Biết Nhótkhămmani là cháu ngoại của "ông Hoàng đỏ” Xuphanuvông, Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cũng là người đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, chúng tôi đã liên lạc với cô để hẹn một cuộc trò chuyện.

 a1 chau gai Hoàng than
Nhótkhămmani là Hoa khôi hữu nghị của

Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 2006

             Thay vì những tiếng tút tút dài quen thuộc, Nga (tên Việt Nam của Nhótkhămmani) cài đặt một bản nhạc chờ với lời giới thiệu rất dễ thương: "Xin chào, bạn đang gọi đến số điện thoại của Nga thân thiện và đáng yêu. Trong thời gian chờ Nga bắt máy, mời bạn thưởng thức bản nhạc này...”. Thực tình, tôi không nghĩ đây là lời giới thiệu của một cô gái đang theo học chương trình Tiến sĩ (năm thứ 2) của Học viện Ngoại giao Việt Nam.

            Hà Nội vào thu se sẽ lạnh. Nhótkhămmani mặc một chiếc áo sơ mi dài tay màu xanh và chiếc váy dài bằng thổ cẩm cùng màu đón tôi. Cô nói tiếng Việt rất chuẩn, viết tiếng Việt rất đẹp. Có lẽ, nếu không phải vì đã nghe nói về Nhótkhămmani từ trước thì tôi sẽ không nghĩ rằng đây là một cô gái đến từ đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Nhưng rồi càng trò chuyện, vẻ đằm thắm, dịu dàng và sự am hiểu về lịch sử đất nước Lào của cô đã hoàn toàn chinh phục tôi. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng cái tên Việt Nam của Nhótkhămmani: Nguyễn Thị Kim Nga. Nhótkhămmani tự hào kể: "Bà ngoại mình là người Việt Nam, tên bà là Nguyễn Thị Kỳ Nam vốn là một hoa khôi của thành phố biển Nha Trang.    Ông ngoại mình, Hoàng thân Xuphanuvông trong thời gian công tác ở Việt Nam đã gặp và yêu bà rồi sau đó hai người nên duyên, bà theo ông về Lào và có thêm một tên nữa là Viêng Khăm (theo tiếng Lào là "Vòng Vàng”, ý nghĩa này là lấy từ tên Thành vàng của thủ đô Viêng Chăn cổ kính và năm vừa qua mới kỷ niệm 450 năm ngày thành lập thủ đô xinh đẹp). Mười người con (8 nam, 2 nữ) của ông bà sau này ngoài tên Lào đều có thêm tên tiếng Việt là: Quang, Minh, Trung, Thành, Nga, Chính, Đại, Thắng, Hữu Nghị, Chí Long. Trong đó có 4 tên của 4 người con mà Bác Hồ đặt là Quang, Minh và Chính, Đại. Mẹ mình tên tiếng Lào là Nhótkéomani Xuphanuvông - hiện là Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nếu dịch ra ý nghĩa của tên mẹ bằng tiếng Việt là "Đỉnh Châu báu” vì ông bà ngoại mong ước có được cô con gái sau bốn người con trai đầu, còn tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Kiều Nga cũng do ông bà ngoại đặt. Đến lượt mình, vì quý mình là con gái một nên mẹ đã lấy tên bà ngoại và mẹ đặt cho mình là Nhótkhămmani nghĩa tiếng Việt là "Đỉnh Vàng”, còn tên Việt: Nguyễn Thị Kim Nga cùng trùng với chữ K, N của bà và mẹ. Thời gian mình học ở Việt Nam tính đến nay đã được 8 năm nên thành ra tên Việt Nam của mình được sử dụng thường xuyên chẳng kém gì tên Lào, thậm chí nhiều người bạn Lào của mình cũng quen gọi mình là Nga thay vì Nhótkhămmani”.

