Nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử
Để có được nghi lễ chào cờ hàng ngày trên Quảng trường Ba Đình như hôm nay, cũng như nghi lễ tiêu binh danh dự tại Lăng Bác được thực hiện trang nghiêm từ ngày 29 tháng 8 năm 1975 đến nay, nhớ lại hai mươi năm về trước, năm 1999, để thực hiện một sự đổi mới nghi lễ thật là nan giải.
Khó khăn đầu tiên là phải đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ. Nằm trong đội hình của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 có vinh dự được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, nghi lễ, trực tiếp đón tiếp đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực Lăng. Bên cạnh nhiều thuận lợi cũng có những khó khăn, vất vả. Cán bộ, chiến sỹ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được lựa chọn rất kỹ về lai lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, quân dung đẹp, vóc dáng, thể hình tiêu chuẩn cân đối; đồng thời còn phải trải qua những ngày tháng luyện tập đặc biệt và gian khổ, phải có lòng tin, tuyệt đối trung thành, bản lĩnh chiến đấu cao, không những là vinh dự, tự hào của bản thân mà còn là vinh dự, tự hào của gia đình, quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tuy vậy do cường độ công việc cao, tính chất nhiệm vụ căng thẳng, phức tạp; khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, môi trường khắc nghiệt, nhiệt độ hàng năm vào mùa hè ngoài trời có lúc lên tới 60 độ C, mùa đông lại rất lạnh, các nghi thức được lặp đi, lặp lại nhiều lần dễ sinh ra chủ quan, nhàm chán; tư tưởng của một số cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 có lúc không muốn đổi mới, ngại khó, ngại khổ, không muốn “ôm rơm, rặm bụng”; thêm nhiệm vụ nhưng lại không được tăng biên chế, không tăng quân số; thay đổi nếp thời gian sinh hoạt hàng ngày, bộ đội phải thức dậy sớm hơn, từ 04h30 so với thức dậy lúc 05h00… Tuy nhiên “quân lệnh như sơn”, đến tháng 9/1999, Ban Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Phòng Tham mưu nghiên cứu xây dựng phương án, chỉ đạo Đoàn 275 trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Đội 1, Đội Tiêu binh danh dự luyện tập.
Đội hình thực hiện nghi lễ thượng cờ, ban đầu gồm 37 đồng chí. 01 đồng chí làm Khối trưởng, 03 đồng chí Tổ Quốc kỳ, 03 đồng chí Tổ Quân kỳ và 30 chiến sỹ danh dự. Đúng 00h ngày 01 tháng 01 năm 2000, Lễ Thượng cờ “Đón chào Thiên niên kỷ mới” được thực hiện trang trọng với sự tham gia của 2000 học sinh, sinh viên Thủ đô Hà Nội. Sau buổi thực hiện Lễ Thượng cờ “Đón chào thiên niên kỷ mới” thành công tốt đẹp, tại buổi rút kinh nghiệm, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh nói: Lễ chào cờ, hạ cờ trước Lăng Bác là nghi thức quốc gia đặc biệt, rất thiêng liêng phải được thực hiện rất trang trọng, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, cách thức thực hiện, tổ chức luyện tập thuần thục, để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư. Bộ Tư lệnh giao cho cơ quan Tham mưu xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Đoàn 275 triển khai tổ chức thực hiện luyện tập. Sau buổi họp, đồng chí Đại tá Đào Hữu Nghĩa, Tham mưu trưởng (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh, kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Lăng), gọi tôi lên và giao cho tôi tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhận nhiệm vụ tôi cũng rất lo lắng bởi chưa hình dung ra nghi lễ sẽ thực hiện như thế nào? Trong một lần trao đổi với đồng chí Đặng Nam Điền, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng (sau này là Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh), tôi đề nghị được đi tham quan, học tập về nghi lễ ở nước ngoài. Anh Điền rất ủng hộ và báo cáo ngay với Trưởng ban Ban Quản lý Lăng phê duyệt.
