Họ là những thương binh nặng, cuộc sống còn bộn bề khó khăn, bệnh tật hoành hành quanh năm... nhưng đã cùng nhau trích một phần tiền trợ cấp thương tật của mình để lập quỹ nghĩa tình, hình thành Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Tây Trường Sơn. Cùng với sự chung tay của xã hội, nhiều năm nay nguồn quỹ này đã kịp thời chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của đồng đội, người tàn tật, đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn…
Nhớ lại những ngày đầu thành lập Quỹ, bác Đinh Quang Tiến ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chia sẻ: “Năm 2007, anh em chúng tôi ngồi bên nhau ôn lại chuyện chiến trường. Hôm đó có người cung cấp thông tin mới về người bạn chung chiến hào năm xưa. Thật không may người đồng đội ấy, nay bệnh tật đang hoành hành, cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau câu chuyện, chẳng ai bảo ai, chúng tôi người có vài trăm nghìn, người dốc hết túi được vài triệu đồng... chia sẻ với đồng đội. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã lên tận Hòa Bình thăm đồng đội. Ý tưởng thành lập một Trung tâm hỗ trợ đồng đội hình thành từ đó".
Đại diện Trung tâm trao nhà tình nghĩa cho thương binh Đặng Tài Lý, tháng 7-2014
Được anh em đồng đội nhiệt tình động viên, ủng hộ, chỉ một thời gian sau Trung tâm hỗ trợ nhân đạo Tây Trường Sơn ra đời, với hơn 40 tình nguyện viên đều là anh em thương binh lái xe 3 bánh và một số nữ thanh niên xung phong nội thành Hà Nội. Bác Ngô Thời Bình, Giám đốc Trung tâm hiện nay không quên ơn những đồng đội đã sát cánh, đồng sức cùng ông ngày ấy. Hầu hết anh em trong đội xe thương binh, người nhiều thì vài triệu đồng, người ít cũng góp dăm trăm đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, một số bác như: Đinh Quang Tiến, Lê Bình... không chỉ góp tiền mà còn thường xuyên có những thông tin, những ý kiến quý báu với các hoạt động của Trung tâm. Nhờ vậy, Trung tâm đã thực hiện được khá nhiều hoạt động. Đầu tiên là giúp đỡ những thương binh, con em thương binh, nạn nhân chất độc đi-ô-xin trên địa bàn Hà Nội, sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, mở rộng đối tượng giúp đỡ như: Hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, người tàn tật, neo đơn… Ở đâu anh em Trung tâm nghe được thông tin về những số phận, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mọi người lại bàn bạc tìm cách giúp đỡ.
Bác Ngô Thời Bình chia sẻ, năm ngoái chúng tôi đọc trên báo thấy nghị lực vượt khó của mẹ con chị Đinh Thị Dư, nạn nhân chất độc đi-ô-xin ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Hoàn cảnh chị Dư rất khó khăn, cháu Đinh Hương đi học không có phương tiện, chúng tôi đã gửi quà và xe lăn bằng ô tô vào tặng cháu. Mới đây, thương binh Đặng Tài Lý, thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội gặp khó khăn về nhà ở, được Trung tâm xây tặng căn nhà trị giá hơn 70 triệu đồng. Nhân dịp này, Trung tâm đã trao tặng 4 chiếc xe lăn cho người tàn tật ở Sơn La và 30 suất học bổng cho học sinh Trường Dân tộc Nội trú thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Với nguyện vọng giúp được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, đồng bào bị thiên tai..., Trung tâm đã có nhiều sáng kiến gây quỹ như: “Ngày lao động thiện nguyện”, tổ chức các chương trình ca nhạc “cây nhà lá vườn” do chính những thương binh, cựu thanh niên xung phong biểu diễn. Năm 2013, Trung tâm đã thành công với chương trình đêm nhạc “Hướng về đồng bào miền Trung”, sau đêm nhạc đã thu về 150 triệu đồng, số tiền trên đã kịp thời chuyển về chia sẻ khó khăn với bà con Hà Tĩnh, nơi gánh chịu nặng nề nhất của thiên tai.
Tháng Bảy này, các thương binh ở Trung tâm lại bận rộn với những chương trình tri ân, tưởng nhớ đồng đội. Thật may mắn, chúng tôi đã có mặt ở nhà bác Đinh Văn Bắc dâng hương các liệt sĩ, một thành viên trong Trung tâm. Nhà bác có tới 3 người anh em đã mãi mãi nằm lại chiến trường, bác Bắc cũng là thương binh nặng. Dâng nén hương trước anh linh các liệt sĩ trên ban thờ hôm ấy, những gương mặt già nua, chai sạn trận mạc nghẹn trào nước mắt.
Tâm thiện chắc chắn thuận lòng người, thuận anh linh đồng đội. Chúng tôi mong các bác luôn luôn sống vui, sống khỏe, tiếp tục hành trình thiện nguyện./.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Hạnh
Theo Báo Quân đội nhân dân cuối tuần
Tâm Trang (st)