Đúng ngày 19/5/1945, Ngày sinh Bác Hồ, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh ra đời tại Thành phố Vinh. Và đến ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh tiến hành Đại hội đại biểu tại làng Châu Sơn, xã Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên), chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ban Chấp hành Chính phủ Việt Minh liên tỉnh.
Ngày 16 tháng 8, nhân dân xã Thanh Thủy của huyện Nam Đàn giành chính quyền. Tiếp theo là các làng xung quanh Vinh vào ngày 17 tháng 8 như Yên Dũng, Lộc Đa... Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên của Nghệ An giành chính quyền cấp huyện thắng lợi vào ngày 18 tháng 8. Đúng 12 giờ trưa ngày 21 tháng 8, các lực lượng cách mạng kéo đến bao vây Dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng là Đặng Văn Hướng ra hàng. Đại diện Ủy ban cách mạng lâm thời Nghệ An, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới và cổ vũ quần chúng giúp đỡ giữ gìn an ninh thành phố, góp phần bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Cuộc khởi nghĩa ở Vinh thắng lợi tạo đà thúc đẩy nhanh chóng việc giành chính quyền các huyện còn lại...Như vậy, chỉ trong vòng 9 ngày, từ ngày 18 đến ngày 26 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An đã đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Giành chính quyền ở Vinh (21/8/1945)Ảnh: Tư liệu
Ở Nghệ An, ngay sau cao trào cách mạng mùa Thu năm ấy, có một sự kiện không phải ai cũng biết tới: Với bút danh Hồ Chí Minh, Bác có "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà". Bức thư chưa đầy 900 chữ, đề ngày 17/9/1945, viết tại Hà Nội, lấy danh nghĩa của một đồng chí già, mục đích là để san sẻ ít kinh nghiệm với các đồng chí quê mình. Thư gồm 4 mục nhỏ, đánh số rõ ràng nhằm chuyển tải 4 nội dung của người viết:
- Ý nghĩa rất to lớn của cuộc cách mạng dân tộc;
- Lý giải vì sao cuộc cách mạng thắng lợi;
- Sự nghiệp kiến thiết xây dựng xã hội mới sau khi giành chính quyền;
- Cuối thư, lại là phần dài nhất, đậm nhất Bác nêu những khó khăn cần giải quyết, phải "vừa làm vừa học, cái chính là theo cho đúng chính sách của Chính phủ ban hành. Được như thế thì khó khăn gì cũng sẽ vượt qua!".
Chính sách của Chính phủ ngay sau giành chính quyền, theo Bác rút lại chỉ trong có 2 công việc: Củng cố đoàn kết và sửa chữa khuyết điểm. Sức mạnh đoàn kết dân tộc, ai cũng rõ rồi. Nhưng nêu rõ ra và yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trên nhiều phương diện của cán bộ, đảng viên, nhân dân lúc bấy giờ thì không phải ai cũng đều quán triệt. Những khuyết điểm đó, cụ thể ra là thói bao biện, hẹp hòi; lạm dụng hình phạt; kỷ luật không nghiêm; một số việc làm xấu xa như lên mặt làm quan cách mạng, độc đoán, dùng phép công để báo thù tư...
Tất cả khiến dân chúng hoang mang, nền đoàn kết bị lung lay, uy tín của Chính phủ và đoàn thể bị ảnh hưởng xấu. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều. Nhận thức sâu sắc quy luật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào đồng chí ở tỉnh nhà phải lập tức sửa đổi ngay. Bác chỉ rõ, không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi khuyết điểm, sợ không có tấm lòng chí công vô tư với dân với nước!
Như vậy, chỉ nửa tháng sau ngày 2/9/1945 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, nhân dân và cán bộ tỉnh Nghệ An quê Bác nhận được bức thư vừa giàu tình cảm, vừa chứa đựng những lời chỉ bảo thiết thực mà vô cùng hệ trọng của Người. Hơn 6 thập kỷ trôi qua, những ngày mùa Thu này, thông điệp trong "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà" vẫn còn giữ nguyên sức thuyết phục và tươi mới. Nên nhớ, ở cuối bức thư, Bác Hồ viết thêm một dòng này: "Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi, tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến". Bác như luôn chờ đón những hồi âm từ phía nỗ lực của chúng ta vậy?!
Theo Baonghean.vn
Tâm Trang (st)