Sau chuyến đi tham quan học tập tại nước bạn trở về, căn cứ thực tế địa hình Quảng trường Ba Đình, truyền thống và văn hóa Việt Nam, trên cơ sở Điều lệnh đội ngũ và các nghi lễ của Quân đội, một nghi lễ mới, nghi lễ chào cờ hàng ngày của Việt Nam trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành và dần hoàn thiện. Đội hình thực hiện nghi lễ là một phân đội, gồm 03 tiểu đội, vác súng trường CKC, lưỡi lê tuốt trần, đứng thành 03 hàng dọc, 01 Chỉ huy, Tổ Quốc kỳ có 03 đồng chí, 01 đồng chí bê Khay đựng lá Quốc kỳ và 02 chiến sỹ bảo vệ, Tổ Quân kỳ 03 đồng chí, 01 đồng chí vác Quân kỳ và 02 chiến sỹ bảo vệ, có sự trùng hợp ngẫu nhiên là Đội hình nghi lễ có tổng số 34 đồng chí tượng trưng cho 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội hình nghi lễ tập kết từ sau Lễ đài trái (T20) đi đều ra vị trí Cột cờ trước Lăng, sau khi làm lễ Chào cờ xong đi đều trên thềm sỏi trước Lăng, rẽ trái qua Đường Hùng Vương rồi rẽ trái trên thềm sỏi trước Lễ đài phải (F9) đến trước cửa Lăng chuyển thành động tác bồng súng đi nghiêm nhìn bên phải chào (với ý nghĩa là chào Bác Hồ) và về vị trí xuất phát. Đồng chí Nguyễn Anh Thi, Đội trưởng Đội 1 (Đội Tiêu binh danh dự) khi đó, được giao là Khối trưởng Đội nghi lễ, đã có sáng kiến là đo, đếm bước chân của bộ đội để bộ đội đi đúng thời gian quy định, đúng với nhạc hành khúc, đúng vị trí từng centimet. Cột cờ trước Lăng được thiết kế rất cân đối với không gian Quảng trường, với thiết kế ban đầu để đưa lá cờ lên phải quay thủ công bằng tay. Sau đó Phòng Kỹ thuật, trực tiếp là đồng chí Chu Ngọc Chiểu, kỹ sư cơ khí, Trưởng ban Kỹ thuật được giao nhiệm vụ thiết kế lại, sử dụng cơ cấu chuyển động bằng điện và phương án dự phòng là quay thủ công bằng tay phòng khi mất điện. Lá Quốc kỳ theo quy định chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, đồng chí Đặng Thục, Trưởng ban Tác huấn khi đó báo cáo lá cờ hiện nay có một chiều 07 mét, một chiều 09 mét, hỏi lại đồng chí Nguyễn Cao Biền, Trưởng Ban Vật tư lúc đó là tại sao kích thước lại như vậy. Đồng chí Biền trả lời là may theo khổ tấm vải cho tiện. Phải mất một đêm không ngủ, đồng chí Đặng Thục mới tính toán được số đo kích thước lá cờ vừa đúng quy định, vừa thuận tiện cho bộ đội khi liên kết và làm động tác tung cờ khi “Thượng cờ” và thu cờ khi “Hạ cờ”. Đó mới là phần phương án về đội hình nghi lễ, đường đi về của đội hình. Còn một nội dung tưởng là đơn giản, lại vô cùng khó khăn là: Nhạc Quốc ca, nhạc hành khúc cho đội hình nghi lễ thực hiện.
Để có được một hình thức nghi lễ mới vừa trang nghiêm, vừa đúng, đều, đẹp, là công sức và tâm huyết của rất nhiều người. Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm thông tin; cán bộ, chiến sỹ Ban Thông tin và Đội Thông tin của Bộ Tư lệnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu bảo đảm âm thanh đã phối hợp với Đoàn Quân nhạc để ghi âm đĩa nhạc Quốc ca và nhạc hành khúc. Ban đầu ghi âm tại Đoàn Nghi lễ Quân đội 781, nhưng không đạt yêu cầu do phòng thu âm không đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật. Cũng như phần đội hình nghi lễ, từ mối quan hệ quen biết, tôi gọi điện thoại cho nhạc sỹ Vũ Thiết lúc đó phụ trách Chương trình “Khắp nơi ca hát” của Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ giúp đỡ. Nhạc sỹ Vũ Thiết vui vẻ nhận lời và nói anh làm công văn gửi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam để có căn cứ tôi báo cáo. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam sau khi nghe nhạc sĩ Vũ Thiết báo cáo, đã giao nhiệm vụ cho nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Trưởng ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân rất có trách nhiệm và có nghề, nhạc sỹ đã trực tiếp hòa âm, phối khí bài Quốc ca và chỉ huy dàn đồng ca, dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn quân nhạc Quân đội ghi âm lời một của bản Quốc ca rất thành công với tổng thời gian là 58 giây. Căn cứ thời gian của bài Quốc ca, các cán bộ của Phòng Kỹ thuật đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Cụm công tác hành trình”, cải tiến phần cơ khí từ truyền tải bằng dây đai sang hệ thống bánh răng, khắc phục hiện tượng xoắn cờ khi kéo cờ lên, cải tạo lại hầm bệ cột cờ có khoảng không gian, đủ rộng để thuận tiện cho việc kéo cờ bằng tay trong trường hợp mất điện, hoặc ngập úng do mưa bão, với một yêu cầu đặt ra rất cao và khắt khe là lời nhạc của bài Quốc ca bắt đầu vang lên thì lá cờ Tổ quốc cũng bắt đầu từ từ được kéo lên; khi kết thúc lời và nhạc của bài Quốc ca thì lá Quốc kỳ cũng lên đến đỉnh Cột cờ.
