36 
Ảnh Tư liệu

            Chủ tịch Hồ Chí Minh một lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người luôn để lại tình cảm tốt đẹp, những ấn tượng sâu sắc cho ai từng được gặp hay với cả những thế hệ sinh ra khi Người đã lên tàu đi xa, chỉ biết về Người qua những câu chuyện kể, những trang sách, những hình ảnh hay những thước phim.

Bộ quần áo kaki của BH mặc trong ngày 2-9-1945
Bộ quần áo Ka Ki của Bác Hồ mặc trong ngày 2/9/1945

            Khi thăm nhà sàn của Bác hình tấm ảnh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” phía dưới là dòng chữ: “Trên ngực áo này không một tấm huân chương và sau làn vải ngực áo này có một trái tim”, lòng tôi nghẹn ngào xúc động. Điều này khiến tôi nhớ những câu chuyện kể về Bác Hồ đã hai lần từ chối các vinh dự cao quý dành cho Người.

Tại phiên họp lần thứ 6, Quốc hội khóa II, ngày 8-5-1963, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, Quốc hội định tặng Người Huân chương Sao Vàng, là người đầu tiên được nhận huân chương cao quý nhất của đất nước. Người đã trình bày với Quốc hội rằng: "Tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội, vì Tổ quốc đang tạm chia cắt làm đôi, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng bào miền Nam đang hàng ngày, hàng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh, kiên quyết chống bọn cướp nước hại dân để giành lấy quyền tự do, quyền sinh sống". Người đề nghị: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc" và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất. Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

Khi được tin Xô-viết tối cao Liên Xô quyết định tặng thưởng Huân chương Lê-nin, Huân chương cao quý của Nhà nước Liên Xô, Bác lại từ chối. Bức điện gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Người trình bày lý do: "Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lê-nin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lê-nin vĩ đại".

Với công lao như Hồ Chí Minh, mà Người còn thấy chưa đủ để nhận bất kỳ một sự khen thưởng nào?! Cho đến trước khi từ giã thế giới này trái tim Bác vẫn chỉ có phập phồng một nỗi nhớ miền Nam, chỉ có trăm nỗi ưu lo cho dân nước sau ngày thống nhất. Trên lồng ngực Người vẫn chỉ có chiếc áo ka ki đã bạc màu vì dạn dày sương gió  mà không hề có tấm huy chương nào. Với Người Huân chương lao động, Huân chương Chiến công hay Huân chương Độc lập, Huân chương Sao vàng hay Huân chương quốc tế Lê-nin? Những tấm Huân chương sáng lòa vinh quang và là dấu ấn của một thời lịch sử? Người xứng đáng với tấm huân chương nào hay tất cả? Nhưng có lẽ với Người chỉ có một tấm Huân chương cao cả hơn cả, phù hợp hơn cả nhưng vô cùng giản dị và trường tồn cùng với dân tộc, với non sông đất nước, đó là: Huân chương Nhân dân. Đó là tình cảm của cả dân tộc Việt Nam đối với Người. Tình cảm của các thế hệ nhân dân nhân dân Việt Nam với vị lãnh tụ kính yêu của mình.

                                                                                  Kim Yến

Bài viết khác: