Là một nhà nhiếp ảnh có tài, cuộc đời đã dẫn Vũ Năng An qua những khúc quanh của định mệnh để rồi trở thành một nhân chứng của lịch sử, của cách mạng. Mỗi lần đến thăm ông, nhắc lại những gì đã qua, ông thường nói với tôi: “Đời tôi may mắn được chứng kiến ghi lại những sự kiện trọng đại, được gần với những nhân vật lớn của thế kỷ XX... những gì tôi ghi lại được, chính là một phần của câu chuyện lớn...”.
Vũ Năng An sinh ra ở tỉnh Nam Định năm 1916. Ông mồ côi mẹ năm 10 tuổi. Nhiều năm liền chàng trai trẻ Vũ Năng An nuôi ý nghĩ cần phải rời khỏi gia đình, tìm một nơi độc lập để sống và một việc để làm, tạo dựng cuộc sống riêng. Năm 16 tuổi, Vũ Năng An trốn nhà xuống Hải Phòng xin thi vào Trường Kỹ nghệ. Năm đó ông thi hỏng vì môn kỹ thuật không đạt yêu cầu.
Vũ Năng An đành trở về nhà nhưng ý chí thay đổi cuộc sống bế tắc, tù đọng thì vẫn sôi sục trong tâm hồn người trai trẻ đầy sôi nổi và khát vọng.
Đêm 30 Tết năm 1937, biết hôm sau có chuyến tàu xuyên Đông Dương chạy qua Nam Định, không đợi đến sáng hôm sau cùng vui tết với gia đình, Vũ Năng An tự nhủ: “Phải rời xa thành Nam, không thể sống như thế mãi”. Rồi anh mua vé lên tàu vào Tuy Hòa, từ đó bắt xe ôtô đi tiếp vào Sài Gòn.
Cũng tại đây anh may mắn gặp được Géo Thơm. Chính Géo Thơm đã dạy anh nghề chụp ảnh và nhận anh vào làm tại hiệu ảnh của mình. Vũ Năng An nhanh chóng bộc lộ những dấu hiệu của một tài năng nhiếp ảnh lớn được các bậc đàn anh nể trọng. Và một lần tình cờ chụp ảnh cho vợ chồng ông Phó Giám đốc tàu Armis. Mối lương duyên ấy đã đưa Vũ Năng An vào một hành trình mới.
Ông chủ tàu Armis trầm trồ khen Vũ Năng An chụp đẹp và bảo rằng với tay nghề của mình, Vũ Năng An có thể sang làm việc tại Pháp. Anh được nhận xuống tàu và làm một hành trình 2 tháng liền trên đại dương. Cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Marseille. Trong thời gian làm việc tại Pháp, chàng trai trẻ Vũ Năng An đã lăn lộn trong nhiều cảnh sống và có thêm nhiều hiểu biết. Và cũng trong hoàn cảnh xa đất nước ấy, anh đã có dịp nhìn nhận lại mình. Từ tuổi thơ cay đắng đến cảnh sống thiếu quê hương nơi đất khách quê người đã bùng cháy lên trong Vũ Năng An tình yêu Tổ quốc và sự thông cảm sâu sắc với số phận người cùng khổ. Năm 1939 anh quyết định về nước, cố gắng làm một cái gì đó có ích cho đời.
Trước đó, từng chứng kiến cảnh các chiến sỹ cách mạng bí mật xuất dương trên tàu Armis, ý thức cách mạng đã thấm dần vào Vũ Năng An. Ông còn có hai người bạn bí mật hoạt động cho Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rủ ông tham gia viết báo trong lớp. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 chuẩn bị nổ ra đã tạo điều kiện để Vũ Năng An trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh cách mạng và một nhân chứng lịch sử.
Từ 17/8/1945, Việt Minh đã chính thức mời Vũ Năng An chụp ảnh cho cách mạng.