Sau một thời gian chuẩn bị và tích cực luyện tập thuần thục, tôi đề nghị Tư lệnh được tổ chức buổi báo cáo, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng và các cơ quan chức năng của Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó là một buổi chiều đầu tháng 4 năm 2001, đến dự có đại diện Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng; Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ công an; Bộ Quốc phòng có đồng chí Đại tá Hồ Như Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn; đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Luận, Trưởng phòng Điều lệnh Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Đại tá Ngô Chí Doanh, Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ quân đội và các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng… Sau buổi tổng duyệt, trong buổi rút kinh nghiệm, các đại biểu tham gia ý kiến đều rất thống nhất đề nghị nên sớm hoàn thiện và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để thực hiện. Đại tá Hồ Như Tùng đại diện cho Bộ Quốc phòng phát biểu: “Đây là một nghi lễ mới, góp phần giáo dục niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi công dân với Tổ quốc Việt Nam; gắn kết trang trọng về biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc với Bác Hồ kính yêu”. Kết luận hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh biểu dương các lực lượng đã nêu cao quyết tâm, khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, cảm ơn các cơ quan Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tham gia đóng góp những ý kiến quý báu và giúp đỡ đơn vị trong thời gian vừa qua, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tiếp tục luyện tập, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để bắt đầu thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của Người. Sau khi Ban Quản lý Lăng báo cáo, ngày 12 tháng 4 năm 2001, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Công văn chỉ đạo số 5656/CV/VPTW; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 373/CP- VX ngày 07/5/2001 do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm ký, về việc tổ chức lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, Lễ Chào cờ đầu tiên được tổ chức trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được truyền hình trực tiếp trên sóng của VTV, Đài Truyền hình Việt Nam và trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ, từ 05h30 sáng ngày 19/5/2001, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Trên Quảng trường Ba Đình, đông đảo nhân dân, bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng và đoàn viên thanh niên Thủ đô Hà Nội đã có mặt đông đủ, đặc biệt có cả Đoàn đại biểu các đồng bào dân tộc Tây Nguyên đi viếng Bác được mời tham dự. 6h24 phút tôi ra lệnh “Lễ chào cờ bắt đầu”, từ các loa truyền thanh trên Quảng trường Ba Đình vang lên bản nhạc “Tiến bước dưới quân kỳ”. Đội nghi lễ do đồng chí Nguyễn Anh Thi, Khối trưởng chỉ huy dẫn đầu, tiếp sau là lá Quốc kỳ được gấp ngay ngắn để trên khay do một chiến sỹ nâng trên tay và hai chiến sỹ bảo vệ, đồng chí Vũ Quý Dương vác Quân kỳ cùng Đội Danh dự hùng dũng tiến ra Quảng trường. 6h30 phút, sau lời thông báo “Sắp đến giờ thực hiện Lễ Chào cờ, đề nghị đồng bào trên khu vực Quảng trường ngừng mọi hoạt động, đứng tại chỗ, hướng về phía cột cờ, để nghi lễ được thực hiện trang trọng”. Sau tiếng nhạc lệnh, khẩu lệnh “Chào cờ… chào” vang lên, cờ Tổ quốc từ từ kéo lên cùng với nhạc và lời bài Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi/chung lòng cứu quốc/…”. Thật xúc động và tự hào, tôi thầm nghĩ vậy là đã thành công, dù sau này đạo diễn truyền hình có nói là đã thống nhất truyền hình trực tiếp từ 6h30 phút mà sao các đồng chí cho làm sớm trước 06 phút. Sau buổi lễ, đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ đến bắt tay tôi và nói: “Chúc mừng các đồng chí nhé, thú thật với đồng chí là tôi rất lo, hôm qua Thủ tướng Chính phủ còn dặn đi, dặn lại với tôi là phải tổ chức thật trang nghiêm, chặt chẽ, không được để xảy ra sai sót, vì truyền hình trực tiếp trên cả nước, ra thế giới, Lăng Bác là nơi rất thiêng liêng. Một lần nữa chúc mừng đồng chí và đơn vị”.
Thấm thoắt đã gần 45 năm thực hiện Nghi lễ Tiêu binh danh dự, gần 20 năm thực hiện nghi lễ chào cờ, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, nghi lễ nói chung, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 và những cán bộ, chiến sỹ tiêu binh danh dự nói riêng đã ghi đậm trong tâm thức nhân dân cả nước, nhất là nhân dân Thủ đô Hà Nội, hình ảnh của anh bộ đội bên Lăng Bác. Như trong hồi ký của cố Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Tư lệnh, kiêm Chính ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đầu tiên, đã viết: “Trong tâm thức của nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân Hà Nội đã in đậm hình ảnh của anh bộ đội bảo vệ Lăng. Đó là hình ảnh tôn nghiêm, tự hào, tự tôn của dân tộc, của đất nước, đã được thừa nhận như một lẽ đương nhiên. Đó cũng là hình ảnh danh dự tượng trưng cho sự tin cậy của Đảng, của nhân dân đối với "Bộ đội Cụ Hồ"". Với những người lính thân yêu ấy, tôi muốn dành những tình cảm chân thành nhất để cám ơn họ, những người đồng đội đã luôn đồng hành, giúp đỡ, động viên, ủng hộ và cổ vũ tôi, giúp đỡ tôi hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao./.
Đại tá Nguyễn Phúc Trị
Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân sự
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh