Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại hội và Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước triệu người như một nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, cũng phải giành cho được chính quyền trong toàn quốc.
Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), Huế (23/8/1945), Sài Gòn (25/8/1945). Chính quyền cả nước đã thuộc về nhân dân.
Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, theo đề nghị của Người, Uỷ ban Dân tộc giải phóng được mở rộng thành Chính phủ lâm thời. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Bác đã dồn tâm trí viết một áng hùng văn có tầm lịch sử vô giá: Bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ngày 30/8/1945, tại Huế, đồng chí Trần Huy Liệu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời đã tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại và nhận ấn kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ, trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế. Vua Bảo Đại đã xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”1.
Ngày 2/9/1945, trước cuộc mít tinh của hơn nửa triệu người tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng một chân lý không ai chối cãi được: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...”, Người cũng tuyên bố trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Bản Tuyên ngôn đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhanh chóng đi vào lòng người, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc và quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền tự do, độc lập mới giành được.
Ngay sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách: Chống đói; chống dốt; tổng tuyển cử; xây dựng nếp sống mới; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tín ngưỡng tự do. Sau đó, Người đã bổ sung và khái quát thành 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào Nam bộ, nêu rõ cuộc kháng chiến ở Nam bộ được cả nước ủng hộ, biểu dương gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân Nam bộ, nêu rõ quyết tâm của toàn dân ta “thà chết tự do, còn hơn sống nô lệ”.
Tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”, cổ vũ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện và làng chỉ rõ tính chất và nhiệm vụ của chính quyền cách mạng: “Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của đế quốc Pháp, Nhật. Nếu nước được độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”2. Người cũng vạch ra những lầm lỗi cần phải sửa chữa của một số cán bộ: Cậy thế, làm trái phép, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Bức thư này bước đầu đã xây dựng cơ sở lý luận cho chính quyền kiểu mới ở nước ta.
Cùng với việc chống giặc ngoại xâm, chống nạn đói, Người rất quan tâm đến việc diệt dốt. Vì vậy, việc chống nạn mù chữ cũng được tuyên truyền rộng rãi ở các địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”3. Hình thức tuyên truyền chống mù chữ rất phong phú, như: “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”; “Thêm một người đi học là thêm một viên gạch xây nền độc lập của nước nhà”. Có nhiều thơ ca, hò vè gây ấn tượng rất sâu sắc: “Lấy chồng biết chữ là tiên, lấy chồng không chữ là duyên lỡ làng”. Sau một năm đã có hơn hai triệu người thoát nạn mù chữ.
Tháng 9 năm 1945, nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh cả nước khuyến khích các cháu học tập tốt để sau này đem tài năng phục vụ đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”4.
Ngày 20/10/1945, Bác đến dự khai mạc Ngày Sinh viên cứu quốc, Bác xúc động khuyên nhủ: “Các cháu còn bé chưa vác nổi súng, đi đánh giặc làm sao được. Các cháu có thể đánh giặc bằng cách khác. Học cho siêng, giữ gìn tính nết cho ngoan và luyện thân thể cho khỏe cũng là đánh giặc. Rồi khi cần đến các cháu sẽ làm trinh sát, liên lạc trong quân đội, phục vụ chiến đấu...”5.
Để củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, Chính phủ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946 để bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp và lập Chính phủ chính thức.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lời thề độc lập và những việc làm của Bác trong những ngày ấy đã chắp cánh để chúng ta hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và tiếp tục xây dựng non nước ta đàng hoàng và to đẹp hơn./.
_________________
1. Trong khi đó, tại Hà Nội, chiều ngày 30-8-1945, Bác Hồ đã tiếp ông Pat-ti và những người Mỹ đầu tiên trên đất Việt Nam độc lập. Rất thân tình và cởi mở, Bác Hồ đọc cho các vị khách nghe câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Thoạt tiên, những người Mỹ tưởng mình nghe nhầm. Các vị khách vô cùng ngạc nhiên vì đó là câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1778 của nước Mỹ! Bác Hồ vẫn bình thản diễn tả đúng văn phong và lập luận của mình. Từ ngạc nhiên đến xúc động, những người khách Mỹ như phát hiện một điều kỳ lạ ở đất nước xa xôi này. Điều kỳ lạ đó được một cụ già mảnh khảnh, mặc chiếc áo nâu, thể hiện bằng một phong thái lịch lãm và một thứ ngôn ngữ uyển chuyển đến mức không thể tưởng tượng nổi... Cuối buổi tiếp, Bác Hồ vui vẻ báo tin: Chủ nhật 2-9 tới, Chính phủ Việt Nam tổ chức ngày Lễ Độc lập và mời những đại biểu của nước Mỹ tới dự.
2, 3, 4, 5. Tư liệu sưu tầm.
Theo Lê Quang Cảnh
- Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết.
Tâm Trang (st)