Ngày 19/8/1945, cùng với không khí cuồn cuộn đấu tranh của cuộc Tổng khởi nghĩa, theo lệnh Việt Minh, nhân dân Hà Nội vùng lên giành chính quyền. Buổi sáng hôm đó, nhà văn Nguyên Hồng đến gặp Vũ Năng An với tâm trạng vô cùng phấn chấn:
- Đi! Đi chụp ảnh nhân dân chiếm Phủ Khâm sai.
Vũ Năng An cầm máy chạy về phía Phủ Khâm sai. Và may mắn sao, ông đã chụp được một trong những bức ảnh lịch sử vào loại tiêu biểu nhất, ghi lại cái thời khắc thiêng liêng của Cách mạng Tháng Tám - thời khắc nhân dân ta tiến vào sào huyệt của kẻ thù, đập tan bộ máy thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến cai trị suốt 1.000 năm, xây dựng chế độ Cộng hoà dân chủ.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Biên giới
(năm 1950, ảnh Vũ Năng An)
Sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám, Vũ Năng An lại được bố trí chụp ảnh Bác Hồ và Chính phủ lâm thời trong ngày ra mắt đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Những bức ảnh tư liệu quý đó đã đi vào sách giáo khoa và được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Năng An được điều động lên Việt Bắc. Từ đó cho đến khoảng 20 năm sau, Vũ Năng An là nhà nhiếp ảnh trụ cột và có nhiều cơ hội được chụp ảnh Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí lãnh đạo và các nhà trí thức văn nghệ sỹ khác.
Chiến dịch Biên giới nổ ra năm 1950. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng của chiến dịch này, Bác Hồ thân chinh đi chiến dịch. Lần hành quân này bên Bác là một ân huệ nữa mà lịch sử dành cho Vũ Năng An. Ông đã chụp được nhiều ảnh, trong đó có một bức vô cùng quý giá, bức ảnh Bác Hồ ngồi trên điểm cao của Chiến dịch Biên giới, với bộ quần áo bộ đội, mắt hướng về phía xa quan sát trận địa, gương mặt Bác đầy suy nghĩ và tự tin... Bức ảnh ấy đã đi vào lịch sử và làm xúc động biết bao nhiêu người Việt Nam qua các thế hệ.
Vũ Năng An có tất cả 3 lần được theo Bác Hồ đi chụp ảnh dài ngày. Đó là lần ở Chiến dịch Biên giới, và lần Bác thăm Liên Xô năm 1955 và 1959. Trong những lần đó, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại những bức ảnh rất có giá trị. Đáng chú ý, theo chúng tôi là bức ảnh chụp Bác Hồ thăm hồ Y Xức Kun trên dãy A La Tao cao ngất trời nằm trong triền núi Thiên Sơn và ảnh Bác Hồ thăm Bảo tàng khi làm việc và sống của Lê-nin tại Điện Kremly.
Vũ Năng An cũng được theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Đoàn cán bộ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đến bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve. Chuyến đi này ông cũng đã chụp được nhiều ảnh tư liệu rất có giá trị.
Năm 1960-1964, Vũ Năng An được điều sang làm Quản lý ở Xưởng phim tổng hợp. Năm 1964-1969, ông làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam. Từ 1969-1972, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Xưởng kỹ thuật sản xuất phim và từ 1972-1979, là Giám đốc Xưởng Phim truyện Việt Nam.
Trong 15 năm tham gia các vị trí quản lý chủ chốt nhất của Xưởng phim, ông đã hết lòng với công việc, để lại một tấm gương trong sáng, cần cù, thấu hiểu đồng chí, đồng nghiệp, tin tưởng vào họ tạo điều kiện cho những tư tưởng sáng tạo chân chính được thực hiện trong thực tế. Nhiều bộ phim của Xí nghiệp phim truyện thời kỳ này ra đời đã được nhân dân đón nhận và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Vì những đóng góp xuất sắc của mình, đặc biệt là bức ảnh Bác Hồ đi Chiến dịch Biên giới, Vũ Năng An đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về nhiếp ảnh, đợt I.
Theo cand.com.vn
Huyền Trang (st)