Đã lâu nghe có đền thờ Bác Hồ tại Pakse - Lào nên khi đến đây tôi quyết tâm đến thăm ngay. Một bác Việt kiều nói: Chú cứ đến đầu xóm Tân Phước hỏi đền thờ Thánh Trần và Cụ Hồ, ai cũng biết. Quả thật tôi dễ dàng tìm đến nơi này. Đền thờ nằm trong một con hẻm nhỏ thuần người Việt, nhiều nhất là người gốc Hà Nội.
Chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thờ
tại chùa Kim Sơn bên cạnh các vị vua yêu nước, bồ tát, cao tăng. Ảnh: N.T.D
Theo lời các cụ cao niên ở đây kể lại: Sau khi Bác mất hầu như nhà người Việt nào cũng thờ Bác. Song mọi người lại muốn có một nơi trang trọng hơn nên đã lập bàn thờ Bác ngay đền thờ Đức Thánh Trần. Bà con cho rằng Bác Hồ và Đức Thánh Trần là những bậc anh hùng lỗi lạc của dân tộc xứng đáng được tôn thờ.
Trong đền, gian thờ giữa dành thờ Đức Thánh Trần. Gian bên trong thờ tượng, chân dung Hưng Đạo Đại Vương, hai bên tả hữu thờ bà Liễu Hạnh.
Bàn thờ Bác Hồ đặt ở gian ngoài, song song với bàn thờ Đức Thánh Trần, ở giữa đặt tượng bán thân của Bác bằng thạch cao. Bức tượng này được bà con rước về thờ nhân kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 115. Dưới chân tượng, đặt 5 bức ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác được lồng trong khung rất cung kính. Bên trên bàn thờ đề 2 dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Nhìn trên bàn thờ Bác, chúng tôi thấy nhang đèn, hoa tươi bày trang trọng, ấm cúng. Anh Nguyễn Văn Dũng- người giữ đền giải thích: Vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng và các ngày lễ lớn trong năm, bà con Việt kiều đến viếng rất đông và tổ chức lễ cúng rất trang trọng.
Anh Nguyễn Văn Dũng - người giữ đền Bác Hồ tại Pakse hiện nay. Ảnh: N.T.D
Đến thăm chùa Kim Sơn ở bản Khúa Ta Phan - Pakse, chúng tôi lại một lần nữa ngạc nhiên khi thấy chân dung của Bác Hồ được thờ trang trọng trong gian hậu tổ, nơi thờ những bậc bồ tát, cao tăng, vị khai sơn của chùa. Chân dung Bác Hồ được phóng to treo ngang hàng với chân dung của vua Thành Thái, một vị vua yêu nước, chống Pháp và cũng là thân phụ của vị khai sơn chùa Kim Sơn- Thích Minh Lý.
Một bức chân dung khác: Một người mặc áo cà sa màu vàng, cầm bình bát đang đi khất thực, dưới ảnh chú thích: “Chân dung Hồ Chí Minh năm 1919 (29 tuổi) là một nhà sư hành đạo (hoạt động cách mạng) tại Xiêm (Thái Lan) có tên THẦU CHÍN” đặt giữa bàn thờ bên cạnh chân dung các cao tăng như Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ tát Thích Quảng Đức, Ni cô Diệu Tĩnh, người ở chùa Kim Sơn cho biết: Gian thờ Cụ Hồ đã có lâu lắm rồi, khi mới về đây ni cô đã thấy (người viết bài này xin miễn bình luận về xuất xứ bức ảnh và thời gian được chú thích vì năm 1919 Bác Hồ ở Pháp, năm 1928 Bác đến Thái Lan và năm 1929 Bác rời Thái Lan).
Thăm hai nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pakse làm tôi xúc động, bồi hồi: Nhân dân ta thật sáng suốt và công bằng, tâm thức của họ luôn hướng vào những bậc anh linh hào kiệt của dân tộc với một niềm tin hết sức tự nhiên và có sức sống bền bỉ, sâu sắc. Trong đó hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một bậc hiền nhân mà nhân dân Pakse nói riêng luôn tôn kính trong tâm thức của mình.
Nguyễn Tiến Dũng
Theo http://baogialai.com.vn
Tâm Trang (st)