            Tò mò hỏi về tên gọi "Quận chúa Lào” mà những người bạn cả Lào và Việt Nam vẫn thường gọi Nhótkhămmani, cô cười hiền hòa: "Đấy là các bạn quý mến thì gọi đùa vui thế thôi chứ bây giờ ở Lào không còn chế độ quân chủ nữa. Kể từ năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ông ngoại mình - Hoàng thân Xuphanuvông cùng với các lãnh tụ cách mạng khác lãnh đạo quân Pathét Lào chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những người Lào được Pháp, Mỹ dựng lên, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào đã quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hiện nay, ngày 2 tháng 12 cũng được lấy làm ngày quốc khánh của nước mình”.

"Vậy Nhótkhămmani có tiếc không khi trên thực tế bây giờ bạn cũng chỉ là một công dân Lào bình thường như tất cả những người khác?” – tôi hỏi.

 

a2 chau gai Hoang than
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của

Hoàng thân Xuphanuvông tại Việt Nam (23-7-2009)

            "Không đâu, con đường mà ông ngoại, bà ngoại và cả gia đình mình đã lựa chọn là đúng đắn. Ông từ bỏ ngôi vị Quốc vương, là vì tấm lòng yêu nước, yêu dân, suốt đời ông đấu tranh cho quyền bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân tin yêu. Ông đã trở thành người chiến sỹ cách mạng đầy nhiệt huyết, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, đúng như trong cuộc gặp với Hồ Chủ tịch, ông đã từng nói: "Lúc này, tôi chỉ có Tổ quốc là lớn hơn cả”. Khi còn sống, ông ngoại mình vẫn luôn kể với con cháu về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 4-9-1945 với một thái độ đầy trân trọng. Ông bảo, nhờ có dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội mà ông đã học được nhiều điều bổ ích...”.

            Không mất một năm học tiếng Việt như phần lớn các lưu học sinh Lào và Campuchia khác đến Việt Nam học, Nhótkhămmani sang Việt Nam học lớp 12 đồng thời học tiếng Việt song song. Cô bảo "mình thuận lợi hơn các bạn khác là ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ dạy tiếng Việt cơ bản và luôn động viên, giúp đỡ mình học tập, phấn đấu, tiến bộ vì mẹ cũng từng học ở Việt Nam và đã tốt nghiệp đại học với bằng ưu tại Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam)”. Mẹ cô không chỉ yêu thích và giỏi tiếng Việt mà còn rất khâm phục tài năng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất tâm đắc với nhiều quan điểm của Bác Hồ và thường xuyên dạy Nhótkhămmani rằng "Việc gì tốt dù nhỏ cũng nên làm, việc gì xấu dù nhỏ cũng nên tránh”. Sau khi tốt nghiệp chương trình đại học của Học viện Ngoại giao Việt Nam, Nhótkhămmani tiếp tục theo học chương trình Thạc sỹ. Với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, Nhótkhămmani được chọn theo học lên chương trình Tiến sỹ.

a3 Chau gai hoang than
Gia đình Hoàng thân Xuphanuvông

trong một lần gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch

            Hiện nay, cô đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2 của Học viện Ngoại giao. Đồng thời, Nhótkhămmani cũng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội sinh viên Lào tại Hà Nội kiêm Phó Bí thư Đoàn thanh niên lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Thân thiết, gắn bó với Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ qua những lời dạy và câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, sau này lại có nhiều năm theo học ở Việt Nam, được sự giúp đỡ của các thầy cô, bạn bè Việt nên Nhótkhămmani luôn dành một tình cảm đặc biệt cho dải đất hình chữ S này. Cô chọn đề tài bảo vệ luận văn Thạc sỹ là "Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thời kỳ chống Pháp” còn đề tài luận án Tiến sỹ hiện nay Nhótkhămmani đang nghiên cứu là: "Những nhân tố chi phối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam trong giai đoạn 1986 - 2011”. Nhótkhămmani bảo đây vừa là sở trường vừa là mong muốn của cô từ rất lâu rồi. Cô muốn từ việc tìm hiểu, nghiên cứu những câu chuyện của quá khứ, của lịch sử để hiểu rõ, góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào như Hoàng thân – Chủ tịch Xuphanuvông đã từng nói: "Tình hữu nghị Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”.

Thu Hương
Theo daidoanket.vn
Kim Yến (st)

 

 

 

 

Bài viết khác: