“Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu, phẩm chất cao đẹp của người quân nhân cách mạng được hình thành và phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kế thừa, phát huy phẩm chất cao đẹp đó, cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm cho phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng trên lĩnh vực hoạt động mới, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Để làm rõ vấn đề đó, Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu chùm bài viết: “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

  1. “Sứ giả hòa bình” của Việt Nam ở phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc ở lĩnh vực hoạt động quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc Việt Nam cử lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu hết sức thận trọng và chắc chắn để bảo đảm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đúng với đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở “Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” và “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, ngày 27-5-2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) và cử 02 sĩ quan Quân đội đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng. Đến nay, chúng ta đã cử hơn 30 lượt cán bộ, sĩ quan thực hiện các nhiệm vụ: Sĩ quan liên lạc, tham mưu trang bị, phân tích thông tin, quan sát viên quân sự,… tại 02 phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Đặc biệt, Quân đội ta đã triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 01, gồm 63 cán bộ, nhân viên tới Ben-tiu, Nam Xu-đăng, với tinh thần, trách nhiệm cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoạt động hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và nhân dân nước sở tại đánh giá cao. Ngay sau đó, chúng ta tiếp tục triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 02, với 84 cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ ở Nam Xu-đăng, bảo đảm chu đáo, đủ các điều kiện theo yêu cầu của Liên hợp quốc đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Việc cử lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 02 triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 01 là bước tiến quan trọng của Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam; đồng thời cho thấy, nước ta hoàn toàn có đủ khả năng tham gia nhiệm vụ quan trọng này.

pham chat bo doi 1
Các sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 chụp hình lưu niệm trước giờ xuất quân thực hiện nhiệm vụ
tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu - đăng.
(Ảnh: qdnd)

Với chủ trương: Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, trong quá trình hoạt động, chúng ta luôn thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Theo đó, ta chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan, các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết; không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế và hoạt động tác chiến. Chỉ sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ chính đáng, trong trường hợp không còn biện pháp nào khác; mọi quyết định khi tham gia phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác. Trong quá trình tham gia, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam, ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực công tác nào đều có trách nhiệm, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc và sự nỗ lực, cố gắng toàn diện, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, năng lực chuyên môn; tạo được lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua môi trường hoạt động thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực gìn giữ hòa bình của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Quân đội ta đã có bước tiến bộ vượt bậc. Hiện nay, chúng ta không chỉ tự huấn luyện cho cá nhân và đơn vị của mình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mà còn có đủ uy tín, năng lực để tổ chức các khóa huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế1. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho các đồng nghiệp quốc tế, nhân dân bản địa, nhất là lực lượng quân đội các quốc gia hiểu thêm về đất nước, quân đội, truyền thống, văn hóa, quan điểm, phương châm hoạt động, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; từ đó, họ thực sự yêu quý, tôn trọng và ủng hộ chúng ta.

Là dân tộc, quốc gia từng chịu nhiều hy sinh, gian khổ trong các cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu và quý trọng giá trị cao cả của hòa bình. Trong điều kiện quốc tế hiện nay, muốn bảo vệ được nền hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước, phải tạo được môi trường hòa bình chung quanh ta và đóng góp cho hòa bình thế giới. Tuy nhiên, khi bước vào làm công tác chuẩn bị cử lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình, Việt Nam gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức của toàn quân và xã hội về vấn đề này còn chưa đồng thuận; điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường sống nơi đoàn đến làm việc khắc nghiệt. Khu vực ta tham gia thực hiện nhiệm vụ diễn biến phức tạp về quốc phòng, an ninh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, thậm chí cả trong các vùng có chiến sự, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong khi đó, việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, kinh nghiệm chưa nhiều; hoạt động trong môi trường đa quốc gia, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải có trình độ, kiến thức, năng lực làm việc về ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, quy định của Liên hợp quốc, sự hiểu biết về phong tục, tập quán của nước sở tại, v.v. Công tác hậu cần, kỹ thuật, đảm bảo thông tin liên lạc,… phải sử dụng các trang, thiết bị hiện đại theo chuẩn của Liên hợp quốc. Ngoài ra, lực lượng Quân đội được cử đi làm nhiệm vụ này thì công tác chỉ huy, tham mưu phải đặt dưới sự chỉ huy của Phái bộ nước sở tại và tổ chức đảng, tổ chức quần chúng của ta bên đó; đồng thời, phải chấp hành mệnh lệnh, chỉ huy, chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng Việt Nam; thực hiện chế độ, nền nếp theo Điều lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp, cán bộ, nhân viên của ta cần được huấn luyện chặt chẽ trên tất cả các mặt theo yêu cầu của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kết hợp giữa huấn luyện, bồi dưỡng ngoại ngữ, trang bị kỹ năng ứng xử quốc tế, kiến thức cơ bản về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với tổ chức truyền thụ kinh nghiệm, bổ sung những nội dung cần thiết được rút ra từ thực tiễn hoạt động qua các nhiệm kỳ của cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ. Thông qua đó, trang bị cho họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống độc lập cũng như hiệp đồng xử lý các tình huống theo thông lệ, quy tắc ứng xử quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc trong môi trường đa quốc gia. Tăng cường giáo dục xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần khắc phục khó khăn cho bộ đội; tổ chức giao nhiệm vụ chặt chẽ, quy định người phụ trách, chế độ báo cáo kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng tuần, tháng, cả nhiệm kỳ về Cục Gìn giữ hòa bình và Ban Chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, luôn bảo đảm liên lạc thông suốt với Liên hợp quốc, các bộ phận của ta để phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, hiệp đồng; tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Qua quá trình hoạt động, các quân nhân Việt Nam đã thực sự trở thành “sứ giả hòa bình” ở những nơi còn nhiều khó khăn, phức tạp về quốc phòng, an ninh và xung đột sắc tộc. Với thành tích đạt được, các quân nhân Việt Nam đã được Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng trao huy chương “Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” ngay khi họ kết thúc nhiệm kỳ một năm theo Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định là các quân nhân Việt Nam tham gia Phái bộ luôn phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần đem lại sự ổn định cho khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nước sở tại.

Đỗ Hồng Lâm
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử
Tâm Trang (st)

__________

  1. Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công 02 khóa Sĩ quan Tham mưu (UNSOC), 01 khóa Sĩ quan Hậu cần (UNLOC) và 01 khóa Chuyên gia Quân sự Liên hợp quốc (UNMEOM).

(Số sau: II. Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng)

Bài viết khác: