mẫu để Nhân dân thực hiện theo. Do vậy, nếu chỉ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vận dụng và phát triển thì không đi đến đích cuối cùng. Phải có sự tham gia của Nhân dân, xác định Nhân dân là lực lượng quyết định kết quả của việc vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế, thì mới đảm bảo yêu cầu.

Năm là, nắm chắc và thực hiện linh hoạt phương thức vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế 

Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là hoạt động đòi hỏi cách làm khoa học. Tuy nhiên, việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chưa có cách vận dụng, phát triển đúng đắn và phù hợp. Cách thức vận dụng và phát triển khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của chủ thể thực hiện nhưng phải đảm bảo về nguyên tắc để làm đúng cách và đạt hiệu quả. Do đó, cần xác định tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc, mang giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, rất cần thiết hiện nay.

Tuy nhiên, cần chọn lọc những nội dung gì cần thiết phải liên hệ, vận dụng ngay, nội dung gì cần thực hiện theo lộ trình. Sau khi xác định được nội dung, phải xác định được hoạt động nào, môi trường nào để vận dụng. Trong xây dựng chương trình, kế hoạch vận dụng nội dung vào công việc thực tiễn cần xuất phát từ đặc điểm của chủ thể để đề ra chương trình, kế hoạch. Nội dung của chương trình, kế hoạch cần đảm bảo xác định rõ mục tiêu vận dụng căn cứ vào nhiệm vụ công việc đang đảm nhận. Bên cạnh đó, cần chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở hai hình thức: tự bản thân và cơ quan, tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá. Tự thân theo dõi, đánh giá cần phải được thực hiện trước bởi vận dụng là công việc chính của bản thân. Sau khi đề ra chương trình, kế hoạch vận dụng thì trong lộ trình thực hiện phải định kỳ hàng tháng tự theo dõi, đánh giá để chủ động điều chỉnh kịp thời, khắc phục hạn chế, thiếu sót và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức. Mặt khác, cơ quan, tổ chức cần quan tâm theo dõi, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch, chương trình của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác đối ngoại là bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để triển khai các nhiệm vụ xây dựng đất nước. Để hoàn thành nhiệm vụ, cần phải xây dựng được đường lối quan hệ quốc tế đúng đắn, linh hoạt, phù hợp. Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng ta trong hoạch định đường lối mà còn có vai trò to lớn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những đòi hỏi ngày càng phức tạp hơn của quá trình hội nhập quốc tế./.

NCS Quách Thị Huệ - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Thị Hồng Vân - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

--------------------------------------

Ghi chú:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.88.
2, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 45, Nxb CTQG, H.2006, tr.332, tr.332.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb CTQG, H.2006, tr.415, tr.419.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb CTQG, H.2007, tr.49.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, Nxb CTQG, H.2007, tr.469.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Nxb CTQG, H.2007, tr.132.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, Nxb CTQG-ST, H.2018, tr.179.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.282-283.

Bài viết khác: